Lễ Cầu Ngư làng Cảnh Dương

14:16, Thứ Ba, 7-2-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

(Quang Binh Portal) - Lễ Cầu Ngư làng Cảnh Dương được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm, là lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc sắc và độc đáo riêng biệt của làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) so với các làng biển khác trong cả nước.

Với lịch sử hình thành gần 400 năm, Cảnh Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, một trong “Bát danh hương” của Quảng Bình xưa. Ở làng Cảnh Dương, không ai không biết đến phong tục thờ cá Ông với Miếu Ngư Linh. Theo lịch sử làng Cảnh Dương ghi lại, cá Bà dạt vào bờ biển Cảnh Dương và được dân đưa vào Miếu thờ này từ năm 1809. Đến năm 1907, thêm một con cá voi khổng lồ dạt vào bờ biển xã này và cũng được người dân rước vào Miếu Ngư Linh gọi là cá Ông. Đối với ngư dân Cảnh Dương, loài cá này đã khá nhiều lần trợ giúp tàu thuyền của làng không bị chìm trong gió bão nên được ngư dân vô cùng kính trọng và lập miếu thờ. Theo nghiên cứu, đây là các bộ xương cá voi lớn và lâu đời nhất tại Việt Nam, chiều dài ước tính gần 27 m, bề rộng gần 10 m. Cảnh Dương còn có nghĩa địa dành cho cá voi đã “lụy” vào làng trong nhiều năm qua.

Lễ Cầu Ngư tại Miếu Ngư Linh, nơi thờ hai bộ xương cá voi khổng lồ mà người dân gọi là cá Ông và cá Bà

Với ý nghĩa đó, lễ cầu ngư làng Cảnh Dương tại Miếu Ngư Linh là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính tâm linh. Mọi người, mọi nhà tự giác đóng góp tinh thần và vật chất, tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà, tôm dày cá được, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc. Lễ hội Cầu Ngư còn cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hòa, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc…
Từ sáng sớm, đông đảo ngư dân, chủ các tàu thuyền, các tổ hợp tác, hợp tác xã lập theo từng đoàn, tề tựu về đền thờ Miếu Ngư Linh và An Cầu Ngư để dâng hương, dâng lễ vật cúng tế Thần ngư.

Nghi lễ quan trọng nhất trong lễ cầu ngư này là nghi lễ đọc văn tế Thần Ngư. Một vị cao niên có uy tín nhất được làng cử ra để dâng hương và đọc văn tế. Bài văn tế thể hiện lòng biết ơn sự che chở, nâng đỡ của cá Ông và cá Bà với ngư dân trong những chuyến đi biển, cũng như lời khẩn cầu về một mùa biển yên bình, bội thu.

Sau nghi lễ này, các ngư dân trong làng được cử ra để thực hiện điệu hò chèo cạn, trong đó 06 người được xếp vai bạn thuyền chèo chiếc thuyền tượng trưng hướng ra khơi; những người còn lại trong vai đội cờ dẫn thuyền.

Nghi lễ hò Múa bông chèo cạn không thể thiếu trong lễ Cầu Ngư

Nếu du khách đi du lịch Quảng Bình vào Rằm tháng Giêng nhớ hãy đến làng Cảnh Dương để tham dự lễ Cầu Ngư độc đáo này. Ngoài ra, bạn còn có dịp tham quan các di tích và giá trị văn hóa, lịch sử rất giá trị như: Đình thờ Tổ; Miếu Ngư Linh; các làn điệu dân ca hát ru, hò chèo cạn; tìm hiểu cuộc sống của ngư dân với các làng nghề truyền thống như nước mắm Hàm Hương, thuyền thúng… Đặc biệt có cung đường Bích Họa với những bức tranh 3D vô cùng tuyệt đẹp và sinh động bạn tha hồ chiêm ngưỡng và chụp hình.

CTV Lương Công Thành (Sở Du lịch)

Các tin khác