"Ai lên Minh Hóa quê mình"

15:57, Chủ Nhật, 26-5-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Minh Hóa là xứ sở của những câu dân ca mộc mạc, mang đậm bản sắc của vùng quê miền sơn cước và luôn được người dân gìn giữ, xem đó là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của các cộng đồng dân cư. Dân ca Minh Hóa được sử dụng vào những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Mỗi làn điệu đều có những nét đặc trưng phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân bản địa, tạo ấn tượng đặc biệt đối với người nghe.

Minh Hóa là xứ sở của những câu dân ca mộc mạc, mang đậm bản sắc của vùng quê miền sơn cước và luôn được người dân gìn giữ, xem đó là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của các cộng đồng dân cư. Dân ca Minh Hóa được sử dụng vào những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Mỗi làn điệu đều có những nét đặc trưng phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân bản địa, tạo ấn tượng đặc biệt đối với người nghe.
 
Hồn quê xứ núi
 
Ra đời từ lao động, do người dân sáng tác nên dân ca nói chung, dân ca Minh Hóa nói riêng đều sử dụng ngôn từ dễ hiểu, là “lời ăn tiếng nói” của địa phương.Một trong những làn điệu dân ca phổ biến nhất của Minh Hóa là hò thuốc cá, bắt nguồn từ nghề chế thuốc từ rễ của một loại cây trên rừng rồi làm thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá.
 
Đây cũng là làn điệu dân ca đặc trưng phản ánh tri thức dân gian, đời sống tinh thần của người Minh Hóa. Hò thuốc cá có nhịp điệu linh hoạt, theo nhịp chày giã thuốc, ngôn từ mộc mạc dễ nhớ, dễ thuộc. Điệu hò này thường được diễn xướng tập thể trong không khí rộn ràng, vui tươi. Chỉ cần có người xướng lên là mọi người cùng hòa nhịp…
 
Ban đầu, hò thuốc cá có nội dung chính là công việc giã thuốc, dần dần người ta sáng tác nên thành những câu hát đối đáp nam nữ và được sử dụng nhiều trong các dịp liên hoan, lễ hội và những cuộc vui. Ngoài hò thuốc cá, Minh Hóa còn có những làn điệu dân ca, như: Hát ru, ca trù, đúm, ví, hát đồng dao…; trong đó, điệu hát, đúm, ví được sử dụng khá nhiều. Đây là lối hát giao duyên của các chàng trai, cô gái nên có giọng điệu uyển chuyển với những câu hát trữ tình, ngọt ngào, tha thiết, hấp dẫn, cuốn hút người nghe.

Các nghệ nhân biểu diễn hát sắc bùa tại Hội rằm tháng ba Minh Hóa 2024. Ảnh: X.Phú

Minh Hóa còn phổ biến điệu hát sắc bùa khá độc đáo với sự kết hợp giữa lời hát và nhịp trống cái, trống cơm… nhằm cầu chúc cho các gia đình đón năm mới an lành, ấm no. Điều đặc biệt ở đội sắc bùa duy chỉ có đàn ông mới được tham gia. Trang phục khi biểu diễn là áo dài, khăn đóng. Điệu hát này được sử dụng trong dịp vui của người Minh Hóa, như: Tết cổ truyền, hội rằm tháng ba, chúc thọ, mừng nhà mới, khai trương…
 
Từ nếp sống sinh hoạt cùng những làn điệu dân ca mộc mạc, Minh Hóa đã gieo vào lòng người nỗi nhớ, niềm thương đối với một vùng đất có “chè xanh mật ngọt” dẫu “còn gian khó vẫn sáng chói niềm tin” như lời bài hát “Đường lên Quy Đạt” của nhạc sĩ Trần Hoàn.
 
Lan tỏa tình yêu dân ca
 
Chung một tình yêu với dân ca, nhiều người dân mà vai trò chủ đạo là các nghệ nhân dân gian đã thành lập nên những câu lạc bộ (CLB) đàn, hát dân ca để tập luyện, biểu diễn, khôi phục và phát huy, gìn giữ báu vật của quê hương. Tiêu biểu trong hoạt động này là CLB đàn, hát dân ca huyện Minh Hóa thành lập từ tháng 7/2009. Buổi đầu thành lập, CLB chỉ có 9 thành viên. Đến nay, CLB tập hợp được 22 thành viên sinh hoạt thường xuyên và cộng tác với các CLB xã, thị trấn để xây dựng các chương trình biểu diễn phục vụ sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương, của tỉnh.
 
Đối diện với những khó khăn, như: Địa điểm luyện tập, thiếu nhạc cụ, trang phục, kinh phí…, nhưng các thành viên trong CLB vẫn  quyết tâm duy trì hoạt động bằng cách sử dụng nhà dân, vỉa hè các cơ quan (vào ngày nghỉ) để luyện tập. Sau này, CLB được bố trí địa điểm tập luyện tại Hội Di sản văn hóa huyện Minh Hóa, được hỗ trợ kinh phí mua sắm nhạc cụ, trang phục... Một số thành viên còn sưu tầm nhạc cụ cũ để sửa chữa, sáng chế các nhạc cụ cần thiết phục vụ cho hoạt động luyện tập, biểu diễn. Nhờ vậy, hoạt động của CLB ngày càng đi vào chiều sâu.
 
Cùng với việc truyền dạy, CLB đàn, hát dân ca Minh Hóa đã xây dựng nhiều chương trình biểu diễn, diễn xướng hò thuốc cá ấn tượng phục vụ việc ghi hình làm tư liệu báo cáo Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch để xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, VTV8… xây dựng các chương trình, phóng sự phục vụ công tác tuyên truyền trong dịp Tết Nguyên đán của dân tộc và quảng bá du lịch Minh Hóa.
Từ khi thành lập đến nay, CLB đã tích cực sưu tầm các làn điệu dân ca cổ, tổ chức tốt hoạt động tập luyện, truyền dạy dân ca cho người dân các địa phương và học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Ngoài ra, CLB còn xây dựng nhiều chương trình biểu diễn để tham gia các hội diễn, liên hoan đàn, hát dân ca do huyện, tỉnh tổ chức. Nhiều cá nhân của CLB  được các cấp tặng giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương về thành thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Chủ nhiệm CLB đàn, hát dân ca Minh Hóa Đinh Thị Loan cho hay: Nhiều năm qua, CLB luôn duy trì hình thức sinh hoạt 2 lần/tháng. Vào các dịp huyện, tỉnh tổ chức các liên hoan, hội diễn, CLB luôn huy động nhân lực từ các CLB xã, thị trấn, học sinh các trường học nhằm xây dựng những chương trình mang đậm bản sắc quê hương để tham gia và tạo ấn ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Đặc biệt, CLB còn thành lập được CLB hát sắc bùa và đẩy mạnh hoạt động truyền dạy về loại hình dân ca độc đáo này nhằm phục vụ du lịch, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của quê hương.
 
Điều đáng mừng, CLB có rất nhiều thành viên đam mê, tâm huyết với văn hóa truyền thống. Các nghệ nhân cao tuổi, như: Đinh Thị Phương Đống, Đinh Thị Hạ (trên dưới 80 tuổi) vẫn miệt mài truyền dạy dân ca cho thế hệ kế cận, tham gia soạn lời mới cho các làn điệu dân ca. CLB còn có nhiều thành viên sở hữu giọng hát hay, sử dụng nhạc cụ tốt và rất tích cực với hoạt động truyền dạy, như các nghệ nhân: Đinh Tiến Dòng, Đinh Thị Thoan, Hoàng Việt Anh…
 
“Đối với dân ca Minh Hóa, càng nghiên cứu, càng hát lại càng cảm thấy hay và có sức cuốn hút. Vì vậy, dù có đi đâu, làm gì, tôi sẽ nỗ lực hết mình trong hoạt động sưu tầm, gìn giữ, thể hiện và truyền dạy nhằm góp phần gìn giữ tinh hóa văn hóa của quê hương”, nghệ nhân Hoàng Việt Anh gương mặt trẻ nhất của CLB đàn, hát dân ca Minh Hóa chia sẻ.
 
Trò chuyện với chúng tôi, bà Đinh Thị Loan trải lòng: “Hiện tại, CLB cũng gặp không ít khó khăn trong hoạt động, song điều đó CLB có thể khắc phục, bởi chúng tôi có các thành thành viên nặng lòng với văn hóa của quê hương, đam mê với dân ca, nhạc cổ. Điều mà chúng tôi trăn trở là thế hệ trẻ ngày nay không mấy mặn mà với dân ca trong khi lớp nghệ nhân giàu kinh nghiệm tuổi ngày một cao. Vì vậy, mỗi chúng tôi đều phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác sưu tầm, gìn giữ và nhất là hoạt động truyền dạy để những câu dân ca của vùng quê xứ núi sống mãi với thời gian”.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác