Chi tiết tin - Du khách
Bài chòi, sức sống di sản
Vốn xưa lưu truyền
Gắn bó với cư dân theo dọc dài dải đất miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận), Bài chòi Trung bộ là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc mang đậm tính nhân văn.
Bài chòi ra đời vào lúc nào, nơi phát tích của Bài chòi ở đâu, cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào ghi lại rõ ràng.
Trong quá trình điền dã của Viện Âm nhạc Việt Nam, theo lời các nghệ nhân, Bài chòi có thể xuất phát từ đời sống lao động, khi trai làng canh giữ hoa màu trên chòi gác đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò.
Còn theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Bài chòi có lịch sử hình thành và phát triển gắn với quá trình xây dựng, mở rộng cương vực lãnh thổ của các chúa Nguyễn về phương Nam, các chòi chơi hiện nay là cách tân, biến tấu từ chòi lính mà thành.
Tuy vậy, dù ra đời ở giai đoạn nào, trải qua nhiều thăng trầm ra sao thì Bài chòi Trung bộ cũng đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân.
Ở Quảng Bình, Bài chòi là hội vui chơi trong những ngày Tết, mang đậm nét truyền thống văn hóa, cố kết cộng đồng làng xã, không phân biệt giàu-nghèo, trên-dưới, ai ai cũng có thể tham gia. Chính điều này tạo nên sự khác biệt so với hội Bài chòi ở các tỉnh Nam Trung bộ vốn nặng về sân khấu hóa và trình diễn.
Theo Nghệ nhân dân gian Việt Nam Phan Văn Thuận (Đức Ninh, Đồng Hới), Bài chòi ở Quảng Bình được bắt nguồn từ đánh “bài tới” bởi khi kết thúc ván, người chơi hô “tới”. Bộ bài tới có 30 con, chia làm 3 pho là pho Văn, pho Vạn, pho Sách; mỗi pho có 9 con bài và 1 con bài Yêu (Ông Ầm, Thái Tử, Bạch Tuyết). Mỗi quân bài được dán lên 1 chiếc thẻ tre to bản, có tay cầm. Các chòi được bố trí theo hình vuông hoặc hình chữ nhật, ở giữa là chòi cái (người chỉ huy-anh hiệu) và phường nhạc kèn, trống, sáo, nhị; xung quanh 10 chòi cho người chơi. Mỗi chòi được gắn tên theo thứ tự thập can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ...).
Bắt đầu cuộc chơi, anh hiệu xướng một câu hò vào cuộc, rồi rút 1 quân bài, xem tên và hò lên hoặc hát 1 câu ứng với nội dung tên con bài, để người chơi đoán, tạo không khí phấn khích, hồi hộp. Chòi nào có con bài trùng tên thì gõ 3 tiếng mõ, người chạy cờ sẽ mang đến 1 lá cờ xéo (màu đỏ) và thu con bài đó lại.
Cuộc chơi tiếp tục cho đến khi chòi nào có được 3 lá cờ xéo trước tiên, đánh một hồi mõ dài rồi hô “tới… tới… tới” báo hiệu đã thắng và kết thúc một ván chơi trong tiếng reo hò và nhạc rộn ràng... Kết thúc một hội chơi có 8 ván, chòi thắng cuộc đổi 3 lá cờ xéo (màu đỏ) lấy 1 lá cờ vuông (màu vàng). Chòi nào có 3 lá cờ vuông liên tục thì được thưởng một phần thưởng đặc biệt.
Mở rộng “không gian sống”
Ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao cho biết: Những năm gần đây, tỉnh ta luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó có nghệ thuật Bài chòi. Từ năm 2019, sở phối hợp với các đơn vị tổ chức liên hoan các tổ, nhóm, câu lạc bộ Bài chòi cấp tỉnh; góp phần tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về những giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi trên quê hương Quảng Bình; gắn kết, phát huy tiềm năng, tài nguyên di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là du lịch và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương.
Ở các địa phương, hội Bài chòi theo đó cũng từng bước được khôi phục. Tại nhiều nơi như Thanh Thủy, Kiến Giang, Mai Thủy (Lệ Thủy), Tân Ninh, Võ Ninh, Quán Hàu (Quảng Ninh), Đức Ninh, Lộc Ninh, Nam Lý, Phú Hải (Đồng Hới) và Hưng Trạch (Bố Trạch)..., Bài chòi được duy trì và tổ chức tương đối liên tục, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các làng quê tham gia và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp Tết và lễ hội ở địa phương.
Bài chòi, nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, xuân về
Đặc biệt, với mong muốn đưa Bài chòi đến gần hơn với người dân và du khách, xây dựng Bài chòi trở thành một sản phẩm phục vụ phát triển du lịch bền vững, nhiều năm trở lại đây, hội Bài chòi luôn được xem là một trong những hoạt động tiêu biểu không thể thiếu của Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới.
Anh Hà Quốc Vương Anh, Bí thư Thành đoàn Đồng Hới chia sẻ: Đều đặn hàng năm, Thành đoàn đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị, cùng với tâm huyết, đam mê của các nghệ nhân, nghệ sỹ... với mong muốn đưa Bài chòi đến gần hơn với người dân và du khách, giữ được tinh túy, hồn cốt của nghệ thuật dân gian trong dòng chảy của cuộc sống đương đại.
Theo Nghệ nhân dân gian Việt Nam Phan Văn Thuận, Bài chòi là tổng hòa các bộ môn nghệ thuật thơ ca, hò, vè... gắn với đời sống xưa. Chính vì vậy, khi Bài chòi được đưa vào biểu diễn ở Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới, ông đã kỳ công sưu tầm, sáng tạo 180 câu hô hát Bài chòi bằng những làn điệu dân ca Bình-Trị-Thiên như hò khoan Lệ Thủy, lý hoài xuân, lý tình tang, hò hụi, vè, hò khoan Quảng Trị.
Mỗi làn điệu có 30 câu hô hát theo ý nghĩa và có tên của con bài để nội dung dù mang tính giải trí nhưng vẫn phải giữ được sự hóm hỉnh, sâu sắc và không làm mất đi cái hồn duyên dáng của Bài chòi. Trước khi vào cuộc chơi, bao giờ cũng sẽ có hát mở đề, đây cũng là dịp để giới thiệu về những nét đẹp, điểm đến du lịch hấp dẫn: “Mời bạn về thăm Đồng Hới quê tôi/Trong hương thơm hoa trái dâng đầy/Thăm Quảng Bình quan rêu phong trầm mặc/Bên Lũy Thầy sương gió bóng thời gian…”.
Chị Trần Thị Yến Minh (Hội An, Quảng Nam) cho biết: “Tôi may mắn được ra Quảng Bình công tác và trải nghiệm hội Bài chòi đúng vào dịp khai trương phố đi bộ-hoạt động mở màn cho Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm 2021. Hiện nay, ở Hội An, nghệ thuật Bài chòi được xem là dấu ấn đặc trưng và là “đặc sản” tinh thần gửi đến du khách trong và ngoài nước khi đến phố cổ. Tại Đà Nẵng, nghệ thuật Bài chòi đã “xuống phố” thông qua hội diễn ở các điểm du lịch nổi tiếng tại bờ Đông sông Hàn, gây sự chú ý khá tốt đối với khách du lịch. Với Bài chòi “xuống phố” tại phố đi bộ cũng như chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới, du khách chúng tôi rất thích và hoàn toàn tin tưởng rằng khi được đặt trong “không gian mở”, nghệ thuật Bài chòi sẽ tiếp tục là ẩn số tiềm năng để Quảng Bình phát triển đa dạng các loại hình du lịch.”
Ngày Tết, dự hội Bài chòi, người tuổi nào nếu gặp đúng cái chòi tuổi mình, người làm nghề gì, thuộc thành phần gì mà gặp được con bài đúng nghề, đúng thành phần mình... thì được cho là may mắn. Và nhất là khi vào cuộc chơi, trúng một tên quân bài được đánh lên ba tiếng mõ, có người đến cắm cho chòi mình một lá cờ xéo (màu đỏ) hoặc nếu trúng cả 3 quân bài, đổi được 3 cờ xéo, lấy một cờ vuông (màu vàng) và được phần thưởng thì may mắn được nhân thêm bội phần. Vì lẽ đó, không khí tại các hội Bài chòi luôn đông vui, nhộn nhịp, tránh bói toán mê tín dị đoan: “Đầu năm bói toán đâu xa/Bài Chòi một hội biết là rủi may”.
Theo Báo Quảng Bình
- Tục giữ lửa của người Bru Vân Kiều (09/02/2022)
- Yêu câu hò xứ Lệ (24/01/2022)
- Đặc sắc văn hóa của đồng bào vùng biên giới Quảng Bình (24/11/2021)
- Quảng Bình: Lưu giữ và trao truyền nghệ thuật Bài chòi (10/11/2021)
- Nghệ nhân dân gian Hồ Văn Tiêu - Người phục dựng nghệ thuật dân ca của đồng bào Bru-Vân Kiều (01/11/2021)
- Giữ gìn điệu “Hò thuốc cá” của người Nguồn ở Quảng Bình (01/11/2021)
- Người Khùa (Minh Hóa – Quảng Bình) – Giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc (02/11/2021)
- Góp sức đưa hò thuốc cá thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (15/04/2021)
- Ra Giêng, buộc chỉ cổ tay để cầu may… (08/03/2021)
- Nét văn hóa làng Ngọa Cương (01/06/2020)