Xây dựng và định vị thương hiệu “Du lịch Quảng Bình” gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc

15:56, Thứ Sáu, 11-11-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

(Quang Binh Portal) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 01-CTr/TUngày 09/12/2020 về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 - 2025. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương cùng với tinh thần nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, ngành Du lịch Quảng Bình đã có bước phục hồi mạnh mẽ, khẳng định được thương hiệu, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Theo số liệu báo cáo, toàn tỉnh hiện có 507 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 03 khách sạn 5 sao, 06 khách sạn 4 sao, 11 khách sạn 3 sao, 30 khách sạn 2 sao, 31 khách sạn 1 sao, 8.247 phòng, 16.000 giường; 36 sản phẩm, khu, điểm tham quan du lịch đã được phê duyệt đề án hoặc cho phép khai thác thử nghiệm; 29 đơn vị lữ hành, trong đó có 18 đơn vị lữ hành quốc tế, 11 đơn vị lữ hành nội địa; gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cùng các cơ sở, cửa hàng cung cấp sản phẩm phục vụ du khách tại khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó 18 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đã được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Tính đến ngày 30/9/2022, nhân lực du lịch đạt khoảng 60% so với năm 2020 với gần 4.000 lao động trực tiếp và khoảng 7.000 lao động gián tiếp; tổng số hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ đang hoạt động là 337 người, trong đó 180 hướng dẫn viên quốc tế, 157 hướng dẫn viên du lịch nội địa.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021, tổng lượng khách du lịch dự ước đạt khoảng 569.826 lượt khách, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 11% so với kế hoạch; khách quốc tế ước đạt 5.700 lượt khách, giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 11% so với kế hoạch năm 2021; tổng thu từ khách du lịch đạt 626.804 triệu đồng giảm 71% so với năm 2020 và giảm 90% so với kế hoạch năm 2021. Riêng 09 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 1.582.970 lượt khách, tăng 189,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt 21.974 lượt khách, tăng 390,5% so với cùng kỳ năm 2021; khách nội địa ước đạt 1.560.996 lượt khách, tăng 187,4% so với cùng kỳ năm 2021; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.741.000 triệu đồng; dịch vụ lưu trú, khách lưu trú ước đạt 994.733 lượt khách, tăng gấp 4,15 lần so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 338,1 tỷ đồng tăng gấp 4,04 lần so với cùng kỳ năm 2021. 

Đặc biệt, ngành Du lịch đã được các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế tiếp tục đánh giá cao như Quảng Bình xếp thứ 7 trong Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI) năm 2021; Phong Nha - Kẻ Bàng được Trip Advisor bình chọn là một trong 25 Vườn Quốc gia đáng trải nghiệm nhất thế giới và AFAR (Mỹ) vinh danh là 01 trong 39 điểm đến của thế giới năm 2022; hang Sơn Đoòng được CN Traveller vinh danh là một trong 7 kỳ quan thế giới năm 2022. Vào ngày 14/4/2022, hang Sơn Đoòng được giới thiệu trên trang chủ Google tại 18 Quốc gia, vùng lãnh thổ với quy mô tiếp cận hơn 600 triệu lượt người và được báo chí, truyền hình trong nước lẫn quốc tế truyền thông sâu rộng. The Culture Trip (Anh) bình chọn Khám phá các hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một trong 6 hoạt động thú vị ở Việt Nam mà bất kỳ du khách nào cũng nên trải nghiệm một lần trong đời. 

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai sâu rộng nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy định của Nhà nước về du lịch. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã triển khai nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu giá trị tài nguyên du lịch nổi bật của Quảng Bình để người dân tự hào, đồng hành cùng chính quyền địa phương, vận động đội ngũ cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ và cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng phong trào ứng xử lịch sự, mến khách, tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, thân thiện, “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”. 

Cùng với đó, tỉnh đã ban hành Kế hoạch quảng bá, xúc tiến và thu hút khách du lịch và thực hiện hoạt động truyền thông về chương trình kích cầu du lịch Quảng Bình năm 2022 trên cơ sở chính sách giảm phí tham quan danh lam thắng cảnh các sản phẩm du lịch theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và giảm dịch vụ tham quan sản phẩm du lịch khai thác thử nghiệm để thu hút khách du lịch đến Quảng Bình. Sở Du lịch còn phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương để cung cấp thông tin, đăng tải bài viết, hình ảnh điểm đến du lịch Quảng Bình; đồng thời thực hiện hoạt động quảng bá du lịch qua các nền tảng số, công tác hỗ trợ, cung cấp thông tin cho du khách thông qua đường dây nóng, mạng xã hội Facebook Visit Quang Binh, website quangbinhtourism.vn và trực tiếp tại trụ sở, đảm bảo kịp thời, nhanh chóng…

Ngoài ra, để liên kết, hợp tác phát triển du lịch, UBND tỉnh đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với một số địa phương, đơn vị trong cả nước như hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng (từ Ninh Bình - Quảng Trị) giai đoạn 2022 - 2025; Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) giai đoạn 2022 - 2026; triển khai nội dung hợp tác với thành phố Hà Nội, trong đó có chương trình du lịch, làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về liên kết, hợp tác phát triển du lịch...

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch lâm vào tình cảnh kiệt quệ, ngừng hoạt động, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch tuy đã được chú trọng đầu tư nhưng thiếu đồng bộ; thiếu khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chợ đêm, trạm dừng chân trên các tuyến đường, bãi đỗ xe du lịch tại thành phố Đồng Hới, các dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách... Hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh lữ hành còn yếu, kinh nghiệm chưa nhiều, năng động và đầu tư chuyên sâu bài bản cho công tác kinh doanh lữ hành, do vậy hiệu quả mang lại chưa cao. Tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách vẫn diễn ra. Việc thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng gian lận trong buôn bán. Các loại hình sản phẩm du lịch vẫn chưa đa dạng, phong phú, thiếu khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm lớn, có khả năng thu hút được số lượng lớn khách du lịch, dịch vụ du lịch về đêm...

Giai đoạn 2022 - 2025, để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là một trong 04 khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng, định vị thương hiệu “Du lịch Quảng Bình” gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc; đồng thời tiếp tục khẳng định Quảng Bình là điểm đến hàng đầu tại Việt Nam và trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á, toàn tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình đạt 07 - 08 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 10 - 20%; tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch đạt 10 - 12% tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Để đạt mục tiêu đó, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch; xây dựng phong cách ứng xử lịch sự, mến khách, tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, thân thiện, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”; tích cực hưởng ứng hoạt động du lịch vì lợi ích cộng đồng, vì sự phát triển của tỉnh; quyết tâm tạo ra làn “Gió Đại Phong” mới cho du lịch tỉnh Quảng Bình; đa dạng hóa, hoàn thiện và phát triển mới sản phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm khám phá tự nhiên như: Khám phá hệ thống hang động Tú Làn (huyện Minh Hóa), thác Tam Lu (huyện Quảng Ninh), Khe Nước Lạnh, Khe Nước Trong, Khu bảo tồn rừng Động Châu và khu du lịch sinh thái khác.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ nghiên cứu hình thành và phát triển sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian; thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nghiên cứu phát triển thêm nhóm sản phẩm du lịch mới như: Du lịch lễ hội (festival tour), du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), du lịch ban đêm... ; đưa vào khai thác sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm đường sông trên các tuyến thủy nội địa gồm sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Long Đại, sông Son, sông Kiến Giang, quanh hồ thành Đồng Hới.

Mặt khác, tỉnh cũng tăng cường cung cấp thông tin du lịch trên mọi phương tiện, từng bước xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Du lịch Quảng Bình; xây dựng hệ thống du lịch thông minh; tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế như: Chương trình kết nối điểm đến, phát động thị trường, các chương trình Road show (chương trình biểu diễn ngoài trời) du lịch; tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động liên kết của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ mở rộng; hợp tác phát triển du lịch trong liên kết các tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng chung đường 8 và đường 12 (APOTC); hợp tác song phương Quảng Bình - Quảng Trị, Quảng Bình - Hà Tĩnh; hợp tác với Vietnam Airlines và các hãng hàng không trong nước, quốc tế; phát triển đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế, tiếp tục thu hút du khách, mở rộng thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á và thị trường các nước ASEAN…

PV Minh Huyền

Các tin khác