Sản phẩm mới ở làng nghề Thọ Đơn

Post date: 10/12/2007

Font size : A- A A+
Làng Thọ Đơn, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xưa nay được biết đến bởi những sản phẩm đan lát làm từ vật liệu mây tre nứa.

Trải qua hàng chục năm với nhiều thay đổi, nhất là của cơ chế kinh tế thị trường, nhưng làng nghề vẫn đứng vững và phát triển. Để làm được điều đó làng nghề Thọ Đơn đã không ngừng tạo ra những sản phẩm mới bắt kịp nhu cầu thị trường.

Chúng tôi về Thọ Đơn vào một ngày cuối tuần tháng 11 năm 2007. Cả làng Thọ Đơn hầu như nhà nào cũng đang làm nghề đan lát các vật dụng phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Trước đây sản phẩm chính của làng Thọ Đơn chủ yếu là nong nia, thúng, mũng... phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nay nắm bắt nhu cầu thị trường, làng Thọ Đơn đã tạo sự chuyển biến mới bằng cách tạo ra được nhiều sản phẩm dùng trong sản xuất ngư nghiệp.

Đi tiên phong trong việc tìm hướng đi mới cho sản phẩm đan lát Thọ Đơn là gia đình chị Nguyễn Thị Tình, vốn đã theo nghề đan lát trên 20 năm. Hiện nay, nhận thấy nhu cầu của thị trường, gia đình chị chuyển hướng sang chuyên làm mặt hàng thuyền thúng, cung cấp cho các làng biển trong và ngoài tỉnh. Nếu với 2 lao động, thì chỉ mất 2 ngày anh chị có thể làm xong 1 chiếc thuyền thúng. Nếu bán ở dạng thô, mỗi chiếc có giá khoảng 1,5 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 1 triệu đồng. Mỗi tháng gia đình chị có thể làm được 15 chiếc thuyền thúng, thu lãi trên 10 triệu đồng. Nếu vào mùa vụ, bận công việc đồng áng, thì số lượng thuyền đan được khoảng 10 chiếc tháng. Với tay nghề cao, sản phẩm làm ra của gia đình chị Tình cũng như bà con trong làng đều bán rất chạy cho các đối tượng là ngư dân ở các làng biển trong và ngoài tỉnh, được khách hàng tín nhiệm.

Tuy nghề làm thuyền thúng thu lãi cao gấp nhiều lần so với làm rổ rá các loại, nhưng do vốn lớn, công nhiều nên chỉ những hộ dân có điều kiện thì mới theo nghề này. Hiện nay, làng Thọ Đơn có gần 600 hộ dân làm nghề đan lát. Sản phẩm chủ yếu là rổ rá, nong, nia đủ kích cỡ để vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa phục vụ sản xuất ngư nghiệp và dùng trong xây dựng. Nếu chỉ làm các sản phẩm rổ, rá, nong, nia đơn thuần, thì mỗi lao động cũng có thu nhập trên dưới 1 triệu đồng tháng. Nhiều hộ gia đình nhờ giỏi nghề mà đã vượt lên đói nghèo, nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng.

Thực tế cho thấy, là vùng quê nông nghiệp nhưng nghề đan lát đã thực sự trở thành một nghề chính đem lại thu nhập khá cao cho người dân ở đây. Với những đặc điểm khá thuận lợi như: nguyên liệu là tre sẵn có ở các vùng nông thôn nên rất dễ mua, kỹ thuật tạo ra sản phẩm tương đối đơn giản, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi điều kiện thời tiết, nghề đan lát Thọ Đơn đã thu hút được trên 90% hộ dân trong thôn tham gia. Đây chính là thế mạnh, là tiền đề cơ bản nhất để làng nghề Thọ Đơn hướng đến sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mây tre xuất khẩu, có thể phát triển làng nghề một cách hiệu quả và bền vững.

Ông Hoàng Tất Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thọ cho biết: Nghề đan thuyền thúng đang góp phần mở ra hướng đi rất phù hợp với người dân Thọ Đơn vốn yêu nghề, giỏi nghề đan lát. Tuy vậy để phát triển được nghề, phong phú hoá sản phẩm, người dân rất cần được tạo điều kiện vay vốn lãi suất ưu đãi và thời gian vay dài hơn. Lưu giữ và phát triển làng nghề, tạo ra các sản phẩm truyền thống có giá trị hàng hoá cao là một chủ trương lớn nhằm thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp và mở rộng ngành nghề nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân. Vì vậy, để nghề đan lát Thọ Đơn nói riêng và nhiều ngành nghề truyền thống khác trên địa bàn tỉnh phát triển quy mô, tạo được thương hiệu trong thị trường, thì cần phải có sự quan tâm, đầu tư từ nhiều phía.

More