Chi tiết tin - Du khách
Bánh tráng Tân An: Thương hiệu quà quê
Cách thị xã Ba Đồn khoảng 4km về phía tây, làng Tân An xưa có tên gọi là Ba Phường (hay phường Lộc Điền) cũng có khi gọi là phường bún bánh. Làng có gần 320 hộ thì đã có hơn 200 hộ theo nghề làm bánh. Họ gắn bó với nghề không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì cả thương hiệu của làng "bánh tráng Tân An".
Anh Nguyễn Văn Huệ, người được mệnh danh là "nghệ nhân" tráng bánh.
Trước đây trong làng vừa làm bánh tráng, bánh ướt, bún và cả bánh chưng. Nhưng sau thời gian dài đã chuyển hẳn sang làm bánh tráng. Và sản phẩm đặc biệt nhất của làng là bánh tráng mè xát. Nghệ nhân Trần Văn Vinh 90 tuổi, người có thâm niên hơn 70 năm làm bánh cho biết: Để làm ra những chiếc bánh đậm đà hương vị quê hương, thoạt nhìn rất giản đơn nhưng các nghệ nhân làm bánh đã phải trải qua khá nhiều công đoạn phức tạp và đòi hỏi có sự khéo léo, công phu, tỉ mỉ. Nguyên liệu chính để làm bánh là loại gạo ngon, được ngâm trong nước và sàng lọc, vo kỹ trước khi đem xay nhuyễn thành bột. Và công đoạn khó nhất để cho ra đời một chiếc bánh là công đoạn tráng bánh.
Bánh được tráng xong cũng chỉ mới thành công phân nữa, công đoạn phơi bánh cũng không kém phần quan trọng. Bánh đủ nắng là loại bánh vừa khô vừa dai, dậy mùi thơm của gạo, của vừng. Bánh quá nắng sẽ bị khô giòn, dễ vỡ. Ngược lại, bánh thiếu nắng sẽ không có mùi thơm, ỉu và dễ bị hỏng khi bảo quản. “Làm nghề này tất cả đều trông chờ vào trời đất.
Vào những ngày mưa gió, cả làng phải sấy bánh bằng than, chất lượng bánh không tốt, bị thương lái ép giá thì coi như cả mùa làm không công, nhưng vì nghề truyền thống của cha ông để lại nên không ai muốn bỏ nghề” - ông Phạm Văn Khoa, Bí thư chi bộ thôn Tân An chia sẻ.
Về Tân An, chúng tôi được nghe kể về câu chuyện của vợ chồng anh Nguyễn Văn Huệ và chị Phan Thị Bình, một tấm gương gắn bó với nghề. Anh chị lớn lên lập gia đình và cùng theo nghiệp làm bánh như bao người khác. Cần cù chịu khó, chị ở nhà làm bánh còn anh đi khắp các vùng để giao bánh cho thương lái. Câu chuyện sẽ không có gì đặc biệt nếu trong một lần đi giao bánh anh bị tai nạn và mất đi chân trái. Sau khi bình phục, với lòng yêu nghề, anh đã nhẫn nại tập tráng bánh, công việc chỉ có phụ nữ mới đủ sự khéo léo để làm, còn chị thay anh đi giao bánh.
Rồi chị Bình lại gặp tai nạn trong một lần đi giao bánh. Chị nằm liệt giường mấy tháng liền, một mình anh vừa chăm sóc vợ con vừa làm bánh tạo nguồn thu nhập cho gia đình trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Với sự giúp đỡ tận tình của gia đình nội ngoại và bạn nghề, sau một thời gian dài điều trị, chị Bình đã dần bình phục và gia đình cũng dần dà vượt qua khó khăn. Hiện giờ anh Huệ là nghệ nhân tráng bánh giỏi nhất làng. “Thương vợ với hai đứa con cùng cái nghiệp ông bà để lại... Vì vậy tôi luôn cố gắng và đến nay tất cả đều đã ổn!” - anh Huệ tâm sự.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lâm Mậu, trưởng thôn Tân An cho biết: “Tân An có hơn 200 hộ làm bánh, trước đây cả làng đều làm bánh thủ công và đều trông chờ vào thời tiết. Sản lượng bánh làm ra nhỏ lẻ và thường bị thương lái ép giá, người làm bánh phải chạy đôn chạy đáo để tìm mối giao bánh, giá thành không ổn định, thị trường chỉ bó hẹp trong vùng. Nhưng nghề còn giữ được là nhờ chất lượng của bánh tráng Tân An luôn bảo đảm và thương hiệu của làng nghề có từ lâu đời”.
Một góc làng bánh tráng Tân An.
Trăn trở trước những khó khăn cùng với lòng yêu nghề và mong muốn tiếp thêm sức mạnh cho nghề truyền thống của quê hương, chị Phan Thị Cẩm Tú, một người dân của thôn tiến hành các thủ tục để thành lập hợp tác xã. Tháng 10-2010, Hợp tác xã bánh mè xát được thành lập do chị làm chủ nhiệm ra đời và đi vào hoạt động. Thương hiệu bánh mè xát Tân An từ đó được mở rộng ra các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Hợp tác xã chịu trách nhiệm mua nguyên liệu đồng thời cũng là đầu mối thu mua, đóng gói sản phẩm mang thương hiệu bánh mè xát Tân An.
Bên cạnh đó HTX còn đầu tư mua máy làm bánh để nâng cao sản lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. "Từ khi HTX ra đời, việc sản xuất đi vào quy củ và ổn định hơn, nhưng các sản phẩm vẫn giữ nguyên chất lượng. Vì vậy thương hiệu bánh mè xát Tân An cũng được nhiều người biết đến hơn!” - chị Hồ Thị Bốn, xã viên HTX hồ hởi cho biết.
Ở thời điểm đồ ăn nhanh đang từng ngày phổ biến, vừa tiện lợi song cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ bởi thực phẩm không rõ nguồn gốc, thì món quà quê như bánh tráng Tân An là một sản phẩm độc đáo cho sự lựa chọn của không ít người mỗi dịp về thăm quê.
Hiện nay Tân An sản xuất được 10 loại bánh, cả làng có gần 40 máy sản xuất bánh. Từ khi HTX ra đời, nguồn thu nhập của người dân ổn định hơn, một nhân công có thu nhập từ bình quân từ 3-4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt vào dịp Tết, mỗi hộ gia đình có thể thu nhập trên dưới 15 triệu đồng.
Bánh tráng Tân An không chỉ mang hương vị đậm đà, dân dã của gạo, của vừng, mà kết tinh trong đó là cả tình yêu và niềm tự hào của một miền quê. Tạm biệt ngôi làng cổ bên dòng sông Gianh, chúng tôi mang theo không khí náo nức của làng nghề vào vụ Tết với bao lo toan, tất bật để cho ra đời món quà mang đậm dư vị quê hương.
Theo Báo Quảng Bình
- Về "làng thợ nề" Di Lộc (25/09/2015)
- Đức Trạch phát triển nghề đóng tàu truyền thống (13/07/2015)
- Người ''giữ hồn'' làng nón Hạ Thôn (18/11/2014)
- Mấy trăm năm "lửa nghề" vẫn cháy! (15/10/2014)
- Làng gốm Mỹ Cương (30/07/2014)
- Rượu quê (04/06/2014)
- Nghề làm bánh tráng Quảng Hòa (02/06/2014)
- Giữ hồn cho làng nghề (26/05/2014)
- Nón lá Yên Hóa đang dần hồi sinh (28/04/2014)
- Quang Thuan Conical Hat Village (04/12/2014)