Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

9:56, Thứ Năm, 22-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, trên quê hương xứ Lệ, các giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn được lưu giữ và là minh chứng cụ thể, sinh động cho bề dày văn hóa và đời sống tinh thần của người dân. Huyện Lệ Thủy luôn nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, hiện nay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có 20 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 10 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 10 di tích cấp tỉnh và 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (hò khoan Lệ Thủy, lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, lễ hội cầu ngư, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam).
 
Các di tích nổi tiếng có thể kể đến, như: Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Hoằng Phúc, chùa An Xá, Miếu thần hoàng Mỹ Thổ-Trung Lực... Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích-danh thắng trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 
Sau khi được phân cấp quản lý các di tích, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lệ Thủy đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn cấp huyện có liên quan, UBND các xã, thị trấn có di tích được xếp hạng, xác định rõ trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, bảo đảm giữ gìn các yếu tố gốc và giá trị của di tích.
 
Một số di tích trên địa bàn đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách khi đến với Quảng Bình nói chung và huyện Lệ Thủy nói riêng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện nhà. Chỉ tính riêng trong quý III/2022, huyện Lệ Thủy đón khoảng trên 100.000 lượt du khách đến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa và tham gia lễ hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang.

Lệ Thủy luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản hò khoan.

Công tác xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa ngày càng được đẩy mạnh. Một số di tích được trùng tu từ xã hội hóa với nguồn kinh phí lớn, như: Chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy) với tổng số tiền đầu tư hơn 55 tỷ đồng, di tích lịch sử Chiến thắng Xuân Bồ (xã Xuân Thủy) 400 triệu đồng... Huyện Lệ Thủy cũng đã kêu gọi xã hội hóa các hoạt động lễ hội; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ...
 
Năm 2022, nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài huyện đã ủng hộ với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng để tổ chức lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang. Không chỉ hỗ trợ ban tổ chức, người dân còn tích cực ủng hộ các thôn, xã tham gia lễ hội. Ngoài lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy còn quan tâm khôi phục, phát huy các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội chùa Hoằng Phúc, lễ hội cầu ngư, lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều (xã Ngân Thủy)...
 
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Huyện Lệ Thủy cũng đã chú trọng xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo điều kiện cho các di sản văn hóa có môi trường để duy trì, phát triển. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2022, huyện đã xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố với tổng số tiền đầu tư gần 11 tỷ đồng, trong đó đã huy động xã hội hóa gần 7,2 tỷ đồng.
 
Đến nay, 100% thôn, bản đã có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao và đây là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động truyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Hàng năm, trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã tổ chức nhiều buổi văn nghệ quần chúng, các giải thi đấu thể dục thể thao nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư.
 
Hiện nay, huyện Lệ Thủy có 61 câu lạc bộ (CLB) văn hóa nghệ thuật, trong đó có 4 CLB văn hóa nghệ thuật cấp huyện; có trên 200 đội văn nghệ quần chúng; 75 CLB thể dục thể thao... Vào các ngày lễ, Tết hay các dịp lễ hội, nhiều địa phương đã tổ chức các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc, như: Đẩy gậy, kéo co, chơi đu...
 
Bên cạnh đó, phong trào văn nghệ quần chúng cũng được phát triển ngày càng sâu rộng, chất lượng các chương trình nghệ thuật, hội thi, hội diễn, liên hoan... được nâng cao. Trong các buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng, không thể thiếu các làn điệu dân ca, điệu hò mộc mạc, sâu lắng, nhất là các làn điệu hò khoan Lệ Thủy.
 
Để gìn giữ, trao truyền các di sản, nhất là hò khoan Lệ Thủy, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Lệ Thủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản; tôn vinh các nghệ nhân; tổ chức truyền dạy hò khoan Lệ Thủy cho các thế hệ kế cận; tổ chức các buổi ngoại khóa về hò khoan trong các trường học,...
 
Các nét đẹp văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc vùng miền ở huyện Lệ Thủy còn được ẩn chứa ở nhiều làng nghề truyền thống, như: Làng nghề chiếu cói An Xá (xã Lộc Thủy), làng nghề nón lá Quy Hậu (xã Liên Thủy), làng nghề chổi đót Lệ Bình (xã Mai Thủy), làng nghề đan lát Xuân Bồ (xã Xuân Thủy)... Các làng nghề truyền thống hứa hẹn sẽ là những điểm tham quan, trải nghiệm thú vị đối với du khách, góp phần giới thiệu, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.
 
Ông Dương Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết: Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Lệ Thủy đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, như: Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, truyền dạy di sản; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho các hoạt động... Đồng thời, huyện Lệ Thủy cũng chú trọng, quan tâm đến công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. 

Theo Báo Quảng Bình 

Các tin khác