Di tích Cồn Nền

14:46, Thứ Bảy, 11-8-2007

Xem với cỡ chữ : A- A A+

DI TÍCH CỒN NỀN
 
Quảng Bình là một tỉnh có nhiều di tích khảo cổ học thuộc các thời đại kế tiếp nhau: Từ thời đại đá qua thời đại đồng thau đến thời đại sắt sớm. Từ lâu, Quảng Bình đã được các nhà khảo cổ học quan tâm nghiên cứu, nhiều di tích khảo cổ học đã được phát hiện, thám sát hoặc khai quật. Trong khi nhiều di tích rất nổi tiếng đến nay hầu như đã bị huỷ hoại do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng di chỉ khảo cổ học Cồn Nền còn tương đối nguyên vẹn, còn tiềm ẩn những thông tin quý giá trong lòng đất.
Cồn Nền 1à tên những cồn cát thuộc thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, cách di chỉ Ba Đồn I, 5km về phía Tây - Bắc, cách sông Gianh 2,5km về phía Bắc, cách thôn Phù Lưu (xã Quảng Lưu) - nơi tìm thấy trống đồng Đông Sơn gần 3,5km về phía Đông - Nam. Cách Cồn Nền chừng 2km về phía Tây - Bắc có một bàu nước ngọt gọi là Bàu Sen (hay "đầm Pháp Kệ'') rộng 2,5km2 quanh năm không bao giờ cạn nước. Phía Nam Cồn Nền là cánh đồng Trầm, đầy than bùn, đầm lầy tù đọng, hẳn đây là đấu tích của một vùng rừng bị ngập chìm trong quá khứ.
Di chỉ Cồn Nền ở vào khoảng 106o 22' 40" kinh Đông và 17o46'40'' vĩ Bắc. Phạm vi phân bố chừng 1,5km2 nằm dọc theo các doi cát .
Di chỉ Cồn Nền được đồng chí Tạ Đình Hà (nguyên là giảng viên khảo cổ học của Trường Đại học tổng hợp Huế nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Huế) phát hiện tháng 4-1981, từ đó đến nay đã qua một lần thám sát và 3 lần khai quật.
Lần thứ nhất: Tháng 3 năm 1982, dưới sự chủ trì khoa học của đồng chí Tạ Đình Hà, cán bộ sinh viên khảo cổ học trường Đại học tổng hợp Huế đã tiến hành khai quật cùng với sự tham gia của phó Tiến sĩ khảo cổ học Ngô Thế Phong (Ban Đông Nam Á) và Vũ Quốc Hiền (Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam). Diện tích khai quật 129m2, được chia làm 3 hố. Hố A rộng 65m2, hố B rộng 35m2, hố C rộng 29m2. Hố A và B được đào cùng trên một gò cát, còn hố C ở gò khác, cách hố A, B trên 7m.
Tầng văn hóa của di chỉ Cồn Nền có màu vàng thẫm, có nơi đen thẫm, chỗ dày nhất là 50cm, mỏng nhất là 35cm. Lớp đất mặt dày trung bình 50cm, sinh thổ là cát trắng và tương đối bằng phẳng.
Hiện vật thu được khá phong phú cả đồ đá lẫn đồ gốm: Về đồ đá: có 39 rìu; 33 bàn mài; 28 mảnh rìu, bôn; hai dao rạch; 1 đục; 1 vòng tay; 12 bàn nghiền; 8 chày nghiền; 3 bàn nghiền; 6 phác vật rìu và 52 viên thổ hoàng.
Đồ gốm có 9.169 mảnh, trong đó có 3.521 mảnh miệng (chiếm 38,4%), 4.327 mảnh thân (46,21%), 1.410 mảnh đáy (15,39%). Ngoài ra còn có 22 mảnh tai gốm, 181 mảnh ''Chân chạc''. Gốm Cồn Nền được chia thành 4 loại miệng:
- Loại mép miệng vê tròn, bóp vào, toàn thân trang trí hoa văn thừng.
- Loại miệng loe ngang, thành miệng khum hình lòng máng, mép ngoài miết bóng, tô thổ hoàng, mặt trong của thành miệng được trang trí hoa văn chấm dải.
- Loại có miệng thẳng, cổ cao, tô màu đỏ thổ hoàng.
- Loại có miệng loe, cổ ngắn, trang trí văn thừng đến cổ.
Trong lần khai quật này đã tìm được một bát gốm tương đối nguyên vẹn. Bát có miệng loe, đường kính miệng 18,5cm, thân tròn đều, thuôn dần xuống đáy. Toàn thân bát cao 9,4cm, mặt ngoài được trang trí hoa văn hình chữ ''S'' khắc chìm đối xứng chạy vòng quanh thân, trên nền chấm kiểu hạt vừng. Những hình thức trang trí hoa văn này vừa có nét gần gũi với cách trang trí của đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên, vừa có quan hệ gần gũi với đồ gốm tô màu trong các di chỉ Bàu Tró, Ba Đồn.
Tháng 3-1985, dưới sự chủ trì của phó Tiến Sĩ khảo cổ học Phạm Thị Ninh và Nguyễn Trung Chiến (Viện khảo cổ học) phối hợp với Bảo tàng Bình - Trị - Thiên đã tiến hành khai quật di chỉ Cồn Nền lần thứ 2 với diện tích 100m2. Kết quả khai quật đã thu được một bộ sưu tập đồ đá, đồ gốm và đồ đồng khá phong phú. Trong sưu tập này, công cụ lao động bằng đá chiếm vị trí chủ đạo, bao gồm 6 cuốc và 65 rìu, bôn, đục các loại.
BẢNG PHÂN LOẠI RÌU, BÔN, CUỐC ĐỤC ĐÁ
DI CHỈ CỒN NỀN KHAI QUẬT LẦN 2
Tên công cụ
Không có vai
Có vai
Tổng cộng
Số lượng
Tỷ lệ %
Số lượng
Tỷ lệ %
Số lượng
Tỷ lệ %
Rìu
28
93,3
2
6,7
30
100%
Bôn
28
84,8
5
15,2
33
100%
Cuốc
4
66,7
2
33,3
6
100%
Đục
2
100%
0
0
2
100%
Tổng
62
87,3
9
12,7
71
100%
 
Khác với sưu tập khai quật năm 1982, trong sưu tập lần này, bên cạnh cuốc đá thì số lượng bôn nhiều hơn rìu và loại hình công cụ có vai tuy có số lượng ít hơn nhưng vẫn không phải là trường hợp đặc biệt. Điều đó nói lên mối quan hệ gần gũi giữa di chỉ Cồn Nền với các di chỉ Bàu Tró, Ba Đồn I.
Đồ gốm thu được trong đợt này khá phong phú. Chủ yếu gốm được làm bằng tay, kết hợp với kỹ thuật bàn dập - hòn kê. Kỹ thuật gắn chắp, thoa nhẵn, miết bóng và phủ màu đã được áp dụng một cách phổ biến. Hoa văn trên đồ gốm phong phú, tinh xảo với những đường khắc vạch song song, những đường cong khép kín trên nền văn chải hoặc văn thừng, những mô típ văn gân lá, văn miết láng kết hợp văn in chấm kiểu hạt vừng, văn in vòng tròn, in mép và lưng vỏ sò. Ở Cồn Nền lần khai quật này đã thu được 1264 mảnh gốm dạng ''chân chạc'' và đặc biệt là 4 mảnh nồi nấu đồng.
Tháng 4 năm 1997, Viện khảo cổ học Chung và So sánh thuộc Viện khảo cổ học quốc gia Đức, khoa lịch sử trường Đại học Khoa học - Đại học Huế và Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã thám sát 2 hố: (2m x 1,50m và 2m x 1m).
Ở đây dưới một lớp đất màu xám dày 7cm có ít mảnh gốm, một tầng văn hóa dày 40cm được xác định với nhiều mảnh gốm và sâu hơn là sinh thổ bằng cát trắng.
Trong hố 1 có khoảng 200 và trong hố 2 gần 300 mảnh gốm đã được phát hiện, trong đó loại mảnh miệng chiếm 10% một vài mảnh gốm có mép được vê cuốn ở phía ngoài và ấn vào mặt ngoài của miệng. Đồ gốm thường là màu nâu nhạt, có hoa văn thừng đập. Trong khi điều tra trên bề mặt di chỉ đã phát hiện được nhiều công cụ đá, trong đó có 2 bàn mài có rãnh, mặt cắt dạng chữ U, một công cụ cuội có dấu vết mài, lưỡi và chuôi của 2 rìu, 4 rìu tứ giác và 3 rìu bôn có vai.
Do nội dung, tính chất quan trọng của khu di chỉ đối với việc nghiên cứu các giai đoạn của văn hóa khảo cổ Quảng Bình và ở khu vực miền Trung, cũng như tìm hiểu mối quan hệ của di chỉ Cồn Nền với các di chỉ khác giai đoạn đầu của văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở phía Bắc.
Cũng với thành phần tham gia của Đoàn khảo sát 1997, từ ngày 11-20/9/1998, di chỉ Cồn Nền được khai quật lần thứ 3. Diện tích khai quật lần này 80m2, ở hai hố (4m x 5m). Vị trí các hố nằm ở rìa của một gò cát nổi lên, hố mở theo hướng Đông - Tây, chếch Nam. Tầng văn hóa dày 30 - 35cm. Hiện vật thu được trong tầng văn hóa gồm: 22 rìu bôn đá tứ giác; 33 mảnh vỡ, mảnh tước rìu bôn; 2 mảnh vỡ vòng tay đá; 10 hòn nghiền, chày nghiền ngũ cốc; 19bàn mài; 2 bàn nghiền; 9 hạt chuỗi (dây chuyền đeo cổ); 2 viên thổ hoàng (đá son); 2 đá có vết lõm; đồ gốm có 32.408 mảnh vỡ đồ đun nấu, đồ đựng, đồ thờ cúng như: nồi, niêu, vò, âu, chậu, bình cốc, chân chạc (đồ giữ lửa).... Hoa văn trên gốm chủ yếu là văn thừng thô, văn thừng mịn. Ngoài ra còn có các loại hoa văn như: Văn sóng nước, văn chấm gãi, văn trổ lỗ, văn vạch, văn ấn, văn in... nhưng chiếm tỷ lệ rất ít.
Đặc biệt, gốm Cồn Nền vừa có tô màu đỏ, miếtánh chì lại vừa có ánh chì bên trong, tô màu đỏ bên ngoài trên một hiện vật gốm. Trong tầng văn hóa cũng thu được nhiều mẫu than, dấu tích của việc đun nấu thức ăn.
Với những tư liệu qua ba lần khai quật của nhiều nhà khảo cổ học, Cồn Nền là một di chỉ khảo cổ học có hiện vật phong phú có cả đồ gốm, đồ đá, đồ đồng đã minh chứng rằng: Với một nền nông nghiệp lúa nước phát triển, cuộc sống định cư lâu dài thành làng xã của cư dân Cồn Nền cách đây từ 3500 năm đến 4000 năm đó là đời sống văn hóa tinh thần phong phú, biết làm đẹp cho bản thân mình bằng vòng tay, vòng cổ, trang điểm cho mình và hiện vật bằng màu đỏ thể hoàng, màu đen ánh chì và các loại hoa văn trên đồ gốm. Họ có một trình độ kỹ thuật chế tác công cụ tuyệt vời như: cưa đá khoan đá... với kỹ thuật đẽo đá, mài đá cao tạo nên những chiếc rìu, đục đá, dao đá rất đẹp, khá sắc bằng loại đá silíc hiếm thấy vào thời đại này ở các vùng khác. Cồn Nền như là một mắt xích trong mối quan hệ giữa hai thời đồ đá và đồ đồng ở Quảng Bình nói riêng và miền Trung nói chung. Những yếu tố muộn hơn, khác biệt với các di chỉ của văn hóa Bàu Tró ở Cồn Nền có ý nghĩa khoa học đối với việc nghiên cứu quá trình chuyển biến của cư dân nguyên thuỷ trên đất Quảng Bình từ thời đại dã man sang thời đại văn minh trong buổi đầu sơ kỳ kim khí.

Các tin khác