Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng

Post date: 31/10/2022

Font size : A- A A+

Theo quan niệm của người Mã Liềng (dân tộc Chứt), thần rừng là vị thần bảo hộ quan trọng nhất, chi phối toàn bộ đời sống của người dân. Chính vì vậy, vào những dịp quan trọng, bà con phải tổ chức cúng thần rừng để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình, bản làng yên ổn, người dân vào rừng săn bắt, hái lượm được may mắn... Lễ cúng thần rừng cũng là dịp để trả lễ, cảm ơn đấng bề trên đã phù hộ độ trì, bảo hộ cho cuộc sống được yên bình, no ấm.

Già làng Cao Văn Ngụ ở bản Kè, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) cho biết, trước đây, người Mã Liềng tổ chức lễ cúng thần rừng vào hai ngày trong năm đó là ngày 7/7 và ngày 10/10. Điều này liên quan đến truyền thống làm lúa rẫy của người Mã Liềng. Lễ cúng vào ngày 7/7 được gọi là cúng lấp lỗ trỉa, tức sau khi hoàn thành việc trỉa lúa rẫy. Còn lễ cúng ngày 10/10 là sau khi thu hoạch xong vụ lúa.
 
Sau này được định canh định cư, người Mã Liềng chuyển sang làm lúa nước nên lễ cúng thần rừng được tổ chức vào dịp hoàn thành việc gieo cấy vụ đông-xuân và sau khi thu hoạch vụ hè-thu. Lễ cúng thần rừng lại được kết hợp với hai cái Tết quan trọng của dân tộc đó là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập nên được tổ chức vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán và Quốc khánh 2/9.

Già làng Cao Văn Ngụ ở bản Kè, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) bắt đầu lễ cúng thần rừng.


Lễ cúng thần rừng được tổ chức ở khu vực bìa rừng, phía sau bản. Mỗi mâm lễ được đặt trên 3 cái cọc gỗ đóng xuống đất, chiều cao khoảng 1m. Số lượng mâm lễ tùy thuộc vào sự chuẩn bị của dân làng. Thầy cúng đứng phía trước các mâm lễ, hướng mặt vào rừng để cúng. Trước đó, người dân cùng họp để phân công công tác chuẩn bị, thống nhất cách đóng góp lễ vật. Tùy thuộc vào sự bàn bạc, có thể góp tiền, hiện vật để làm mâm cỗ chung, hoặc mỗi gia đình tự chuẩn bị một mâm lễ vật rồi mang đến địa điểm cúng để cúng, sau đó tổ chức ăn uống tập thể.

Thầy cúng là người có vị thế và uy tín nhất đối với người Mã Liềng. Ví như vào mùa ong, người nào đánh bắt được tổ ong đầu tiên phải mang một miếng tầng ong có mật đến để thầy cúng ăn trước, sau đó dân làng mới được ăn. Hoặc quá trình săn bắt, hái lượm được sản vật gì quý hiếm của rừng đều phải mang đến mời thầy cúng ăn trước. Ở bản Kè, già làng Cao Văn Ngụ cũng chính là thầy cúng của bản.

Lễ vật chuẩn bị xong, được mang ra để bắt đầu nghi lễ cúng thần rừng. Trước khi ra cúng thần rừng, mỗi gia đình đều phải làm lễ báo cáo cho tổ tiên trong nhà trước. Thầy cúng mặc đồ lễ bằng áo dài màu đỏ, trên vai quàng một dải khăn dài. Sau khi thắp nến, châm rượu, thầy cúng chấp hai tay vào một đầu chiếc khăn quàng ở vai rồi vái lạy ba cái, sau đó bắt đầu bài cúng.
 
Người Mã Liềng kết nối với thần linh thông qua những cây nến làm bằng sáp ong chứ không sử dụng nhang hương như người Kinh. Họ cũng không dùng vàng mã trong các lễ cúng. Lễ vật chỉ là những thức ăn, đồ uống mà hàng ngày người dân vẫn sử dụng gồm: Xôi, cơm, rượu, thịt, cá, gà luộc, bánh trái…. Thầy cúng dùng hai miếng gỗ ngắn làm bằng thanh cây tre hoặc nứa có mặt vỏ và mặt ruột ném vào một con dao để xin keo bằng hình thức sấp ngửa, xác tín cho sự có mặt của các thần cũng như các thần đã chấp nhận lòng thành và lễ vật của người dân hay chưa.
 
Trong đời sống tín ngưỡng của người Mã Liềng, tục cúng thần rừng đã có từ lâu đời. Họ quan niệm mỗi một khu rừng đều có thần rừng trú ngụ và cai quản. Thần rừng cũng phân thành nhiều cấp bậc lớn nhỏ tùy thuộc vào khu vực cai quản. Theo già làng và cũng là thầy cúng Cao Văn Ngụ, vị thần rừng có vị thế lớn nhất của người Mã Liềng là vị thần cai quản vùng lèn Chứt Đác Mỏ (tức lèn Hà ở xã Thanh Hóa), nơi cư ngụ đầu tiên của tộc người Mã Liềng ở Tuyên Hóa.
 
Vì thế, trong lễ cúng, thầy cúng phải gọi mời vị thần này đầu tiên, tiếp đó là các vị thần ở khu vực khác có liên quan đến cuộc sống du canh du cư của người Mã Liềng trước đây và các vùng rừng hiện nay người Mã Liềng đang sinh sống. Sau các thần rừng là mời thổ thần đất đai, rồi những người dân bản đã khuất cùng về chứng giám và thụ hưởng lễ vật.

Tấm biển cấm chặt và đốt rừng ở bản Kè, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa).

Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng thường được diễn ra trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 10 giờ sáng. Thầy cúng đọc 4 bài cúng gồm: Mời các thần về chứng giám, mời thụ hưởng lễ vật, xin phù hộ và cúng tiễn. Sau mỗi bài cúng, thầy cúng phải xin keo bằng hai thanh gỗ như đã nói ở trên để xác tín sự đồng ý của các thần. Lễ cúng kết thúc, những người tham gia tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà của già làng, trưởng bản ăn uống, chung vui.

Tại đây, mọi người được già làng, trưởng bản và thầy cúng nhắc nhở về tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, đặc biệt là ý thức bảo vệ rừng. Những điều mà mỗi người Mã Liềng phải ghi nhớ, như: Khi vào rừng không được xâm phạm đến những cây cổ thụ bởi đó là nơi trú ngụ của thần rừng. Trước khi chặt một cây gỗ hay lấy một sản vật gì đều phải xin phép thần rừng. Nếu không cần thiết thì không được dùng dao, rựa chặt, vạc vào cây rừng, vì làm như thế cây sẽ bị đau, thần rừng sẽ quở trách. Khi khai thác một sản vật gì trong rừng cũng không khai thác triệt để mà phải chừa lại một phần cho rừng phát triển. Như vậy, thần rừng mới chở che…

Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng là một hoạt động văn hóa mang tính tâm linh quan trọng, thể hiện ý thức tôn trọng, lòng biết ơn thần linh, trời đất, tổ tiên và hướng về nguồn cội. Đây cũng là dịp để thắt chặt mối đoàn kết, tăng cường tình làng nghĩa xóm, tương trợ lẫn nhau. Lễ cúng thần rừng còn là nét đẹp trong bảo vệ tài nguyên môi trường, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, sống hòa hợp với thiên nhiên.
 
Ông Đinh Văn Bắc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lâm Hóa cho biết: Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng là hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống, mang tính cộng đồng. Thông qua hoạt động này nhằm xây dựng mối đoàn kết, nâng cao đời sống văn hóa, ý thức bảo vệ rừng, đặc biệt là sau khi người Mã Liềng được giao một diện tích lớn rừng cộng đồng để quản lý, sử dụng. Hiện nay, xã Lâm Hóa đang phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Mã Liềng gồm trang phục, âm nhạc và lễ hội, trong đó có lễ cúng thần rừng vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán và Quốc khánh 2/9 hàng năm.

Theo Báo Quảng Bình

More