Mấy trăm năm "lửa nghề" vẫn cháy!

Post date: 15/10/2014

Font size : A- A A+
Làng Thọ Đơn (phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan lát truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, nghề của làng vẫn được duy trì, phát triển, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Từ đời này qua đời khác, bao thế hệ người Thọ Đơn vẫn luôn nuôi giữ niềm tự hào với nghề truyền thống của quê hương. 

Nhộn nhịp làng nghề

Về Thọ Đơn những ngày này mới thấy hết không khí rộn ràng của làng nghề. Đi từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng bắt gặp cảnh tượng người người quây quần bên hiên nhà đan lát. Từ những nan tre, thanh nứa rất đỗi gần gũi qua đôi bàn tay chai sần vì cầm cuốc, cầm cày, quanh năm quen việc đồng áng của người dân nơi đây đã cho ra đời những sản phẩm hữu ích, phục vụ cho đời sống không chỉ của người dân địa phương mà còn nhiều vùng lân cận trong tỉnh và cả các tỉnh, thành khác.

Theo những cụ cao niên trong làng, đan lát xuất hiện ở Thọ Đơn gần 400 năm nay. Người dân biết đến cái nghề đan lát này là do ông bà, cha mẹ đi trước truyền lại. Thuở xưa, nhà nào cũng đan lát để bán kiếm tiền mua mắm, mua muối hoặc để làm đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.

Có dịp về Thọ Đơn, tận mắt chứng kiến những người thợ nơi đây vót tre, đan lát mới thấy hết sự kỳ công, tỉ mỉ của công việc này. Để tạo ra một sản phẩm bền, đẹp đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo và tính nhẫn nại của người thợ đan. Đầu tiên là khâu lựa chọn nguyên liệu, người làm phải tìm chọn những cây tre, nứa thân to, thẳng, ít mắt đốn về cưa ra thành những khúc dài bằng nhau.
Tiếp đó là chẻ thành những sợi nan và vành nhỏ có độ dày mỏng vừa phải rồi phơi khô. Khi nan và vành đã khô lấy vào vót phẳng và đan chúng lại thành mành rồi tiến hành nứt, lận. Tuy nhiên, đó chỉ là các bước để hoàn thành sản phẩm, còn để sản phẩm có độ thẩm mỹ cao và sử dụng lâu dài thì còn phải dựa vào sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ, có kỹ thuật chẻ nan với độ dày vừa phải, biết lựa chọn từng chiếc nan dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng thì lúc đan mới đều và đẹp.

Trước đây, sản phẩm của Thọ Đơn chủ yếu là các vật dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày như thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng, rổ, rá... Hiện nay, nắm bắt nhu cầu thị trường, người dân làng nghề đã tích cực cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng, đồng thời tạo ra thêm một loại sản phẩm phục vụ ngư nghiệp, cung cấp cho các làng biển trong và ngoài tỉnh, đó là thuyền thúng.

Chị Nguyễn Thị Tình, người chuyên làm thuyền thúng ở Thọ Đơn chia sẻ: “Với 2 lao động lành nghề, thì chỉ mất 2 ngày có thể làm xong 1 chiếc thuyền thúng. Nếu bán ở dạng thô, mỗi chiếc có giá khoảng 1,5 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 1 triệu đồng. Mỗi tháng gia đình tôi có thể làm được 15 chiếc thuyền thúng, thu lãi trên 10 triệu đồng.

Nếu vào mùa vụ, bận công việc đồng áng, thì số lượng thuyền đan được khoảng 10 chiếc/tháng. Kinh tế gia đình nhờ đó mà được cải thiện đáng kể”. Với tay nghề cao, sản phẩm của gia đình chị Tình cũng như bà con trong làng làm ra đều bán rất chạy cho ngư dân ở các làng biển trong và ngoài tỉnh, được khách hàng tín nhiệm.

Hiện nay, ở Thọ Đơn có khoảng 500/720 hộ, với trên 3.000 lao động làm nghề đan lát. Vốn không "kén" thợ nên từ đàn ông, phụ nữ, thanh niên hay người già cho đến trẻ nhỏ đều có thể thành thạo công việc đan lát. Cứ hễ rời tay cày, tay cuốc, tay bút là họ lại quây quần đan lát. Gắn bó từ bao đời với thanh tre, thanh nứa, bằng tình yêu với nghề truyền thống nên dường như đan lát đã không "phụ lòng" những người dân quê nghèo. Nhiều hộ gia đình nhờ giỏi nghề, chuyên cần mà đã vượt lên đói nghèo, nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng.

Ông Trần Văn Liếp 65 tuổi, thợ đan lát lâu năm của làng tâm sự: "Tôi làm nghề gần 50 năm nay. Cả bốn người con của tôi cũng đều gắn bó cuộc đời với công việc này. Tuy không phải giàu có, nhưng nhờ đan lát mà gia đình tôi vượt qua biết bao bĩ cực, nghèo khó, con cái đều được ăn học nên người. Không có nghề ông cha để lại không biết gia đình tôi sẽ xoay xở ra sao khi con đông, ruộng ít, không nghề nghiệp ổn định".

Cần hướng đi bền vững hơn

Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, nghề đan lát ở Thọ Đơn vẫn được duy trì, phát triển cho đến ngày hôm nay, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương những lúc nông nhàn, rảnh rỗi, giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.


Nghề đan thuyền thúng giúp nhiều hộ gia đình ở Thọ Đơn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nghề đan lát Thọ Đơn vẫn rất cần vạch định kế sách, hướng đi phù hợp, lâu dài, bởi hiện tại, nghề của làng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn đầu tiên đó chính là vấn đề nguyên liệu. Nếu như trước đây nguyên liệu khá dồi dào vì trong làng hầu như nhà nào cũng trồng tre, thì hiện nay việc tìm nguyên liệu không phải là chuyện dễ, nhiều người phải đi mua ở các làng, các huyện khác, do đó giá nguyên liệu ngày một tăng.

Một khó khăn nữa mà Thọ Đơn cũng như nhiều làng nghề khác ở tỉnh ta đang gặp phải, đó chính là vấn đề quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hiện tại, với hơn 10 đầu mối thu mua sản phẩm xuất đi một số tỉnh, thành trong cả nước, đan lát Thọ Đơn đã đỡ "lúng túng" hơn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ so với trước đây.

Tuy nhiên, sản phẩm của làng nghề vẫn chưa thực sự tạo được dấu ấn riêng trên thị trường do khâu quảng bá chưa được chú trọng. Kéo theo đó, sức cạnh tranh với sản phẩm của các làng nghề khác yếu, giá thành sản phẩm bị hạ thấp hơn. Hơn thế nữa, trong những năm trở lại đây, các mặt hàng rổ, rá nhựa bắt mắt, đa chủng loại xuất hiện tràn lan trên thị trường nên các mặt hàng thủ công không còn được ưa chuộng như trước.

Điều này lý giải vì sao nghề đan lát ở Thọ Đơn có nhiều lúc bị cầm chừng, sản phẩm tiêu thụ khó. Sản phẩm thuyền thúng của làng mặc dù có ưu điểm thu lãi cao gấp nhiều lần so với các mặt hàng rổ, rá, thúng, mủng... nhưng chi phí lại cao, cần nhiều vốn nên chỉ những hộ gia đình có điều kiện mới làm.

Do đó, để phát triển được nghề, phong phú hóa sản phẩm, người làm nghề ở Thọ Đơn rất cần tạo điều kiện để vay vốn với lãi suất ưu đãi và thời gian vay dài hơn. Hay nói cách khác, với đan lát Thọ Đơn nói riêng và nhiều ngành nghề truyền thống khác trên địa bàn tỉnh ta nói chung thì điều kiện cần để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường chính là sự quan tâm, đầu tư từ nhiều phía.

Theo Báo Quảng Bình 

More