Chi tiết tin - Du khách
Nón lá Yên Hóa đang dần hồi sinh
Các cụ cao niên ở xã Yên Hóa kể lại rằng: những năm đầu thế kỷ XX, nhiều tiểu thương từ Ba Đồn huyện Quảng Trạch lên Minh Hóa để kinh doanh buôn bán. Các mặt hàng họ mang dưới xuôi lên chủ yếu là các nhu yếu phẩm như: mắm, muối, vải, nón lá... Sau đó, họ mang những sản vật từ Minh Hóa về dưới xuôi bán kiếm lời. Nón lá được rất nhiều người dân vùng cao ưa chuộng, hàng mang lên bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu. Thấy nón lá bán chạy nên nhiều người dân ở xã Yên Hóa đã xin các tiểu thương truyền nghề. Bởi nơi đây có nguồn nguyên liệu tại chỗ nên bà con tin rằng nghề nón lá sẽ mang lại cuộc sống ấm no.
Ông Đinh Phầu (84 tuổi) ở thôn Yên Thắng kể lại: “Được các tiểu thương ở Ba Đồn truyền nghề nên bà con nơi đây mừng lắm! Ngày ngày có hàng trăm người kéo nhau đi học nghề. Học xong, bà con lên rừng Chôông Cún lấy lá, lấy tre về làm nón”. Người này biết nghề truyền lại cho người kia, rồi cả làng Yên Đức cùng làm. Sản phẩm nón lá Yên Hóa chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu trong huyện. Họ dùng nón để bán hoặc đổi các sản vật từ các nơi khác. Ông Phầu cho biết thêm: “Ngày đó, cả xã có vài chục hộ làm nón lá. Người đến đây mua nón rất nhiều. Đến mùa thu hoạch ngô, chúng tôi còn mang nón đi khắp nơi trong huyện đổi lấy ngô về ăn. Nhờ thế mà cuộc sống của chúng tôi ngày càng khấm khá hơn trước đó”.
Sau này, do chiến tranh phá hoại của Mỹ cùng với những lý do khác nhau nên nghề nón là ở Yên Hóa dần mai một rồi đi vào quên lãng. Với mong muốn khôi phục lại làng nghề truyền thống, các cụ đã bảo ban con cháu tìm cách học lại. Và cái duyên nón lá đã trở lại với người dân vùng cao này. Năm 2013, Trung tâm dạy nghề tổng hợp Minh Hóa đã đào tạo lại nghề làm nón cho 30 phụ nữ trong xã. Sau một thời gian học nghề với những “chuyên gia”, chị em đã nắm bắt được những kỹ năng làm nón. Nhiều người về nhà còn nhờ các cụ cao niên truyền dạy tiếp nên họ sớm làm thuần thục.
|
Chị Đinh Thị Hồng Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Hóa cho hay: “Cả xã đang có gần 10 hội viên theo nghề làm nón lá. Dù mới bắt đầu làm nhưng chị em đã làm khá thành thạo, sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết”. Chị Đinh Thị Đào, ở thôn Yên Thắng tâm sự: “Tôi thấy làm nón lá cũng nhẹ nhàng, lại tranh thủ được thời gian nhàn rỗi hay những lúc mưa nắng”. Trung bình mỗi cái nón lá có giá từ 25-30 nghìn đồng. Một ngày chị Đào cũng làm được 3 đến 4 cái. Sau khi trừ chi phí, chị cũng kiếm được gần 100 nghìn đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hóa Hà Ngọc Thành cho biết: “Chúng tôi đang vận động cho bà con trong xã tiếp tục đẩy mạnh nghề làm nón, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Sau đó, tập hợp chị em lại để thành lập hợp tác xã nón lá và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Ông Cao Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề tổng hợp huyện Minh Hóa cũng cho hay: “Trong năm 2014, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Hợp tác xã nón lá Liên Trạch (Bố Trạch) để đào tạo nghề làm nón cho 35 chị em phụ nữ trong huyện”.
Có thể khẳng định rằng: nón lá Yên Hóa giờ đã hồi sinh. Bởi nơi đây, đất đai khô cằn sỏi đá đó rất khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp. Và nghề làm nón sẽ là hướng đi mới, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong xã cũng như toàn huyện.
Theo Báo Quảng Bình
- Quang Thuan Conical Hat Village (04/12/2014)
- An Xa Sedge Mat Village (04/12/2014)
- Quy Hau Conical Hat Village (04/12/2014)
- Xuan Bo Bamboo & Rattan Village (04/12/2014)
- Tan An (04/12/2014)
- Quy hậu - Làng nghề nón lá (31/03/2014)
- Ha Thon conical hat (04/12/2014)
- Làng Hạ Thôn âm thầm giữ "hồn" nón Việt (07/03/2014)
- Chuyện ở làng mê diễn tuồng và hát dân ca (24/05/2010)
- Làng "Nề vương" (20/04/2009)