Quảng Bình "đi tắt đón đầu" trong ngành công nghiệp không khói

Post date: 21/04/2023

Font size : A- A A+

Năm 2023, du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch là 3.900 tỷ đồng. Để đạt được con số này và nâng cao vai trò, vị thế của ngành du lịch, tỉnh Quảng Bình triển khai nhiều cách làm mới trong hoạt động liên kết, hợp tác và quảng bá, xúc tiến đưa lại hiệu quả cao.

Xác định trong thời điểm hiện nay, các nền tảng số chính là "mảnh đất vàng" để ngành du lịch tiếp cận, tập trung khai thác, quảng bá đến với nhiều đối tượng du khách trong và ngoài nước. Tỉnh Quảng Bình đang đi tắt đón đầu trong việc sử dụng nền tảng số để phát triển du lịch. Không phải ngẫu nhiên mà trong chương trình “Tìm kiếm những điểm du lịch mới lạ năm 2022” trên không gian mạng, Quảng Bình là địa phương có nhiều điểm đến nhất được độc giả bình chọn.

Tận dụng ưu thế của việc quảng bá qua mạng, ngành du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ tiếp tục duy trì vị thế thương hiệu du lịch Quảng Bình là một trong những điểm đến được tìm kiếm và lựa chọn nhiều nhất trên trang tìm kiếm của Google (Google search, Youtube), các trang đặt phòng, diễn đàn du lịch (TripAdvisor, Lonely Planet), các tạp chí du lịch…

Phong Nha Kẻ Bàng đang là sự lựa chọn yêu thích trong các dịp nghỉ lễ của nhiều du khách trong nước và quốc tế

Lựa chọn đúng cách tiếp cận, quảng bá nên đầu năm 2023, ngành du lịch Quảng Bình đã có sự phục hồi mạnh mẽ với những con số ấn tượng; gần 650 nghìn lượt khách, gấp 4,45 lần so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,09 lần so với kế hoạch. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 20 nghìn lượt khách, gấp 17,59 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch trong quý I năm 2023 đạt hơn 733 tỷ đồng, gấp 4,37 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách lưu trú trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt gần 300 nghìn lượt khách, gấp 2,12 lần so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú 3 tháng ước đạt hơn 94 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay, không phải ngẫu nhiên mà Quảng Bình lại được đánh giá là một trong 7 tỉnh xếp hạng cao nhất trong Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI). Du lịch Quảng Bình được các tạp chí du lịch uy tín bình chọn, đánh giá là 1 trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam, Phong Nha Kẻ Bàng là tiếp tục một trong 10 vườn quốc gia được yêu thích nhất châu Á và thế giới. Bên cạnh nhiều tour, tuyến nghỉ dưỡng ven biển, hay rừng núi như nhiều địa phương khác có, du lịch Quảng Bình đặc biệt có “Viên kim cương xanh” Phong Nha Kẻ Bàng, Di sản thiên nhiên thế giới mà trong đó có hang động kỳ vĩ của tạo hoá là Sơn Đoòng.

Năm 2022, Sơn Đoòng của Việt Nam đã được Google giới thiệu hình ảnh trên trang chủ đến người dân của 17 quốc gia và vùng lãnh thổ như Vương quốc Anh, Romania, Thuỵ Điển, Hy Lạp, Argentina, Chile, Costa Rica, El Salvador, Hy Lạp, Cộng hòa Guatemala, Mexico, Singapore, Thái Lan, Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ… Và hang Sơn Đoòng cũng đã được CN Traveller vinh danh là 1 trong 7 kỳ quan thế giới năm 2022.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quý - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, ngành du lịch Quảng Bình đang xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, đồng thời nâng cấp, hoàn thiện web site du lịch Quảng Bình bằng tiếng Anh và tiếng Việt để tiếp cận rộng rãi hơn các đối tượng khách hàng tiềm năng. Một trong những chiến lược truyền thông mà du lịch Quảng Bình đã triển khai thành công trong những năm gần đây là liên kết với các đối tác truyền thông quốc tế, có tầm ảnh hưởng, như: Google, Facebook, National Geographic, BBC Nature... để quảng bá du lịch thông qua các bộ phim, bài viết và các chương trình hợp tác, hỗ trợ quảng bá trên các nền tảng số. Các website, nền tảng số của các thị trường trọng điểm hay kênh bán hàng online của các doanh nghiệp du lịch cũng chính là “mảnh đất vàng” để khai thác hiệu quả quảng bá du lịch địa phương.

Bên cạnh chú trọng truyền thông trên các nền tảng số, theo từng nhóm đối tượng khách và khai thác giá trị quảng bá trong hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, tỉnh Quảng Bình đang định hướng phát triển du lịch bền vững bằng cách đặt người dân với vai trò chủ thể của phát triển du lịch.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quý - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, với mỗi đối tượng khách, ngành du lịch sẽ có những chương trình kích cầu, quảng bá riêng. Đối với nhóm khách ngoại tỉnh, ngành du lịch sẽ tập trung giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Quảng Bình theo các chủ đề: Trải nghiệm, khám phá thiên nhiên; thiên đường thể thao, nghỉ dưỡng; nơi giao thoa và tiếp biến văn hóa; du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng. Mỗi chủ đề sẽ có những chương trình quảng bá gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Với khách du lịch nội tỉnh, triển khai chương trình “Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình”, ngành du lịch tiếp tục vận động các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ưu đãi giảm giá các dịch vụ cho người Quảng Bình (là người có hộ khẩu, chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân tại Quảng Bình); ưu đãi cho đoàn của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị trong tỉnh đi tham quan có lưu trú trên địa bàn tỉnh…

Từ việc xác định người dân là chủ thể của phát triển du lịch, Quảng Bình đang xây dựng đa dạng các loại hình, các sản phẩm du lịch như du lịch mạo hiểm, khám phá hang động, du lịch trải nghiệm thiên nhiên, du lịch sinh thái, khám phá văn hóa tộc người… các sản phẩm du lịch được giao cho các cộng đồng làng quê, các đơn vị, người dân đứng ra xây dựng, tổ chức kinh doanh du lịch.

Nhiều sản phẩm du lịch mới được người dân bản địa tổ chức thành công như; “Wake up in Phong Nha”, “Sunset in Phong Nha”, du khách sẽ được trải nghiệm chạy bộ, đạp xe đạp, đi thuyền quanh các làng quê, làng nghề khu vực Phong Nha, các hoạt động thể thao, giải trí dưới nước tại sông Chày và sông Son. Các cơ sở lưu trú có không gian gần gũi thiên nhiên, các điểm du lịch sinh thái, bãi biển hoang sơ cùng ẩm thực độc đáo tại Phong Nha và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang thu hút đặc biệt đối với khách du lịch ngoại tỉnh.

Trong số hơn 40 sản phẩm du lịch mà Quảng Bình đang khai thác, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Trong đó, tiêu biểu có các sản phẩm, như: Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru - Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; khám phá Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời; trải nghiệm du lịch tại bản Rum Ho; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại xã Thượng Hóa (Minh Hóa)…

Việc phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng sẽ góp phần đa dạng, bổ sung dịch vụ cho các sản phẩm du lịch trên địa bàn; đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng còn khó khăn nhưng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Theo https://cand.com.vn/

More