Chi tiết tin - Du khách
Nghề làm bánh tráng Quảng Hòa
Trên những chuyến tàu chợ xuôi ngược Bắc Nam những chiếc bánh tráng mè đen, mè xát ga Minh Lệ (Quảng Minh) từ lâu đã nổi tiếng. Những chiếc bánh tráng vừa dày vừa ngon bán tại ga Minh Lệ được làm từ bàn tay những thợ tráng bánh ở xã Quảng Hòa. Nghề làm bánh tráng mè đen, mè xát đã có từ bao đời nay, hầu hết người dân trong xã đều biết làm bánh tráng từ thuở lên chín, lên mười. Có nhiều gia đình hai, ba đời gắn bó với nghề làm bánh tráng.
Bà Trần Thị Mai, thôn Cao Cựu cho biết: "Lúc 10 tuổi, tôi đã bắt đầu làm quen với nghề, lúc đầu là phụ giúp cha mẹ làm rồi gắn bó với nghề cho đến nay. Ngày đó, làm bánh tráng bằng thủ công, lên nương đốn củi, xay bột bằng cối, rất vất vả. Lao động thâu đêm suốt sáng, cực nhọc lắm mới làm ra những chiếc bánh ngon...".
Để làm ra bánh ngon phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc lựa gạo ngon, phù hợp đến ngâm gạo trong 3-4 giờ đồng hồ, cho vào cối xay bột, sau đó lọc qua 3 lần nước bỏ bã, giữ lại nước cốt, cho vào nồi đun... Song bí quyết và kỹ thuật quan trọng nhất để làm bánh tráng ngon là công đoạn pha chế nước gạo xay, cần bỏ bao nhiêu nước và gia vị để tráng bánh dẻo, vẫn giữ được hương thơm, ăn có vị bùi ngậy, ngon, thanh khiết.
Theo những người dân nơi đây, ngày trước, bánh làm xong mang ra chợ bán không kịp, đặc biệt vào mùa hè, các lò hoạt động hết công suất, làm cả ngày lẫn đêm vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Cứ mùa hè đến, vài cái bánh tráng ăn với chắt chắt (con hến) trên sông Gianh thì không chê vào đâu được. Đây là món ăn dân dã nhưng cực kỳ ngon miệng của người dân nơi đây. Trước đây, mỗi lò 1 ngày làm 200 - 300 cái cũng không đủ bán.
Thế nhưng, nghề làm bánh tráng bây giờ ở Quảng Hòa không còn hưng thịnh như xưa. Nhìn cách làm bánh thủ công của vài hộ nơi đây cũng dễ hiểu vì sao nghề làm bánh tráng không mấy ai mặn mà. Hiện nay, bột gạo làm bánh không phải xay bằng tay mà được xay nghiền bằng máy nhưng công đoạn tráng bánh mới thực sự vất vả. Trên những chiếc lò củi, lò trấu nhỏ hẹp, bánh vừa tráng xong được mang ra phơi nắng. Nếu chẳng may không đủ nắng, coi như mẻ bánh đó không còn thơm, ngon vì không có lò sấy.
Trước đây, thôn Cao Cựu nhà nào cũng làm bánh nhưng đến nay chỉ còn 15 hộ gắn bó với nghề. Nói về nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn Cao Cựu cho hay: “Làm nghề này nặng công mà ít lời, không có người làm thì chịu. Nhiều gia đình có hai ba đời làm bánh nhưng đến nay cũng phải bỏ nghề vì đầu ra không ổn định. Trước đây, cũng có nhiều người đến xin học nghề nhưng chỉ sau một thời gian, thấy làm nghề khổ quá mà thu nhập chẳng được bao nhiêu nên tất cả đều lần lượt bỏ học giữa chừng”.
Ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: “Trước đây, nghề làm bánh tráng là nghề phụ đem lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá cả nguyên liệu tăng vọt làm đội giá thành sản phẩm, đầu ra không có, không còn lời nhiều như trước, thậm chí lỗ nặng. Nhiều hộ dẹp củi, bỏ lò, xếp vạt. Hiện toàn xã còn hơn 30 lò bánh tráng. Trong đó, mới chỉ có 2 lò bánh ở Vĩnh Phú tráng bánh bằng máy hiện đại, các hộ còn lại đều làm thủ công”.
Để giữ nghề không bị mai một, cần có chính sách hỗ trợ vốn để bà con đầu tư lắp đặt máy móc hiện đại áp dụng vào sản xuất, có như vậy mới giữ nghề làm bánh tráng phát triển bền vững, tạo thu nhập vươn lên làm giàu chính đáng của người dân nơi đây.
Theo Báo Quảng Bình
- Giữ hồn cho làng nghề (26/05/2014)
- Nón lá Yên Hóa đang dần hồi sinh (28/04/2014)
- Quang Thuan Conical Hat Village (04/12/2014)
- An Xa Sedge Mat Village (04/12/2014)
- Quy Hau Conical Hat Village (04/12/2014)
- Xuan Bo Bamboo & Rattan Village (04/12/2014)
- Tan An (04/12/2014)
- Quy hậu - Làng nghề nón lá (31/03/2014)
- Ha Thon conical hat (04/12/2014)
- Làng Hạ Thôn âm thầm giữ "hồn" nón Việt (07/03/2014)