Sở chỉ huy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình thời kỳ 1965 - 1973

16:40, Thứ Năm, 18-9-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+

SỞ CHỈ HUY, BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG BÌNH THỜI KỲ 1965 - 1973

Sở chỉ huy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình thời kỳ 1965 - 1973 nằm trên đồi Mỹ Cương thuộc địa phận xã Nghĩa Ninh. Từ trung tâm thị xã Đồng Hới, du khách đi hết đường Trần Hưng Đạo, rẽ trái theo đường Hà Huy Tập đến ngã ba trạm điện rẽ trái về đường liên thôn chừng 1 km là đến di tích.  

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, đồng thời là tiền tuyến, đầu cầu của miền Bắc XHCN. Nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, TNXP đã trực tiếp bám trụ chiến đấu, cùng với quân dân Quảng Bình bám trụ chiến đấu, đánh địch bảo vệ các tuyến vận tải, bảo vệ lực lượng kho tàng, đảm bảo cho việc cất dấu, vận chuyển sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến. Sở chỉ huy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đảm nhiệm vai trò quan trọng là nơi hoạch định kế hoạch, là trung tâm chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang chiến đấu trên mặt trận Nam Quân khu IV và chiến trường Nam - Lào, Trung - Lào nói chung, trên địa bàn Quảng Bình nói riêng.  

Trước thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc với quy mô ngày càng lớn và vô cùng ác liệt, nhằm thực hiện mưu đồ ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc và của bạn bè quốc tế vào miền Nam, phá hoại tiềm lực quốc phòng, kinh tế và công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta. Chỉ trong tháng 2 - 1965 đế quốc Mỹ đã liên tiếp mở hai chiến dịch “Mũi lao lửa I và II” ồ ạt ném bom vào thị xã Đồng Hới. Tháng 3-1965 để kịp thời đảm bảo chỉ đạo chỉ huy chiến đấu và phối hợp các lực lượng chiến đấu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chuyển Sở chỉ huy đóng ở trung tâm thị xã Đồng Hới (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đang đóng hiện nay), lên đồi Mỹ Cương cách trung tâm thị xã Đồng Hới 5 km về phía Tây. Đồi Mỹ Cương là một vị trí chiến lược quân sự quan trọng, có tầm nhìn bao quát xa, thuận lợi về mặt giao thông liên lạc. Từ đây cơ quan đầu não của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh có thể chỉ đạo, chỉ huy được toàn bộ lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn.  

Tháng 6-1966, công việc xây dựng hầm hào được hoàn tất, kiên cố với quy mô xây dựng trên diện rộng, cây cối bao quanh, có hệ thống giao thông hào nối giữa các hầm: có tất cả 7 hầm và một nhà khách. Công trình xây dựng ở đây mang tính chất lâu dài thể hiện sự kiên cường bám trụ vững chắc của quân dân Quảng Bình. Trong những năm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt ở đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, đề ra nhiều Nghị quyết, bàn về các phương án tác chiến chỉ đạo các trận đánh lớn. Tại đây, Bộ tư lệnh tiền phương Quân khu IV, Bộ tư lệnh các chiến dịch đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Trị - Thiên và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các hoạt động quân sự của các lực lượng vũ trang trên địa bàn Nam Quân khu IV, chiến trường Trị -Thiên và mặt trận Trung - Lào. Cũng tại Sở chỉ huy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã chỉ đạo chỉ huy quân dân trong tỉnh phối hợp với các đơn vị, bộ đội chủ lực chiến đấu vừa bắn cháy, bắn rơi, bắn chìm nhiều tàu chiến, máy bay Mỹ vừa đảm bảo thông đường, thông xe, thông hàng: chỉ huy các đơn vị bộ đội địa phương, dân công tự vệ phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường Trị - Thiên, Trung - Lào thời kỳ 1968 - 1972.  

Ngoài ra, Sở chỉ huy quân sự tỉnh còn là nơi làm việc của Thường vụ Tỉnh ủy với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội và các đoàn khách quốc tế, nơi quan hệ chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 để phối hợp hoạt động các lực lượng vận tải Trung ương và địa phương.  

Qua hơn 7 năm bám trụ tại đồi Mỹ Cương, cách trung tâm thị xã không xa, Sở chỉ huy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình vẫn vững vàng trong lòng đất, bảo đảm an toàn cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình hoàn thành nhiệm vụ, vai trò sứ mệnh lịch sử của mình góp phần vào chiến công chung của dân tộc, xứng đáng là một địa danh lịch sử trong cuộc kháng chiến, chống Mỹ cứu nước.  

Hiện nay, di tích vẫn giữ nguyên trạng nhà khách, ba hầm cạnh nhà khách và nằm bên trái khuôn viên trường quân sự.  

Nhà khách: Được xây dựng theo kiến trúc 4 gian, hai chái, được xây bằng gạch, lợp ngói, có mái hiên xung quanh, có tiền sảnh trước mặt và được chia làm ba gian. Gian giữa rộng dùng để họp hành, hai gian nhỏ hai bên dùng làm phòng khách.  

Hầm: Ba hầm đều hình chữ Z, đều có thân hầm, hai cửa hầm, hai đường lên xuống, mái hình vòm. Đặc biệt hầm số 1 và hầm số 3 được thiết kế hầm nổi, đều có sự gia cố hầm, dày 0,5m.

Hầm số 1: Mái hình vòm chữ A, có chiều dài 7,4m, rộng 5,7m, độ sâu 1,9m.  

Hầm số 2: Được thiết kế hầm chìm, có chiều dài 13,9m, rộng 5,7m, độ sâu 3,5m, tường hầm dày 0,3m.  

Hầm số 3: Độ sâu 2,4m có chiều dài 10m, rộng 5m, tường hầm đày 0,3m.  

Di tích lịch sử Sở chỉ huy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình là bằng chứng về một quá khứ hào hùng của quê hương Quảng Bình. Di tích trở thành nơi biểu hiện cao nhất tinh thần gan dạ, anh dũng của quân và dân Quảng Bình, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, bom đạn khốc liệt vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu “Một tấc không đi một ly không rời”, đảm bảo tốt nhiệm vụ là tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc XHCN góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Các tin khác