Đình làng La Hà

Post date: 18/09/2014

Font size : A- A A+

ĐÌNH LÀNG LA HÀ

Đình làng La Hà thuộc thôn La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch. Đình được xây dựng trên một khu đất cao ở phía tây nam của làng, đình hướng về núi Hòn Vắp, trước mặt là hói Đình nối nguồn Nậy và nguồn Son.

Xã Quảng Văn nằm ở ngã ba sông, nơi có ba nguồn nhập lại trước khi đổ ra biển, đó là sông Son, nguồn Nậy và nguồn Nan. Làng La Hà, xã Quảng Văn là mảnh đất bãi nổi, nghèo khó, nhưng có một truyền thống học hành khoa bảng ít nơi nào sánh kịp.Làng đã được liệt vào một trong tám bức tranh văn vật của Quảng Bình: “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim”. Trong nhân gian đã truyền tụng: “Khi nào hết cát Mỹ Hòa, sông Gianh hết nước, La Hà hết quan”. Cồn nổi La Hà như một cái “Nghiên mực”, các cồn nổi xung quanh như cồn Bông, cồn Nổi, cồn Giáp Tam là ba ngọn bút chầu vào. Do vậy, người đời gọi  là đất “Tam bút Châu nghiên”. Trong triều Nguyễn, làng La Hà đứng đầu khoa bảng của tỉnh Quảng Bình. Thời Tự Đức năm thứ 4 (1851), trong khoa thi hội Tân Hợi, cả tỉnh chỉ có ba vị tiến sĩ thì huyện Quảng Trạch chiếm cả ba, trong đó làng La Hà chiếm hai vị mà hai vị ấy lại là hai thầy trò cùng thi với nhau một lần, đây là một điều xưa nay hiếm có. Trong các kỳ thi hương (từ năm Quý Dậu 1813 đến năm Mậu Ngọ 1918, có người Quảng Bình tham dự), có 270 vị đỗ cử nhân thì huyện Quảng Trạch có 113 vị, riêng làng La Hà có tới 32 vị, chiếm số lượng nhiều nhất so với các địa phương trong Huyện. Việc học ở làng La Hà đã trở thành truyền thống. Người ta thi đua lẫn nhau trong dòng họ, giữa các dòng họ để học tập, sự nghèo đói đều không làm nản chí, chùn bước các Nho sĩ trọng học hành. Do có nhiều dòng họ học hành, thi cử đỗ đạt và nhớ công ơn tiên tổ đã có công khai cơ lập làng, những vị học hành đại khoa, làng đã xây dựng các công trình như đình làng, đền, miếu, nhà thờ họ để thờ tự.

Đình làng La Hà được xây dựng vào năm 1859, do con cháu năm dòng họ trong làng, đó là họ Mai, họ Phạm, họ Trần (Côi), Trần (Dưới) và họ Tạ góp công, góp của tạo dựng. Đình có khuôn viên rộng 2000m2, trước mặt là nơi giao hội của các nhánh sông Son, sông Nan và các nhánh sông nhỏ. Ngày xưa, các cụ gọi là hướng “Long hồi hổ phục”. Trước cửa đình có một dòng nước hồi chảy ngược theo hướng đông tây về tụ lai đầu thôn. Hòn Vắp phía trước đình như một con hổ đang nằm phủ phục nhìn về làng.

Đình làng lúc đầu chỉ làm đơn giản bằng tranh tre. Đến năm 1904, cụ Trần Văn Thống (cụ Thượng Thống) kêu gọi con cháu đóng góp tiền của dựng lại đình kiên cố và bề thế. Đình làng La Hà ngày xưa từng nổi tiếng khắp vùng về quy mô cũng như kỹ thuật bài trí và chạm khắc. Đình có năm gian, trong đó có ba gian chính và hai hồi. Cột đình toàn gỗ lim, có cột cao tới 14 thước tây. Ba gian giữa là ba vì chỉnh từ xuyên, xà, kèo đều uốn lượn và chạm trổ công phu. Hai vài chái có hai bộ sập, mỗi bộ năm lá dài bằng chiều rộng của đình để dân làng hội họp. Gian giữa là nơi thờ tự uy nghiêm. Từ ngoài nhìn vào, hai con hạc to lớn đứng trên hai con rùa chầu. Hai bên là hai hàng khí giới và bút lông tượng trưng cho quan văn và quan võ... Cổng đình là hai trụ biểu cao 10m, bốn phía có ốp sứ hoa văn hoặc thủy tinh với nhiều màu sắc tạo thành những con rồng uốn lượn trong mây. Trên đỉnh cột 1à hai con nghê chầu hai bên. Đình làng La Hà là nơi thờ tự những vị thần tổ đã có công khai khẩn và lập nên làng, cũng là nơi lưu giữ thành quả về học vấn khoa bảng của các thế hệ con cháu trong các dòng họ của làng. Mỗi lần có người thi cử đỗ đạt là dân làng lại tổ chức rước về đình mổ bò, mổ lợn ăn mừng. Do có nhiều người đổ đạt, làng cho xây thêm khu văn miếu để thờ tự sáu vị tiến sĩ và phó bảng đã từng đỗ đạt qua các kỳ thi trong triều Nguyễn. Có người làm quan đến chức Thượng thư như Trần Văn Chuẩn đổ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 5 (1861), làm Thượng thư Bộ Công, kiêm phó Khâm sai Đại thần. Trần Văn Thống làm Thượng thư Bộ Công, đổ Tiến sĩ khoa Tân Sửu, Thành Thái 13 (1901). Tạ Hàm, đổ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, Thành Thái thứ 4 (1892), làm Tham biện Nội các triều đình, từng làm Thái sư dạy vua Duy Tân. Đặc biệt, ngày 6/6/1906, Tạ Hàm thay mặt Nội các triều đình nhà Nguyễn ký quyết định bổ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào làm quan Kiểm thảo Viện Hàn lâm tại Huế (Hồ Chí Minh thời niên thiếu-NXB Nghệ An, năm 2000, trang 61).

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình La Hà được sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí lương thực, nơi tập hợp lực lượng dân quân du kích chống Pháp. Năm 1947 đến đầu năm 1950, giặc Pháp đã mở 5 đợt càn quét lớn lên làng La Hà. Đình được sử dụng làm trung tâm căn cứ chỉ huy đánh trả các trận càn của dân quân du kích. La Hà là một trong những làng chiến đấu nổi tiếng: “Cự Nẫm anh hùng, Cảnh Dương anh dũng, La Hà chiến thắng”. La Hà rào làng chiến đấu, bắn cháy nhiều ca nô, diệt nhiều quân giặc, bảo vệ xóm làng. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đình làng, hói Đình là nơi cất giấu đồng thời là nơi trú ẩn của tàu thuyền ca nô vận chuyển lương thực, thực phẩm lên các bến trung chuyển, Bến Mới, khương Hà, Bố Trạch để chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều lần làng, đình làng bị bom đạn giặc Mỹ cày xới nhưng dân làng, đình làng vẫn kiên trung cùng mảnh đất làng đảo, nhường cơm sẻ áo cứu thương binh, hàng hóa, nhiều người được tuyên dương; Đặc biệt Võ Xuân Khuể, người con dũng cảm lái ca nô ở bến phà Gianh của làng La Hà được tuyên dương Anh hùng.

Năm 1967, đình làng bị máy bay Mỹ đánh sập. Sau đó đình được tháo dỡ để làm trường học, làm hầm phục vụ cho cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chỉ còn lại đình Hậu.

Trải qua biết bao thăng trầm biến động, đình làng gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của làng đảo La Hà, bên cạnh việc học hành đã trở thành truyền thống của các thế hệ, ngày nay La Hà còn lưu giữ làng nghề, là quê hương của nón lá, mặt mây xuất khẩu, mây La Hà có mặt cả trên thị trường quốc tế. Trong tâm thức của mỗi người dân La Hà dù đi đâu về đâu vẫn nhớ về ngôi đình, cây đa bến nước giếng làng, tự hào về mảnh đất với truyền thống học hành khoa bảng, tự hào là một làng quê trong bát danh hương của Quảng Bình. Ngày nay, đình được phục hồi, tôn tạo, soi bóng bên dòng Gianh, là địa chỉ du lịch tham quan đầy thú vị, mỗi khi ta đến với Quảng Bình.

Nguồn Quảng Bình - Ẩn tích thời gian - 2009

More