Chi tiết tin - Du khách
Núi chùa Non
NÚI CHÙA NON
Núi Chùa Non hay còn gọi là Núi Thần Đinh
Núi Chùa Non, tên chữ là núi Thần Đinh nằm về phía nam thị xã Đồng Hới. Núi có hình dáng khác với hình dạng các ngọn núi khác ở chung quanh. Nó có hình tựa như một đụn rơm lớn, nhưng chỏm núi lại bằng phẳng chứ không nhọn như nhiều chỏm núi khác.
Thăm núi Chùa Non có thể đi bằng hai con đường, hoặc là đi thuyền theo sông Long Đại, lên đến bến Chùa Non rồi đi bộ vào núi, hoặc là đi xe lửa tới ga Long Đại rồi đi thuyền vô bến Chùa.
Từ bến Chùa vào chân núi Chùa Non xa chừng nữa cây số. Dưới chân núi có một cái chùa bằng gạch. Hẳn là vì núi có chùa ở đây, và xưa kia là ở trên núi cho nên người địa phương mới gọi núi này là núi Chùa chăng?
Núi Chùa Non cao gần 400m. Du khách theo cái thang đá xây bên sườn núi, trèo lên chừng hai phần ba đường thì tới một cái hang lớn gọi là Chùa Hang. Cửa hang hẹp, phải lách nghiêng người mới vào được. Qua khỏi cửa, lòng hang rộng dần, nhưng rất tối, phải thắp đèn đuốc mới thấy rõ mọi vật. Hang chia làm hai phần: một bên thì ở giữa có những hòn đá hình cái bàn, chiếc ghế trên đó có nhiều hòn đá nhỏ hình ông Phật, ông tiên. Bốn bên hang, thạch nhũ cái thòng xuống, cái trồi lên, nhiều hình, nhiều vẻ, trông rất ngoạn mục. Khác hẳn với hang bên này, hang bên kia tối mò mò nên không mấy người dám chui vô. Hang được gọi là hang cấm có lẽ là vì thế. Ngoài miệng hang có hai cái hang nhỏ: cái bên tả được đặt tên là hang Chuông, cái bên hữu được gọi là hang Trống bởi trong hang có thạch nhũ hình cái chuông, cái trống.
Từ Chùa Hang, trèo hết thang đá là lên đến đỉnh Chùa Non - Chùa Kim Phong, thuở xưa nằm ở nơi đây. Trên đỉnh núi, ba mặt Bắc, Tây, Nam lổm nhổm nhiều hòn đá nhỏ, với nhiều dáng hình khác nhau.
Ở đầu thang đá có một cái bia đá lập vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830), chép về Chùa Kim Phong Đại lược, bia chép rằng:
"Niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1697) Hậu Lê, chùa có tám gian, sư thầy An Khả tu ở đó. Về sau, trong cơn binh hỏa, chùa bị cháy, các sư bỏ đi nơi khác. Năm Minh Mạng thứ sáu (1825) một nhà sư ở Chùa Thiên Mụ ra lập một am tranh ở núi Chùa Non. Tháng giêng năm Minh Mạng thứ 10 (1829) ông hưu quan ở làng Phan Xá tên là Lê Văn Trúc, quyên tiền xây thang đá, và đến tháng sáu cùng năm thì xây chùa bằng gạch ở chân núi. Vào tháng 7 năm ấy, ông Đặng Văn Tiêm, một lái buôn người Bố Trạch kéo được một cái chuông đồng ở cửa Nhật Lệ và đem cúng cho chùa."
Theo tác giả "ô châu Cận lục" thì núi Chùa Non có thời còn được gọi là núi Bất Nghĩa, bởi tương truyền, thuở trước, vua Lê đi kinh lý phương Nam, qua đây, thấy các núi đều quay về hướng Tây chỉ có núi Chùa Non quay trái hướng mà thôi, nên sai lực sĩ dùng roi quật vào núi và đặt tên núi là như vậy.