Chi tiết tin - Du khách
Huyền thoại Chùa Ông và sự tích cây Đa
HUYỀN THOẠI CHÙA ÔNG VÀ SỰ TÍCH CÂY ĐA
Làng Động Hải, phường Đồng Hải thuộc thị xã Đồng Hới xưa có một chứng tích gắn liền với lịch sử và tâm linh của người dân. Tại ngã tư giữa hai con đường Huỳnh Côn nối từ đường Quốc lộ 1A về sông Nhật Lệ và đường Quán Thánh chạy song song với Quốc lộ 1A, nối khu Phố Chợ với phường Đồng Đình thời ấy có 4 ngôi chùa là: chùa Kiên Bính, chùa Ông Cán, chùa Thầy Phùng và Chùa Ông.Cụm chùa này rất linh thiêng có ấn tượng sâu sắc đối vời người dân nhất là ngôi Chùa Ông.
Chùa Ông được xây cất bằng gỗ lim, có cửa bàn khoa cổ kính trên một khuôn viên rộng hơn một sào, gồm có 3 gian thờ phụng, hai bên có lầu chuông, lầu trống. Chùa quay mặt hướng Bắc ra đường Huỳnh Côn, sau hòa bình 1954 đổi thành đường Cô Tám, còn đường Quán Thánh thì đổi thành đường Lê Thanh Đồng. Trong khuôn viên chùa có xây hai nhà tăng nối nhau thành hình chữ L để phục vụ cho khi lễ Chùa, có ông Sãi chùa trú ngụ và chăm lo hương khói. Khuôn viên Chùa có la thành bảo vệ kiên cố. Trước mặt Chùa có cổng chính, cổng phụ đều trổ ra đường Huỳnh Côn, nhưng kiến trúc không kiểu cách lắm, đặc biệt có một lư hương trầm cao lớn bốn chân bề thế, nhìn từ ngoài vào giống như con voi. Hai bên lư hương lớn này có hai cây sứ cao to, hương hoa lúc nào cũng toả thơm ngan ngát. Nền sân chùa bằng đất mãi cho đến sau này.
Tháp nước, cây Đa chùa Ông
Trong Chùa Ông có nhiều tượng Phật được thờ theo nhiều bậc từ thấp đến cao rất trang trọng, uy nghiêm. Điều đặc biệt là Chùa thờ vị Quan Vân Trường, thời Tam Quốc (Trung Hoa). Tích xưa nói về ông là vị tướng kết nghĩa anh em với Lưu Bị, Trương Phi trong vườn Đào, nêu gương tình thuỷ chung, nên người mộ đạo Nho hết sức khen ngợi. Theo truyền thuyết: Quan vân Trường sau khi chết được thành Phật, nên cũng được người sùng đạo quý trong, tôn kính. Trong Chùa còn thờ tượng ông Tiêu vẻ gầy gò, da bọc xương, tay đặt trên đầu gối, không có hoa sen. Theo dân gian, đây là tượng cúng trừ ma quái, nên khi ai muốn trừ ma thì phải lễ rước ông Tiêu.
Theo các bậc cao niên kể lai, thị xã Đồng Hởi xưa kia có rất nhiều ngôi chùa, như chùa Minh Hương, chùa Linh Quang, chùa Ông, chùa Hướng Dương, chùa Phật học,... nhưng chùa Ông được các nhà nho, phật tử trong vùng nể trọng và ái mộ nhất, vì nơi đây ngôi chùa gắn liền với sự tích cây đa.
Mặc dầu chiến tranh đã tàn phá thị xã Đồng Hới. Sau chiến tranh, nơi đây không còn dấu tích gì nhiều, chỉ còn những đống gạch vụn. Vậy mà bom đạn không thể xé nát nổi cây đa Chùa Ông, một nhân chứng hiếm hoi để lại trong lòng thành phố Đồng Hới cùng nhiều huyền thoại.
Từ thuở xa xưa, có một Sư Thầy từ phương Bắc đi vào tìm cây thuốc trường sinh. Trải qua ngàn dặm núi non cực nhọc gian truân vẫn chưa toại ý nguyện. Khi qua Hoành Sơn đến địa hạt phủ Tân Bình (Quảng Bình) thì trời vừa tối đành ngủ lại trên núi Ma Cô (Quảng Trạch ngày nay). Đêm Sư nằm mộng thấy có vị thần mách bảo: Cứ niệm Phật mà đi, đến chân núi Thần Đinh, ở đó là đồng cỏ hoang, chỉ có một thứ cây độc nhất đang chờ bậc cao tăng đưa về làm bầu bạn, chứ trần thế không có thuốc trường sinh bất tử.
Sư Thầy tỉnh giấc, niệm Phật và miên man suy nghĩ điềm báo mộng, lòng băn khoăn tự trách ước vọng tham sống của mình mà không nghĩ đến luật sinh tử của trời đất. Sư thầm cảm ơn đức Phật từ bi đã ban phước lành rồi quả quyết lên đường hy vọng. Khi đến chân núi Thần Đinh, quả nhiên Sư thấy một bãi rộng, không một gốc cây nào ngoài cỏ. Sư thầy đặt tay nải, rồi hướng về ngọn núi Thần Đinh niệm Phật. Vừa đúng giờ Ngọ, bỗng nhiên trước mặt Sư Thầy hiện lên một Cây Đa nhỏ xanh tươi. Sư Thầy mừng vui khôn tả, quỳ xuống khấn nguyện cảm ơn Trời Phật, bứng Cây Đa ôm vào lòng rồi trở lại phương Bắc.
Lần này Sư Thầy cũng băn khoăn không biết mình sẽ đi đến đâu, trồng cây đa nơi nào để kết bạn. Một hôm Sư Thầy đi ngang qua một gò đất, ba bề sông nước sình lầy, hoang vu, cư dân chài lưới đến sinh cơ lập nghiệp chỉ lác đác ít nóc nhà ven sông. Xem kỹ hình sông thế núi, thấy đất lành, Sư Thầy bèn trồng cây đa xuống đấy. Dân chúng thấy có cây đa cửa Phật là có thể an cư đời đời.
Về sau, dân chài lưới, người vô gia cư phiêu bạt đều đến đây chọn làm nơi hương khói cầu mong sự che chở an lành. Thế rồi, cư dân ngày càng đông, lập nên làng Động Hải, làng Động Đình. Đến ngày rằm, mồng một người dân đều đến thắp nhang khấn vái cầu mong quanh gốc Cây Đa bên Chùa Ông.
Từ đó người ta gọi Cây Đa linh thiêng mà nhà sư hành đạo đã trồng năm xưa là Cây Đa Chùa Ông. Cây Đa Chùa Ông đến giờ có trên 400 năm tuổi. Ngự bên Chùa Ông từ đầu thế kỷ XIX sau khi Gia Long bình định đất nước.
Cây Đa Chùa Ông rất xanh tốt, gốc bành rộng vững chãi, bốn năm người ôm không xuể, thân có ba nhánh lớn, ngọn cao vút sừng sững gập hai ba lần các cây đa khác. Nhân dân thị xã Đồng Hời thời ấy ai đi xa cũng nhớ về Cây Đa Chùa Ông với bao kỷ niệm êm đềm.
Cây Đa Chùa Ông hiện được bảo tồn trong khuôn viên văn hóa thành phố. Hàng năng vào các dịp lễ hội lớn của phường Hải Đình và thành phố Đồng Hới, nhân dân tụ hội về để thắp hương dâng lễ. Cây Đa Chùa Ông tồn tại như một chứng tích hào hùng của một thị xã thơ mộng tuy bị giặc Mỹ huỷ hoại, nhưng vẫn tồn tại, tươi xanh mãi với thời gian với lòng người Đồng Hới.
Nguồn Quảng Bình - Ẩn tích thời gian - 2009
- Đình làng La Hà
- Hang Minh Cầm - Huyền tích
- Hang Lèn Đại Hòa
- Sở chỉ huy Kho hàng, Kho xăng tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử
- Ngầm Rinh - Một trọng điểm giao thông huyền thoại
- Hang Tám Cô
- Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa
- Địa đạo Văn La
- Nhà thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
- Di tích lịch sử cách mạng Trung Thôn