Bài 3: Các nhà quản lý, chuyên gia hiến kế gì?

11:14, Thứ Năm, 1-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Các chuyên gia, cơ quan quản lý góp ý như thế nào để du lịch Quảng Bình phát triển mang tính đột phá và bền vững.

Để du lịch Quảng Bình muốn bứt phá mạnh mẽ, đòi hỏi sự vào cuộc từ chính quyền địa phương, người dân cũng như sự đồng hành của các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Đặc biệt, các chuyên gia, cơ quan chuyên môn góp phần quan trọng trong việc định hướng, góp ý để tạo động lực cho du lịch Quảng Bình phát triển…

Cần nâng tầm giá trị của tự nhiên

PGS- TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế Trung ương cho rằng, du lịch Quảng Bình về cơ bản mới khai thác được phần tự nhiên của các lợi thế, chứ chưa nâng tầm giá trị của thế mạnh lên tầm đẳng cấp. Để trở thành điểm đến của du lịch mạo hiểm, trở thành trung tâm nghỉ dưỡng.... thì cần phải đầu tư thêm rất nhiều.

Vẻ đẹp “Bí ấn bất tận” trong hệ thống hang động tại Quảng Bình hiếm nơi nào có được. Ảnh: CTV

Còn theo tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh thì Quảng Bình đã có sẵn tiềm năng lợi thế, vấn đề còn lại là trong tình hình mới, cần phải tạo dựng được những giá trị du lịch mới thông qua việc đa dạng hóa các loại hình du lịch như du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe nghỉ dưỡng, MICE, du lịch văn hóa/tâm linh; cùng với đó là bổ sung các sản phẩm cùng các dịch vụ mới về thể thao, giải trí mua sắm, du lịch sự kiện.

Du lịch Quảng Bình cần tạo ra những sản phẩm du lịch mới từ những lợi thế có sẵn, phù hợp với xu hướng và thị hiếu của du khách, hướng tới phát triển bền vững. Ngoài ra, sự phát triển du lịch Quảng Bình cần có sự gắn kết, liên kết chặt chẽ với du lịch các địa phương trong cả nước, nhất là các địa phương miền Trung.

Xu hướng du lịch hiện nay là du lịch “xanh”, du lịch an toàn, nhân văn, du lịch theo nhóm hoặc cá thể hóa. Những xu hướng này hoàn toàn phù hợp với tiềm năng, lợi thế của du lịch Quảng Bình.

Ông Phạm Văn Thủy – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đánh giá, với lợi thế về giao thông thuận tiện, cơ hội để khách du lịch nói chung, khách du lịch quốc tế nói riêng đến với Quảng Bình là rất lớn. Quảng Bình cần chọn đúng “điểm rơi” để thu hút khách du lịch nội địa, làm cơ sở lan tỏa thu hút khách du lịch quốc tế đến với Quảng Bình.

Du khách khám phá thích thú tại hệ thống hang động ở Quảng Bình

Một trong những yếu tố quan trọng không thể không nhắc tới đó là tận dụng những thành tựu công nghệ để phát triển du lịch. Điều này đã chứng minh tính hiệu quả trong những năm vừa qua và Quảng Bình không thể đứng ngoài cuộc.

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh – Chủ tịch HĐKH Viện Sáng tạo Chuyển đổi số Việt Nam cho biết, ngành du lịch Quảng Bình cần gắn chuyển đổi số với mục tiêu phát triển bền vững; tích cực ứng dụng kết quả của công nghệ số vào phát triển du lịch như quảng bá du lịch với công nghệ thực tế ảo (VR/AR), trải nghiệm du lịch cuộc sống trên không gian số. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển hệ sinh thái số cho du lịch Quảng Bình và xây dựng hệ thống doanh nghiệp số cho doanh nghiệp du lịch. Có những định hướng để làm tăng trải nghiệm du lịch cá nhân cho du khách bằng hệ sinh thái số cho khách du lịch.

Khai thác được lợi thế độc đáo riêng có và liên kết chặt chẽ

Ở tầm vĩ mô hơn, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam cho rằng, tỉnh Quảng Bình cần xây dựng kế hoạch hành động của ngành Du lịch thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 trên cơ sở đánh giá đầy đủ tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh của tỉnh, đề xuất định hướng phát triển phù hợp.

Cần lựa chọn mô hình phát triển, lựa chọn và thực hiện các giải pháp phát triển theo hướng tăng trưởng xanh phù hợp với thực tiễn tại Quảng Bình, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh, trước hết là nâng cao nhận thức đầy đủ về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh từ đó có hành động đúng, phù hợp và hiệu quả.

Biển Đá Nhảy- một điểm thăm thú, tắm biển thú vị

PGS- TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế Trung ương gợi ý, Quảng Bình muốn khai thác được lợi thế độc đáo riêng có của mình, thì cần phải bổ sung những giá trị gia tăng trong phát triển du lịch. Đó là phải có hệ chính sách tốt để kéo được doanh nghiệp lớn đầu tư vào du lịch trở thành “cánh chim đầu đàn” định hướng cho du lịch phát triển, giúp cho các điểm đến tại Quảng Bình thực sự hấp dẫn hơn, đẳng cấp hơn. Phải hình thành được những “cứ điểm” để du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn hành trình du lịch gồm đến, nghỉ ngơi, ăn uống và tham quan du lịch - vấn đề mà hiện nay tại Quảng Bình còn thiếu và yếu, chưa tương xứng với tầm cỡ di sản Quảng Bình sở hữu.

“Du lịch Quảng Bình cũng cần liên kết với các địa phương khác, bởi liên kết du lịch là cộng hưởng sức mạnh giữa các địa phương, cùng học hỏi để vươn lên, không phải đố kị dìm nhau xuống, có làm được như vậy liên kết du lịch mới thực sự hiệu quả”, PGS- TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Sông Son thơ mộng đưa du khách lên với Phong Nha- Kẻ Bàng- Di sản thiên nhiên thế giới

Cho ý kiến về vấn đề liên kết phát triển du lịch, ông Đinh Mạnh Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, việc liên kết giữa địa phương với địa phương, đặc biệt là du lịch của 5 địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam; Quảng Bình như là một tâm điểm của miền Trung, để tạo ra các chuỗi giá trị bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch Quảng Bình cũng như 5 địa phương nói chung.

Cùng các quan điểm trên, ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình bày tỏ: Bản chất của du lịch là liên kết. Nhưng liên kết phải có tính cạnh trong trong một khối thống nhất. Mỗi địa phương phát huy được lợi thế cạnh tranh của mình để tạo lên một vệt liên kết giữa các địa phương, nhất là liên kết du lịch Quảng Bình với các địa phương miền Trung.

Ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: “Sự vào cuộc của truyền thông góp phần mở ra cơ hội để ngành du lịch Quảng Bình tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp để sẵn sàng cho việc tổ chức các hoạt động du lịch, phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới”.

Theo https://congthuong.vn/

Các tin khác