Quy hậu - Làng nghề nón lá

Post date: 31/03/2014

Font size : A- A A+
Nghề làm nón được du nhập về làng Quy Hậu chưa lâu - khoảng bảy tám chục năm nay, nhưng nó đã phát triển nhanh chóng, gìn giữ thành nghề truyền thống của làng.

Đến nay, cả làng Quy Hậu nhà nào cũng làm nón, già trẻ, gái trai đến buổi nông nhàn lại bắt tay vào làm nghề nón. Nghề nón có lợi thế là có thể làm bất cứ lúc nào, sáng, trưa, chiều, tối hẽ cứ rảnh rang là người ta làm nón. Nghề nông, ngư đều gặp trở ngại khi thời tiết không thuận, nhưng nghề nón dù trời mưa rét, lụt lội chẳng can cớ chi. Việc không cần sức lực mà chỉ cần khéo tay nên người già, con trẻ đều có thể trở thành lao động chính. Ngay cả chị em có con nhỏ dại vừa ru con vừa làm nón vẫn được việc.

Nhờ bảo tồn được nghề, trong lúc nhiều làng nghề khác của Lệ Thủy đã mai danh, ẩn tích, năm 2008, Quy Hậu là một trong ba làng ở Lệ Thủy được UBND tỉnh Quảng Bình trao bằng công nhận LÀNG NGHỀ (cùng với làng An Xá: Chiếu cói; Xuân Bồ: Đan lát)

Nghề nón lợi nhuận không cao, nhưng nhà nào cũng có thêm thu nhập, có thêm tiền tiêu vặt, tiền đóng góp cho con đi học. Ở Lệ Thủy có câu thành ngữ: “Lúa vào rồi lại lúa ra” ý nói làm nông không có tích lũy. Ấy vậy nhưng, với nghề nón là “Tích tiểu thành đại”, nhà nào nhiều lao động làm nón là có của ăn của để. Có nhà, mỗi ngày làm ra 5-7 cái nón, giá chi phí bình quân mỗi cái chỉ 10.000 đồng. Nếu nón đẹp, mang ra chợ, mỗi cái bán được 40.000 – 50.000 đồng. Cả làng, mỗi ngày làm ra hơn 500 cái nón, thu về một khoản tiền không nhỏ.

Ông Lê Văn Khuyên, một nhà nghiên cứu về Lệ Thủy đã viết về nón Quy Hậu như sau: “Nón Quy Hậu không được thanh mảnh, nhẹ nhàng, nhưng nó có vẻ đẹp riêng: chắc chắn, sắc sảo, thanh lịch, khỏe khoắn, ẩn dấu trong mình một vẻ đẹp bền chắc, có tuổi thọ gấp đôi nón ở nhiều nơi khác”.

Trước đây, nghề làm nón cũng khá vất vả, người làm nón phải tự mình đi mua vật liệu ở nơi xa và từ nhiều nơi. Tre Lồ ô thẳng dóng để làm vành phải lên Châu, Lê, chợ Động (Đôộng), Tâm Duyệt thượng, Tâm Duyệt hạ…. xa 5-10 km, vác bộ về nhà mới pha chế. Mốc chằm phải đi mua tận Cùa, Ba Lòng của tỉnh Quảng Trị. Lá nón phải đi lấy trong rừng sâu, phải phơi cho được nằng, là phẳng bằng lưỡi gang nung nóng. Nhiệt độ phải vừa để lá không bị sém, vàng, giữ được màu trắng xanh tươi non. Cái nón làm ra lại phải đi bán ở các chợ xa chứ ở chự huyện không tiêu thụ hết.

Nay nhờ cơ chế mới, mỗi nơi đảm nhiệm một khâu, vật liệu có người mua về bán lại ngay tại chợ Đò Cầu không phải đi xa. Nón lá làm ra có chủ thầu mua rồi họ tự đưa vào các tỉnh miền Nam tiêu thụ. Nghề nón bây giờ đã có sự liên kết "3 khâu" rõ rệt: Vật liệu có người đưa về bán tận làng. Sản phẩm có người đưa đi bán nơi khác. Người làm ra nón chỉ việc lo làm cho đẹp theo mẫu mã thị trường ưa chuộng.

Ngược dòng lịch sử, nghề nón ở Quy Hậu còn ghi chép được thủy tổ làng nghề của mình. Theo như các cụ già kể lại: Người đầu tiên phát hiện “lợi ích” nghề nón là hai ông Nguyễn Văn Dỵ (thường gọi là ông Bộ Chiêm), và ông Đỗ Bá Mỡn (thường gọi là ông thợ Giồng) vào khoảng năm 1905 – 1906. Hai ông vốn làm nghề thợ may, vì giỏi nghề may nên đã rủ nhau ra thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch) may thuê. Chợ phiên Ba Đồn cứ bảy ngày lại nhóm một lần. Hàng hóa từ các vùng lân cận, cả tận ngoài Hà Tĩnh dồn về, nên rất phong phú.

Chỗ làm nghề may của các cụ được thuê gần chợ Ba Đồn, ngay làng Thổ Ngọa nay thuộc xã Quảng Thuận. Nơi đây có sẵn nghề làm nón rất phát triển, đời sống khá hơn các làng khác. Thấy đây là nghề có thể giúp ích cho dân làng vào thời vụ nông nhàn, hai ông trở về nhà vận động thêm ba người bạn thân là Lê Quang Mạc (Hường Mạc), Nguyễn Văn Tranh (chấu Tranh) và Nguyễn Quang Suyền cùng ra Ba Đồn học nghề nón, đem về truyền dạy cho bà con quê mình.

Trong nhóm có ông Bộ Chiêm, vợ mất đã lâu, để lại hai người con gái là Chiêm và bà Hạnh. Cảnh gà trống nuôi con, may nhờ được người quen mai mối, ông Bộ Chiêm lấy bà Nga – một người phụ nữ có tay nghề giỏi của làng Thổ Ngọa. Sau ngày cưới, ông đưa vợ về quê. Bà Nga giúp ông truyền nghề nên từ đó nghề nón bắt đầu được lan truyền về Quy Hậu.

Theo thời gian lịch sử, nón lá đến với Quy Hậu từ những năm đầu của thập kỷ 30 của thế kỷ XX. Khoảng 80 năm (1930 – 2010) lấy tuổi của bà Chiêm và bà Hạnh con ông Bộ Chiêm khi mẹ mất ông lấy vợ khác. Bà Hạnh năm nay đã 80 tuổi, còn sống ở đội 3 (mẹ của anh Thực, anh Bằng).

Cùng với nghề nón (nghề phụ), làng Quy Hậu còn có rất nhiều nghề khác. Theo báo cáo tổng kết năm 2005 của thường trực thôn thì dân làng làm đến 25 nghề, thu nhập hàng năm hàng trăm triệu đồng, kinh tế ngành nghề chiếm hơn 50% tổng thu nhập góp phần làm tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 10% - 15%, trong đó nghề nón có nhiều đóng góp nhất. Ở đâu, thiếu việc làm chứ ở Quy Hậu việc làm không bao giờ thiếu.

Câu lạc bộ thơ ca Người cao tuổi - Quy Hậu đă nhận được nhiều bài thơ hay của các cụ nói về chiếc nón quê hương, xin chép lại vài câu:

Tình trong chiếc nón
Chiếc nón Quy Hậu đẹp và bền
Nắng chiều hò hẹn buổi trăng lên
Nghiêng nghiêng chiếc nón không e thẹn
Hội ngộ tương phùng đẹp ý duyên.

Nhớ ai đưa nón đến làng ta
Nón đã làm thân với mọi nhà
Trẻ, già, trai, gái chăm làm nón
Nón đã đi khắp chốn gần xa.

Trưa hè nắng chát đầu che nón
Chiều tối mưa chan nón đội đầu
Ai đi xuôi ngược Nam ra Bắc
Hãy nhớ mua về chiếc nón xinh...

Theo: Làng Quyhau.com.vn

More