Linh thiêng lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

15:0, Thứ Năm, 20-4-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Hàng năm, từ ngày mồng 1-3/3 âm lịch, người dân xã Quảng Đông (Quảng Trạch) lại thành kính tổ chức lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ngoài mang tính đặc trưng của lễ hội cổ truyền, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lễ giỗ còn mang sắc thái văn hóa riêng có của người dân sống dưới chân đèo Ngang.

Huyền tích linh thiêng
 
Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tọa lạc bên đường thiên lý Bắc-Nam, ngay chân đèo Ngang thuộc thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông (Quảng Trạch). Trò chuyện với phóng viên, ông Đinh Trọng Tấn, công chức văn hóa-xã hội, UBND xã Quảng Đông cho biết, chuyện kể về Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở đèo Ngang được sử sách và các bậc cao niên lưu truyền lại như sau: Ngày xưa ở trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng có một cô con gái tên là Liễu Hạnh, tính tình ngang bướng, không chịu theo khuôn phép nhà Trời. Ngọc Hoàng hết lòng dạy dỗ nhưng cô vẫn chứng nào tật ấy. Ngọc Hoàng quyết định trị tội để cho con tu tỉnh. Nhân một lần Liễu Hạnh phạm lỗi (làm vỡ chén ngọc), Ngọc Hoàng liền đày xuống trần trong thời hạn 3 năm.
 
Sau khi xuống trần, Liễu Hạnh hóa thân thành một cô gái xinh đẹp, dựng một lều quán ở chân đèo Ngang. Đây là nơi rừng núi vắng vẻ, cây cối um tùm, rắn rết và hung thú nhiều vô kể nhưng cũng là nơi có con đường thiên lý Bắc-Nam đi qua nên hàng ngày không bao giờ ngớt khách bộ hành qua lại.
 
Từ ngày mở quán, ban ngày Liễu Hạnh là một cô gái xinh đẹp, thùy mị, bán nước kiếm sống bên đường, nhưng đêm đến cô là một vị thần trừng trị những kẻ tham quan, vô lại, các toán giặc cướp quấy nhiễu nhân dân, đồng thời đánh đuổi các loài thú hung dữ, rắn rết, cọp beo.
 
Trong 3 năm (là thời hạn ở nhân gian), Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã làm cho vùng đất dưới chân đèo Ngang từ một nơi rừng thiêng nước độc trở thành một vùng đất sơn thủy hữu tình để cho nhân dân có thể sinh sống, định cư, xây dựng làng xã ngày càng trù phú.
 

Hết hạn 3 năm, Thánh Mẫu Liễu Hạnh “không bệnh mà hóa” trở về trời nhưng vẫn thường xuyên hiển linh trừng trị những kẻ gian ác, giúp đỡ dân khai hoang, lập nghiệp, tạo mưa thuận gió hòa để cây trồng tươi tốt, vật nuôi phát triển cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
Để ghi nhớ công ơn của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, nhân dân đã lập đền thờ ngay vị trí Thánh Mẫu mở quán nước để con cháu đời đời phụng thờ và hàng năm lấy ngày 3/3 âm lịch là ngày Thánh Mẫu “không bệnh mà hóa” để tổ chức lễ giỗ rất thành kính…

Quần thể khu Di tích đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Điểm nhấn về du lịch tâm linh
 
Ông Võ Sỹ Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết, lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh năm nay diễn ra từ ngày 20-22/4 (1-3/3 âm lịch). Sau 3 năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ giỗ năm nay được tổ chức quy mô hơn, bao gồm cả phần lễ và phần hội.
 
Theo ông Hồng, lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt của nhân dân Quảng Đông hướng về cội nguồn dân tộc; đồng thời cũng là dịp nhắc nhở cháu con thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc ghi ơn sâu các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
 
Lễ hội đồng thời được tổ chức 2 điểm tại đình làng Vịnh Sơn và đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh đặc sắc. Trong đó, phần lễ bao gồm các lễ cúng, tế, rước sắc phong, các hoạt động hầu văn; phần hội chủ yếu diễn ra ở đình làng Vịnh Sơn gồm các hoạt động, như: Nấu bánh chưng, tổ chức các trò chơi dân gian. Đặc biệt, năm nay tại các chính lễ, như: Lễ yết đền, cúng vía (giỗ), lễ tế (cúng cơm) Thánh Mẫu Liễu Hạnh đều do NSƯT Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh) đảm nhận.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, từ lâu đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã trở thành một điểm đến tâm linh nổi tiếng. Đặc biệt là dịp đầu năm và những ngày diễn ra lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt người dân và du khách thập phương đến đây dâng hương để xin tài lộc, cầu sức khỏe, bình an.
 
“Lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là cơ hội để Quảng Trạch quảng bá tiềm năng, lợi thế du lịch trên địa bàn. Tuy nhiên, những năm qua, lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh chỉ nằm ở mức lễ hội cấp xã, do UBND xã Quảng Đông tổ chức, huyện chỉ hỗ trợ phần nào. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu để đề xuất nâng tầm lễ hội lên cấp huyện, nhằm tạo thành một điểm nhấn về du lịch tâm linh của huyện”, ông Trung chia sẻ.
 
Chương trình lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh năm 2023
 
Tại đình làng Vịnh Sơn: 8 giờ ngày 1/3 (tính theo âm lịch): Cúng thỉnh mời 12 vị thần Thành Hoàng đang trấn giữ các ngả về tại đình làng Vịnh Sơn; từ 0-1 giờ ngày 2/3: Cúng sang canh; 7 giờ 30 phút ngày 2/3: Lễ khai hội; 8 giờ ngày 2/3: Cúng các vị thần, rước sắc phong qua đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Buổi chiều 2/3: Tổ chức các hoạt động trong phần hội; 14 giờ ngày 3/3: Cúng lễ xin đưa sắc phong thần vị về lại đình làng Vịnh Sơn; 15 giờ ngày 3/3: Cúng an vị thần Thành Hoàng và tiễn các vị thần cai quản đất đai lai thổ về các ngả để trông coi bảo vệ.
 
Tại đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh: Từ 0 đến 3 giờ ngày 1/3: Cúng sang canh; từ 3 ngày 1/3-10 giờ ngày 2/3: Hầu văn và các hoạt động lễ bái; 10 giờ ngày 2/3: Đón đoàn rước thần từ đình làng Vịnh Sơn lên, làm lễ nhập thất của các vị thần; từ 14 giờ-16 giờ ngày 2/3: Lễ yết đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh; từ 0-3 giờ ngày 3/3: Cúng vía (giỗ) Thánh Mẫu Liễu Hạnh; 8 giờ ngày 3/3: Lễ tế (cúng cơm) Thánh Mẫu Liễu Hạnh, sau lễ tế là các hoạt động hầu văn; 14 giờ 3/3: Làm lễ đưa sắc phong thần vị về lại đình làng Vịnh Sơn.
 
Trong những ngày diễn ra lễ giỗ, trừ những khung giờ tổ chức lễ, Ban Tổ chức đều đón tiếp nhân dân và du khách thập phương dâng hương ở cả 2 địa điểm đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và đình làng Vịnh Sơn.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác