Chuyện gặp ở Tà Vờng

16:43, Thứ Hai, 3-10-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Là một trong ba bản thuộc vùng Lòm của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, bản Dộ - Tà Vờng nằm dọc theo đường biên giới với nước bạn Lào đang trên đà về đích nông thôn mới, với kỳ vọng sẽ trở thành bản du lịch cộng đồng. Được quy hoạch đẹp đẽ, ngăn nắp, bản gồm hơn 50 nếp nhà tăm tắp nối nhau theo triền núi, những mảnh vườn đang mùa cho trái rực màu. Bà con quan niệm, nếu không sạch sẽ thì có lỗi với trời đất, thiên nhiên ban tặng cảnh sắc tươi nhuần này nên bà con rất có ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.


Bản Dộ - Tà Vờng thanh bình trong nắng ban mai. Ảnh: Thu Hương

Chúng tôi đến một miền quê của người Chứt có cảnh sắc hữu tình và những di sản văn hóa truyền thống được bà con bảo tồn khá nguyên vẹn ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình để tìm hiểu sâu hơn về bản sắc dân tộc của người Chứt. Bà con nơi đây lưu truyền trong cộng đồng rằng, mấy trăm năm trước, vì nạn giặc giã, thuế khóa nặng nề, nên họ phải chạy lên nương náu ở vùng núi, một số dần dần chuyển sâu vào vùng phía Tây thuộc hai huyện Minh Hóa và Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Gia phả của một số dòng họ người Việt trong vùng cũng ghi lại rằng, các nhóm Rục, Sách, Mày cư trú tại đây đã được trên 500 năm.

Bản Dộ - Tà Vờng là một bản tiêu biểu cho tập quán tìm đất lập làng của cộng đồng người Mày. Giữa lưng chừng núi, lưng chừng mây, cảnh sắc dãy núi Giăng Màn kỳ ảo và lãng mạn. Những thửa ruộng bậc thang được bà con học làm theo đồng bào miền núi phía Bắc đã qua gần chục mùa, giờ lúa lên xanh, cho hạt vàng mẩy. Những dòng suối chảy từ lòng núi bao quanh ruộng, quanh bản làng, như bản hòa ca bất tận của thiên nhiên.

Già làng Hồ Xếp kể rằng, từ xa xưa, người Mày và anh em khác ở bóng núi Giăng Màn thường bị các tộc người lạ đánh đuổi để chiếm đất. Họ cầu xin thần núi Ku Lôông che chở và được thần báo mộng rằng, muốn thắng giặc thì phải chọn ngọn đồi độc lập giữa thung lũng, biến nó thành pháo đài để chiến đấu. Thần cũng bày cách làm ná, vót tên, lá cây có độc để tẩm vào đầu mũi tên… Từ đó, chiến binh người Mày rất thiện chiến, đánh đâu thắng đó, nên được ban thưởng ở trên ngọn đồi hùng vĩ, cao nhất.

“Tổ tiên chúng tôi quan niệm: Thần núi định đoạt số phận của tộc người mình là chiến đấu và bảo vệ các tộc người khác, nên luôn phải chọn những thế đất lập làng đặc biệt. Đó phải là những quả đồi cao giữa tứ bề núi dựng đứng, có nguồn nước từ trên cao chảy xuống, tạo thành thế pháo đài để có thể chống lại dã thú và kẻ thù. Đặc biệt, phải từng là đất có chim đại bàng tung cánh mới được coi là vùng đất thiêng, giúp người Mày dũng mãnh, tinh anh như đại bàng để tìm kiếm các sản vật hay thú rừng để vạch lối đi săn” - Già Xếp nhấn mạnh.

Một câu chuyện khác cũng được Trưởng bản Hồ Khiên kể cho chúng tôi nghe. Từ xa xưa, trời làm mưa lũ ngập lụt khắp nơi, cuốn trôi hết nhà cửa, cây cối, con người và muôn loài đều chết trong trận lũ đó. Duy nhất có hai anh em nhà kia nhanh trí lấy cây ó làm bè, chạy lên được đỉnh ngọn núi khổng lồ của thần Cu Lôông (người của trời) và thoát chết. Nước rút, hai anh em ở lại núi Cu Lôông làm ăn sinh sống. Thần núi hiện lên, khuyên họ lấy nhau để duy trì nòi giống mà họ không chịu. Một lần, vô tình người anh nhổ bã trầu vào bắp đùi em gái, biến thành một cái trứng nở ra ba người con. Anh cả là người Mày, em kế là người Nguồn và em út là người Kinh ngày nay.

“Bà con tin thần núi Cu Lôông đã sinh ra tổ tiên của ba dân tộc, trong đó, người Mày là anh cả nên phải sống ở miền biên viễn, đầu nguồn nước để bảo vệ lãnh thổ, cũng như bảo vệ nguồn nước - nơi khởi nguồn của sự sống” - Trưởng bản Hồ Khiên nhấn mạnh. Có lẽ chính vì vậy mà ngày nay, hầu hết các bản của người Mày đều nằm ở nơi cao nhất, gần sát những con suối nhỏ nhưng có lượng nước lớn, ngày ngày trườn qua các bản làng và hợp thành dòng sông Gianh chảy về phía biển. Và tận dụng nguồn nước bạc mà thiên nhiên ưu đãi, chính Trưởng bản Hồ Khiên là người vận động nhân dân đào mương, đắp bờ, dẫn nước làm ruộng bậc thang, mở ra hướng sản xuất mới của đồng bào.

Trong không gian yên lặng, chúng tôi ngồi cùng những người già để nghe các cụ giảng giải đâu là rừng thiêng, là đất kiêng, là suối cấm..., từ đó thấy rằng, đất trời sinh ra vạn vật, vạn vật có ý nghĩa nào đó trong đời sống tâm linh con người đều có cái lý của nó. Tục ngữ người Kinh có câu: "Không thầy đố mày làm nên". Người Mày, người Mã Liềng có câu: "Đi đâu nhớ mang theo bộ ba gốc rễ" (cái giỏ, cái nỏ và đọi hương). Cái giỏ và cái nỏ là đạo lý làm người với Trời - Đất - Cỏ cây của người Mã Liềng. Đọi hương là đạo lý làm con của tổ tiên, cha mẹ sinh ra.


Trưởng bản Hồ Khiên và bà con trong bản thu hoạch lúa trên thửa ruộng bậc thang, mang lại no ấm cho gia đình. Ảnh: Thu Hương

Ở bản Dộ - Tà Vờng, chúng tôi được chứng kiến lễ hội Chăm cha bới, hay còn gọi là lễ cúng cơm mới. Cùng với lễ cúng giang sơn, lễ hội buộc chỉ tay, lễ lấp lỗ…, thì đây là một lễ hội quan trọng của người Chứt. Vào hội, các hộ gia đình chuẩn bị đồ lễ rất cẩn thận, từng người trong nhà đều được đội một vòng lá được kết từ các loại cây có hương thơm tự nhiên và thành khẩn ngồi nghe lời cầu khấn của chủ hộ. Lời cầu khấn này bằng tiếng Chứt nguyên thủy, được truyền lại từ đời này qua đời khác và không cho phép lan truyền cho người ngoài biết. Bước sang ngày thứ hai là ngày lễ chính, cả bản tụ tập ở một bãi đất rộng gần đường hoặc gần khe nước lớn đã được già làng, thầy cúng lựa chọn để tiến hành các nghi lễ.

Lời khấn mà già làng ngân nga cũng đầy bí ẩn như bài khấn của các gia đình. Song, có thể hiểu là gồm những lời cầu khấn cho giang sơn xã tắc ngày một thịnh vượng, vái lạy trời đất ban mưa thuận gió hòa, yên ổn canh tác, cầu xin sức khỏe để chống chọi lại với thú dữ, núi rừng cheo leo, thiên nhiên khắc nghiệt… Hết phần lễ, cũng tại bãi đất trống ấy, chúng tôi đã tay trong tay cùng nhảy múa với gái trai trong bản. Câu hát dân ca “Kà tơm-tà lênh” (con trâu đi cày) và “Kà răng-tà nên” (chiều về trên đỉnh núi) có giai điệu rất vui và lời hát êm tai được hòa thêm cùng đàn trơ-bon, sáo (pi), tù và (cà vá), chiêng (phèng la)… khiến đất trời như bừng sáng.

Trong báo cáo tổng kết hằng năm của xã Trọng Hóa luôn có những con số cho thấy sự phát triển tương đối ổn định của những cộng đồng người Chứt tại địa phương. Các gia đình đều được chia ruộng và rừng để làm kinh tế, có thể tạm coi là đã tự lực được 50 phần trăm lương thực... Song, đến nay, dù có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng độc đáo, đời sống nhân dân ở bản Dộ - Tà Vờng vẫn còn nhiều khó khăn. Đồng bào Mày nơi đây vẫn thuần hậu và chưa biết làm du lịch, nhưng họ đang quyết tâm vượt thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Theo https://www.bienphong.com.vn/

Các tin khác