Khơi dậy tiềm năng du lịch giữa Quảng Bình với nước bạn Lào

11:14, Thứ Năm, 1-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam, Quảng Bình có chung đường biên giới với hai tỉnh Khăm Muộn và Savannakhet (Lào). Xét về yếu tố địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa, lịch sử, ba địa phương này có nhiều lợi thế liên kết để phát triển du lịch. Trong những năm gần đây, Quảng Bình đang đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên kết với các tỉnh biên giới Lào để khai phá tiềm năng du lịch của cả hai bên.


Du khách quốc tế thích thú chèo thuyền kayak khám phá sông Son dẫn vào động Phong Nha. Ảnh: Bích Nguyên

Nhiều lợi thế trong liên kết phát triển du lịch

Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng và giàu tài nguyên phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam. Trong đó, nổi bật là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Được mệnh danh là “vương quốc hang động” vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống địa mạo được hình thành trên 400 triệu năm, chứa đựng trong lòng hàng ngàn hang động lớn nhỏ có giá trị hàng đầu thế giới như động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, hang Én lớn thứ ba thế giới, hang Va có hệ thống thạch nhũ độc đáo hàng đầu thế giới… cùng với hệ thống hang động kỳ vĩ là các dòng sông, những cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh vật vô cùng đa dạng và phong phú.

Cùng với hệ thống hang động độc đáo, lợi thế dải cát ven biển dài hơn 116km đã tạo cho Quảng Bình có nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ, nước trong cát mịn, như: Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú, Đá Nhảy… và nhiều món ăn hải sản tươi ngon, độc đáo hương vị Quảng Bình. Cùng với đó là các khu suối nước nóng mang trong mình nhiều nguyên tố vi lượng quý hiếm tốt cho sức khỏe và rất thuận lợi để đầu tư, phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh cao cấp như suối nước nóng Bang, suối nước nóng Phúc Trạch, suối nước nóng Ngư Hóa… Ngoài tài nguyên du lịch thiên nhiên, Quảng Bình còn có nền văn hóa lịch sử đậm đặc với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng.

Trên cơ sở lợi thế về tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch, Quảng Bình có nhiều cơ hội để đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế, mà gần nhất là với các địa phương của nước Lào. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình, lợi thế cơ bản trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn và Savannakhet là ba tỉnh đều có tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa rất đa dạng, hấp dẫn và độc đáo, giao thông đường bộ thuận lợi.

Quảng Bình nằm ở vị trí huyết mạch quan trọng trên các tuyến giao thông đường bộ quốc gia như: quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh; hệ thống giao thông đường sắt Bắc - Nam; cảng biển Hòn La; cảng hàng không Đồng Hới. Đặc biệt, Quảng Bình nằm ở vị trí chiến lược trên trục hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây, có quốc lộ 12A - con đường ngắn nhất nối Quảng Bình với Khăm Muộn qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo - Nà Phàu, là cửa ngõ phía Đông của cả vùng Trung Lào, rất thuận tiện cho việc giao thương, đi lại.

Bên cạnh đó, từ năm 2003, Chính phủ hai nước cho phép mở cửa khẩu phụ Cà Roòng - Nongma trên tuyến biên giới hai tỉnh Quảng Bình - Khăm Muộn, thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua tuyến đường 20 và phục vụ nhu cầu đi lại, thông thương giữa nhân dân hai tỉnh. Đồng thời, từ khi tỉnh lộ 565 được nâng cấp thành quốc lộ 9C đã tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và hứa hẹn những thay đổi vượt bậc khi cửa khẩu Chút Mút - Lả Vơn (tỉnh Savannakhet) được mở nhằm thông tuyến từ cầu Hữu Nghị Lào - Thái Lan số 2 qua Chút Mút - Lả Vơn về thành phố Đồng Hới và cảng Hòn La, thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và du lịch giữa tỉnh Quảng Bình với tỉnh Savannakhet.

Cùng hướng tới tương lai

Liên kết, hợp tác, phát triển du lịch giữa Quảng Bình - Khăm Muộn và Savannakhet được đánh giá là lĩnh vực hợp tác quan trọng, lâu dài có tính chiến lược. Sự liên kết này một mặt làm cho các tài nguyên du lịch và hoạt động du lịch ở các địa phương có khả năng hỗ trợ, bổ sung cho nhau một cách tích cực, tạo ra một nguồn lực tập trung, tránh được tình trạng manh mún, thiếu hiệu quả trong các hoạt động du lịch nói chung và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nói riêng.

Mặt khác, nó góp phần cải thiện hình ảnh du lịch của từng địa phương, tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ du lịch và mang lại cơ hội kinh doanh cho chính những người dân tại các địa phương, đóng góp vào hiệu quả kinh tế - xã hội chung và đem lại lợi ích không nhỏ cho ngành du lịch của các địa phương.

Với kiến tạo địa chất hàng trăm triệu năm đã tạo cho hệ thống hang động ở Phong Nha nhiều cột thạch nhũ tuyệt đẹp. Ảnh: Bích Nguyên

Qua các cuộc làm việc của Đoàn đại biểu cấp cao ba tỉnh, Quảng Bình đã có Biên bản hội đàm với các tỉnh Khăm Muộn và Savannakhet. Theo đó, trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch, tổ chức khảo sát, khai thác các điểm du lịch biên giới. Hai tỉnh phối hợp bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tỉnh Quảng Bình trao đổi kinh nghiệm nhằm xây dựng hồ sơ đưa Hin - Namno sớm được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (dự kiến đầu năm 2023). Đối với tỉnh Savannakhet, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Savannakhet sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư doanh nghiệp ba nước Việt Nam - Lào - Thái Lan, Hội chợ thương mại du lịch quốc tế ba nước Việt Nam - Lào - Thái Lan; các đoàn famtrip, Caravan Lào - Thái, Đoàn xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tại một số tỉnh Trung Lào… Các hoạt động này đều có sự tham gia của các tỉnh Khăm Muộn và Savannakhet, tạo ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của ba tỉnh trao đổi, liên kết hợp tác cùng phát triển du lịch trong tương lai.

Để khai thác tối ưu tiềm năng phát triển du lịch của cả hai bên, theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình, bên cạnh cải thiện và nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, cơ sở hạ tầng... để phát triển du lịch, Quảng Bình và Khăm Muộn, Savannakhet cần tăng cường liên kết, hợp tác trong xúc tiến, quảng bá và xúc tiến đầu tư du lịch. Đồng thời, tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực thông thạo về tiếng Việt, tiếng Lào, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên cũng như tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch. Cùng với đó, cần có chính sách, cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch liên kết, hợp tác với nhau trên các lĩnh vực, như: lữ hành, lưu trú, nhà hàng, vận chuyển khách, liên doanh đầu tư xây dựng các cơ sở vui chơi giải trí, các điểm dừng chân...

Theo https://www.bienphong.com.vn/

Các tin khác