Đừng coi thường cây chổi đót!

Post date: 17/04/2008

Font size : A- A A+
Thôn Phúc Duệ (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) là vùng sản xuất nông nghiệp với đặc điểm ruộng một vụ hết sức bấp bênh, lương thực thu hoạch được chỉ đủ dùng trong 4- 5 tháng, nhân dân hầu như không có nghề phụ nào ngoài việc lên rừng hái củi. HTX khai thác và sản xuất mây đót Vĩnh Phúc ra đời đã mở ra một hướng đi mới cho người dân Phúc Duệ vươn lên thoát nghèo.

Sau một thời gian dài vận động, giải thích, vợ chồng anh chị Đặng Xuân Khiển- Võ Thị Uyên mới kêu gọi được 9 hộ gia đình trong xã tham gia góp vốn thu mua mây và làm chổi đót. HTX khai thác và sản xuất mây đót Vĩnh Phúc ra đời vào tháng 7/2007 trong sự băn khoăn của các xã viên. Người dân thôn Phúc Duệ trước đây ít người biết nghề làm đót và không mấy ai tin vào hiệu quả kinh tế của nghề này.

Gia đình anh Khiển đã có nghề làm chổi đót trên 20 năm nay. Ban đầu, gia đình anh chỉ sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu trong gia đình và các thôn lân cận. Đơn đặt hàng ngày càng nhiều, vợ chồng anh bàn nhau chia sẻ công việc cho bà con lối xóm cùng làm. Nhờ vậy, nghề đót dần phát triển ở thôn Phúc Duệ và trở thành một nghề phụ mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân. Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây đót cũng được mở rộng. Những cây chổi đót do người dân thôn Phúc Duệ làm ra đã đi đến nhiều nơi, từ Đồng Hới vào tận Đông Hà, Quảng Trị. Từ đó, anh Đặng Xuân Khiển đứng ra tìm nguồn đót nguyên liệu và thị trường tiêu thụ thành phẩm cho bà con. Ý tưởng về một tổ hợp sản xuất được hình thành. Anh mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất và kêu gọi bà con cùng góp vốn xây dựng HTX khai thác và sản xuất mây đót Vĩnh Phúc. Ông Hà Văn Chút, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Ninh, cho biết: "HTX thành lập mở ra một nghề phụ giúp nhân dân cải thiện kinh tế. Đây cũng là vấn đề mà xã đã trăn trở từ lâu."

Nhờ có một kế hoạch kinh doanh đúng đắn và đầu óc nhạy bén của chủ nhiệm Đặng Xuân Khiển, chỉ sau mấy tháng thành lập, HTX khai thác và sản xuất mây đót Vĩnh Phúc đã khẳng định hiệu quả kinh tế của nghề làm đót. Trong 5 tháng cuối năm 2007, HTX đã mua trên 8 tấn đót nguyên liệu để cung ứng cho xã viên sản xuất 16 nghìn cây chổi đót xuất ra thị trường. Một cây chổi xuất ra thị trường với giá 10 nghìn đồng, trừ các chi phí, HTX thu lợi nhuận 2- 3 nghìn đồng. Doanh thu của HTX trong 5 tháng cuối năm 2007 đạt gần 150 triệu đồng, lãi ròng trên 30 triệu đồng. Anh Khiển cho biết, đót nguyên liệu được mua nhỏ lẻ từ các vùng miền núi trong tỉnh. Lúc cao điểm cần nhiều nguyên liệu để làm chổi, anh Khiển phải vào tận cửa khẩu Lao Bảo để mua đót khô. Đầu năm 2008, HTX khai thác và sản xuất mây đót Vĩnh Phúc đã nhập 10 tấn đót khô sẵn sàng cung ứng cho xã viên.

Hiện HTX khai thác và sản xuất mây đót Vĩnh Phúc đã ký hợp đồng với HTX mây tre An Khê (Đà Nẵng) để phát triển thêm nghề làm mành mắt cáo. Một lớp học nghề đót đã được Ban quản trị HTX triển khai trong hai tháng cuối năm 2007 với 35 học viên. Thêm hai lớp học nghề mành mắt cáo sẽ được tổ chức. Nghề làm mành mắt cáo phải học 3- 4 tháng nhưng thu nhập hàng tháng có thể gấp đôi so với nghề làm đót. HTX đã chuẩn bị 15 khung máy thủ công phục vụ cho việc học làm mành của xã viên.

Đầu năm 2008, HTX đã thu nhận thêm 6 xã viên. Hy vọng từ kế hoạch kinh doanh của Ban quản trị, bà con xã viên HTX khai thác và sản xuất mây đót Vĩnh Phúc nói riêng và nguời dân thôn Phúc Duệ nói chung sẽ tìm thấy hướng đi mới trong việc phát triển ngành nghề phụ để thoát nghèo.

Theo: Báo Kinh tế Hợp tác Việt Nam

More