Quảng Bình: Ngành du lịch cần “định hình” theo hướng nào sau đại dịch

11:14, Thứ Năm, 1-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Thời gian tới, du lịch Quảng Bình “định hình” theo hướng nào sau đại dịch, cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình Nguyễn Văn Kỳ để biết rõ hơn.

Thưa ông, ngành du lịch Quảng Bình có những “hướng đi” nào sau dịch bệnh.

Hai năm liền 2020 và 2021, kể cả vài tháng trước đó của năm 2019 cả thế giới cũng như Việt Nam bị phủ trong “bóng ma” của đại dịch Covid-19, chúng ta thực sự chứng kiến một “đại hoạ” toàn cầu.

Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Kỳ

Đối với ngành du lịch tỉnh Quảng Bình, dịch bệnh Covid – 19 đã làm cho tê liệt hoàn toàn. Suốt hai năm 2020, 2021 và những tháng đầu của năm 2022 này không có khách du lịch, đồng nghĩa với các cơ sở dịch vụ du lịch đóng cửa, không có thu nhập, lao động nghỉ việc,…

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 15/3/2022 là mở cửa toàn diện để đón khách du lịch. Ngành du lịch Quảng Bình đã chỉnh trang cơ sở vật chất, thu hút trở lại người lao động và tổ chức tập huấn lại nghiệp vụ, phun độc khử trùng để sẵn sàng đón khách du lịch trở lại...

Hiệp hội đón các đoàn đại biểu Farm trip đến từ 22 tỉnh phía Bắc và 7 tỉnh miền Trung. Cùng với sự tham gia của 160 doanh nghiệp lữ hành các tỉnh, 80 doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ Lữ hành quốc tế UNESCO Hà Nội và nhiều đơn vị truyền thông trong cả nước đến dự và đưa tin. Hoạt động đón các đoàn Farm trip là hoạt động thiết thực trực tiếp giới thiệu với các nhà tổ chức tour du lịch thấy được tỉnh Quảng Bình đã sẵn sàng đón khách du lịch. Các sản phẩm du lịch được chỉnh trang, làm mới, an toàn; từ điểm tham quan, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, vận tải khách, cơ sở lưu trú…

Tổ chức thành công, ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch ba tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị; Tăng cường liên kết mở rộng xúc tiến đón khách quốc tế theo tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây... qua các cặp cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Lao Bảo và Cầu Treo…Các hoạt động đã tạo ra động lực mới, khí thế mới cho ngành du lịch Quảng Bình.

Hiện nay, du lịch Quảng Bình cần loại hình vận chuyển nào để thu hút du khách, thưa ông?.

Có một loại hình tiên phong khá nổi bật là sự liên minh du lịch đường sắt của Câu lạc bộ Lữ hành quốc tế UNESCO Hà Nội, với hình thức “Charter” (mua trọn gói) từng đoàn tàu, toa tàu riêng cho khách du lịch từ Hà Nội đến Đồng Hới. Tính từ đầu năm đến nay, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO đã tổ chức được hơn 23 chuyến tàu hoả theo loại hình Charter, đưa hơn 4.912 khách du lịch đến Quảng Bình, tổ chức theo loại hình này đã làm cho khách yên tâm, tin tưởng và là một kênh thông tin quảng bá du lịch theo hình thức “Vệt dầu loang” hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, khi nói đến một địa phương phát triển du lịch thì phải nói đến sự gắn kết với sự phát triển hàng không, sân bay, tuyến bay, đường bay, hãng bay… Hàng không đóng góp rất quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của điạ phương, là nhân tố động lực của sự phát triển. Đặc biệt là hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch mạnh nhất; nối các địa phương, thị trường khách du lịch quốc tế và trong nước đến với Quảng Bình nhanh nhất, văn minh và hiện đại.

Do vậy, du lịch Quảng Bình phát triển mạnh và bền vững nhất định phải đẩy mạnh bằng đường hàng không. Phải gắn phát triển thị trường khách du lịch quốc tế và phát triển thị trường khách du lịch nội địa, mở rộng ở những vùng xa tầm với của phương tiện đường bộ cả về khoảng cách, thời gian và tiết kiệm chi phí tour, chỉ có bằng đường hàng không là hiệu quả nhất. Phát triển du lịch bằng đường hàng không là rất quan trọng và khẳng định là tất yếu và rất cần thiết cho ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ, việc nâng cấp, mở rộng sân bay Đồng Hới sẽ thu hút du khách, kéo du khách gần hơn với những danh thắng Quảng Bình

Quảng Bình làm gì để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trung tâm phát triển du lịch khu vực.

Để đưa ngành du lịch Quảng Bình phát triển, trở thành trung tâm khu vực, vấn đề hàng đầu là phải xây dựng chiến lược phát triển thị trường khách du lịch, kết hợp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng, phong phú, có sức mạnh cạnh tranh và truyền thông quảng bá du lịch hiệu quả nhất.

Đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực. Phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ vận chuyển khách du lịch. Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích phát triển các loại hình vận chuyển, xây dựng hệ thống logictic của chuỗi du lịch. Phải song song tổ chức giới thiệu tiềm năng du lịch của “Ta” đồng thời phải nghiên cứ thị trường tiềm năng của “Bạn”, đảm bảo lợi ích hai chiều.

Phát triển du lịch, ngoài thị trường truyền thống đã có du lịch Quảng Bình cần chú ý mở rộng đến thị trường khách du lịch vùng Tây Nguyên, thị trường khách du lịch các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Nên mạnh dạn mở rộng thị trường du lịch, bằng hình thức mở thêm nhiều tuyến bay nội địa. Ngoài các chuyến bay chính từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến sân bay Đồng Hới, có chuyển tiếp khách du lịch quốc tế. Quảng Bình cũng nên xúc tiến mở tuyến bay Đồng Hới- Vân Đồn (Quảng Ninh) để đón đầu khách du lịch quốc tế trong tương lai. Với thông điệp “Quảng Bình điểm du lịch có một không hai: Thuận tiện, hấp dẫn, quyến rũ và thân thiện nhất”.

Xin cảm ơn ông.

Theo https://congthuong.vn/

Các tin khác