Chi tiết tin - Du khách
Đình Thuận Bài
ĐÌNH THUẬN BÀI
Đình làng Thuận Bài trước đây thuộc làng An Bài tổng Thuận An, châu Bố Chánh. Dưới thời Minh Mạng, đình thuộc xã Thuận Bài phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ ngày hòa bình lập lại, đình thuộc xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình.
Du khách đi trên con đường thiên lý Bắc Nam, trước khi qua cầu Gianh, có thể dừng chân để ngắm một phong cảnh đẹp, phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, dòng sông Gianh xanh ngắt bao quanh. Ẩn hiện trong màu xanh muôn trùng đó thấp thoáng mái đình giữa vòm lá của những vườn nhãn thơm ngon nhất vùng, phía Đông là cánh đồng rộng nối liền với những cồn cát chạy dài tựa như tấm bình phong che chắn trước biển cả. Làng Thuận Bài nằm cách cầu Gianh 2km về phía Bắc, là một làng quê phồn vinh và trù phú. Ngôi đình nằm ở vị trí trung tâm của làng trên một khoảng đất cao và bằng phẳng.
Đình làng Thuận Bài là di tích lịch sử - cách mạng của vùng đất địa đầu Bắc sông Gianh. Trải qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước, đình được nhân dân địa phương dựng vào nửa đầu thế kỷ XVI để ghi nhớ công lao của vị nhất tổ có công khai khẩn lập làng là Đường Quốc Công Trần Đạt.
Vào cuối thế kỷ XIV, Nhà Trần lâm vào tình trạng rối ren, Hồ Quý Ly đã cướp ngôi nhà Trần. Vì không chịu khuất phục nên một vị Tôn Thất nhà Trần là Trần Đạt đã chạy vào miền Trung đến bờ Bắc sông Gianh vỡ hoang lập nên làng An Bài. Đến năm 1418, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa, Trần Đạt đã kịp thời ra Lam Sơn giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh thống nhất đất nước.
Khi lên ngôi vua, Lê Lợi xét công ban thưởng, ông được vua ban cho tước Đường quốc công để ghi nhớ công lao. Đình làng Thuận Bài ngoài việc tưởng nhớ các vị tiền bối đã có công khai khẩn lập làng, còn là nơi vào các dịp lễ tết nhân dân trong vùng tập trung vui chơi, sinh hoạt lễ hội mang đậm màu sắc truyền thống. Vào dịp tết Nguyên đán, tại sân đình, nhân dân tổ chức các hoạt động vui chơi như đánh đu, đánh cờ người, thi nữ công gia chánh... Ngày 7 tháng giêng hàng năm, dân làng tổ chức lễ cầu trời đất phù hộ cho con cháu đi làm ăn xa, các tiết thanh minh, lễ xá tội vong nhân, mừng mùa mới... đều được dân làng tổ chức tại sân đình.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương chống Pháp nhưng bị thất bại và bị bắt tại Minh Hóa, trên đường bị đưa vào Huế, đình Thuận Bài là nơi dừng chân cuối cùng của vua tại Quảng Bình.Trong cách mạng tháng Tám, đình là nơi dân làng tập trung nghe diễn thuyết, tập hợp lực lượng chuẩn bị giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám thành công, đình là nơi dân làng tập trung bỏ phiếu bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước ta, là địa điểm nhân dân tổ chức hưởng ứng quyên góp ủng hộ "Tuần lễ vàng", "Tuần lễ đồng", “Hũ gạo cứu đói”... giúp đỡ chính quyền cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, đình là nơi che chở cho các cán bộ về hoạt động, là nơi tập trung quân của bộ đội về phối hợp cùng du kích địa phương đánh thắng trận tập kích đồn Mỹ Hòa, Thuận Bài... Trong thời kỳ chống Mỹ, đình làng trở thành một trong 12 trạm trung chuyển ở tuyến Bắc sông Gianh, là nơi tập trung hàng hóa để chuyển vào miền Nam.
Ngoài ra, đình còn là điểm dừng chân của hàng ngàn lượt chiến sỹ trên đường vào Nam đánh giặc, là nơi che chở cho hàng nghìn lượt em nhỏ miền Nam sơ tán ra Bắc. Trong chiến dịch VT5, ngôi đình một lần nữa trở thành nơi tập kết hàng hóa… Hàng ngàn tấn gạo, đạn dược, thuốc men đã được tiếp nhận và bảo quản an toàn chu đáo trước khi vận chuyển vào Nam, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Lúc mới xây dựng, đình được làm bằng vật liệu tranh tre. Đến thế kỷ 19 (1850), đình được xây dựng lại theo kiểu kiến trúc Triều Nguyễn. Mặt bằng tổng thể của đình được bố trí theo hình chữ U có hệ thống tường rào bao quanh, mặt đình quay ra hướng chính Đông hai bên là tả vu, hữu vu. Tường mặt tiền được gắn với ba cổng dạng tam quan nhưng tách rời nhau tạo thành một cổng chính và hai cổng phụ đối xứng nhau. Các cổng đều cuốn vòm, trên mái có đắp vữa lợp ngói âm dương. Tiếp theo cổng chính là bức bình phong có hai mặt đắp nổi hình quy an thần hổ phục dữ. Hai bên là hai cột nanh lưỡng nghê canh giữ và giám sát nghi lễ. Từ tam quan qua một khoảng sân rộng với hai nhà tả vu, hữu vu là vào trong cùng với các tuồng gỗ có hoa văn trang trí. Phần mái được lợp bằng ngói liệt, bờ nóc, bờ quyết được đắp thành ô hộc và có trang trí lưỡng long chầu nguyệt đắp nổi. Phần toà máng được xây bằng ba cửa vòm cuốn, trên các mặt tường trang trí bên trong hậu cung là các hoành phi câu đối.
Trải qua gần 200 năm tồn tại, trước sự huỷ diệt khốc liệt của chiến tranh và sự tàn phá âm thầm của thời gian, ngôi đình đã bị hư hỏng nhiều. Năm 1993, đình được tu bổ lại tương đối nguyên vẹn, phần hậu đình trên nền móng cũ. Riêng các công trình tả vu, hữu vu, gác chuông, gác trống hiện nay chỉ còn nền móng.
Đình làng Thuận Bài là di tích gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử trên mảnh đất địa đầu Bắc sông Gianh. Là biểu tượng tiêu biểu cho nguồn gốc và truyền thống lịch sử của dân làng Thuận Bài, là nơi ghi dấu những chiến công của nhân dân Thuận Bài trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ngoài ra, đình còn là một di tích văn hóa, gắn liền với phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam thông qua các sinh hoạt văn hóa mang đậm tính chất của cộng đồng làng xã.
Du khách một lần đến Quảng Bình xin hãy dừng chân ghé lại nơi đây. Đến đây, các bạn sẽ thấy bồi hồi xúc động khi nhớ về những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh. Hay sẽ được hòa mình trong sự êm dịu của thiên nhiên với những màu xanh của cỏ cây và dòng sông Gianh hiền hòa thơ mộng. Sẽ cùng đắm mình trong không khí vui tươi của những lễ hội và ấm áp trong tình cảm chân thật đầm ấm của người dân nơi miền quê hiền hòa và xinh đẹp này.