Các điểm di tích Bác Hồ về thăm Quảng Bình

16:29, Thứ Năm, 18-9-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CÁC ĐIỂM DI TÍCH BÁC HỒ VỀ THĂM QUẢNG BÌNH


Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ, người Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người đã đi xa nhưng hình ảnh của Người vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, sự nghiệp của Người vẫn được toàn Đảng và toàn dân ta tiếp tục thực hiện.  

Lúc còn sống và làm việc, Bác đã dành cho Quảng Bình tình cảm vô vàn mến thương và sự ưu ái đặc biệt. Bởi vì hơn ai hết, với tầm nhìn xa của một vị lãnh đạo, nhà chiến lược quân sự thiên tài, Bác Hồ đã thấy được tầm quan trọng của mảnh đất nắng gió miền Trung này. Bác đã chỉ rõ: “Quảng Bình và Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam. Mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa đối với việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đánh thắng chúng trước hết”.  

Ngày 16-6-1957, quân và dân Quảng Bình vui sướng, vinh dự và tự hào được đón Bác vào thăm quê hương. Dẫu rằng thời gian Bác lưu lại nơi đây là quá ít ỏi, chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của mỗi người dân Quảng Bình nhưng với khoảnh khắc lịch sử ấy, Người đã để lại mãi mãi cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Quảng Bình những tình cảm thiêng liêng, những lời dạy bảo ân cần và tấm lòng yêu thương vô bờ bến. Những địa điểm mà Người đến, nay đã trở thành những di tích lịch sử quý giá của Quảng Bình.  

1. Sân bay Lộc Đại - Đồng Hới  

Sân bay Lộc Đại là nơi đầu tiên đón Bác đến Quảng Bình. Sau khi nhận được điện của Trung ương, biết được ngày giờ chính thức Bác đến, các đồng chí trong thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình đã khẩn trương họp bàn để chuẩn bị tinh thần đón Bác. Ai cũng hào hứng muốn nhanh được gặp Bác nên đã tập trung ra sân bay để đón Bác.  

Đúng 8 giờ 30 phút ngày 16-6-1957, máy bay chở Bác hạ cánh xuống sân bay. Bác rất cảm động trước sự đón tiếp của nhân dân Quảng Bình. Bác ân cần thăm hỏi, bắt tay thân mật đoàn đại biểu ra đón Bác.  

2. Trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh (nay là địa điểm trụ sở Công an tỉnh)  

Rời sân bay, đoàn xe đã chở Bác về trụ sở Uỷ ban Hành chính tỉnh. Sau khi đi thăm một vòng quanh trụ sở, Bác đã có cuộc gặp gỡ, làm việc với các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh uỷ. Bác quan tâm thăm hỏi đến các cán bộ, nhân viên của mọi cấp, mọi ngành. Bác cũng không quên dành một ít thời gian cho các đoàn đại biểu của dân tộc ít người như dân tộc Vân Kiều (Lệ Thuỷ), dân tộc Khùa, Mày (Tuyên Hóa), các đoàn đại biểu nhân sỹ trí thức và đoàn đại biểu tôn giáo. Bác mong muốn tất cả hãy ra sức cố gắng, đoàn kết một lòng để xây dựng quê hương cũng như làm tròn trọng trách là hậu phương vững chắc của tiền tuyến miền Nam anh hùng.  

3. Hội trường Tỉnh ủy Quảng Bình (nay là khuôn viên Bảo tàng tỉnh)  

15 giờ ngày 16 tháng 6, Bác đã có cuộc gặp mặt với 500 đại biểu cốt cán tại Hội trường Tỉnh uỷ, Bác đã chuyển lời thăm hỏi ân cần của Trung ương Đảng, Chính phủ, nhất là với số cán bộ, đồng bào Vĩnh Linh không có mặt hôm đó. Bác đã biểu dương cán bộ, nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh đã có nhiều đóng góp trong thời kỳ kháng chiến và những năm đầu xây dựng hòa bình cũng như công tác cải cách ruộng đất.  

4. Sân Vận động Đồng Hới (nay đã được xây dựng lại với quy mô to đẹp hơn)  

Sân Vận động thuộc phường Đồng Phú, cách quốc lộ 1A khoảng 100m về phía Đông và cách Quảng Bình quan khoảng 200m về phía Nam.  

Sân Vận động Đồng Hới là nơi cán bộ và nhân dân Quảng Bình tổ chức mít tinh lớn để đón Bác vào 16 giờ ngày 16-6. Tại đây, một cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm nhưng rất đỗi thân tình. Bác đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển đến toàn thể nhân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh lời chào thân ái. Bác biểu dương khen ngợi Quảng Bình và Vĩnh Linh. Bác nêu lên một số nhiệm vụ phải làm trước mắt và động viên cán bộ, nhân dân hai tỉnh Quảng Bình - Vĩnh Linh hãy ra sức cố gắng hơn nữa để làm tròn trọng trách là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam.  

Thay mặt nhân dân Quảng Bình, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đã hứa với Bác là sẽ cố gắng làm tròn trách nhiệm, đáp ứng lòng mong mỏi của Bác cũng như sự tin yêu của đồng bào miền Nam.  

5. Nhà nghỉ Sư đoàn 325 và Bãi tắm Nhật Lệ (nay nằm trong khuôn viên của Công ty Thủy sản Đồng Hới, thuộc phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới)  

Địa điểm Bác đã tắm biển trong dịp người vào thăm Quảng Bình

Đây là địa điểm cuối cùng mà Bác đến trong chuyến vào thăm Quảng Bình. Sau khi tắm biển Nhật Lệ, Bác đi dự buổi liên hoan văn nghệ cùng cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 325 đến 21 giờ 30 phút mới kết thúc. Bác cũng đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang hãy nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm của mình mà ra sức học tập, rèn luyện, đoàn kết một lòng, xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã tin cậy, giao phó. Theo kế hoạch thì Bác ở lại Quảng Bình đến chiều ngày 17-6-1957 mới trở về Hà Nội nhưng ngay đêm đó đã có điện của trung ương mời Bác về vào 7 giờ sáng hôm sau. Tuy chưa muốn xa Quảng Bình nhưng vì nhiệm vụ nên Bác không thể ở thêm được nữa. Vì vậy, đúng 4 giờ sáng ngày 17-6-1957, các đơn vị của Sư đoàn 325, bộ đội địa phương, các lực lượng dân quân tự vệ đã có mặt đông đủ tại Sân vận động để tiễn Bác. Hàng vạn đồng bào đổ xô ra đường vẫy chào đoàn xe chở Bác ra sân bay. Sân bay Lộc Đại - nơi đầu tiên được đón Bác nay lại lưu luyến tiễn Bác ra đi.  

Gần nửa thế kỷ trôi qua, ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình nhưng tình cảm và sự quan tâm của Người dành cho Quảng Bình vẫn còn ấm mãi trong lòng của mỗi người dân tỉnh nhà. Ghi sâu lời Bác dặn, Quảng Bình đã cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, góp phần to lớn trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

Các di tích lưu niệm Bác Hồ vào thăm Quảng Bình đã được thành phố Đồng Hới dựng bia di tích tại các địa điểm như: Sân bay Lộc Đại - Đồng Hới, Trụ sở Hội trường Tỉnh uỷ Quảng Bình (nay là khuôn viên Bảo tàng Quảng Bình).v.v... Các điểm đi tích lưu niệm Hồ Chủ tịch ở Quảng Bình có giá trị to lớn đối với nhân dân tỉnh nhà cũng như nhân dân cả nước. Tình cảm và sự quan tâm của Người chính là nguồn động viên lớn lao cho mỗi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tỉnh nhà vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Di tích giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, học thêm được tác phong giản dị, sâu sát, gần gũi nhân dân của một vị Chủ tịch nước đối với đồng bào cán bộ, chiến sĩ Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh trong những ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc.

Các tin khác