Chi tiết tin - Du khách
Thị xã Ba Đồn bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù
(Quang Binh Poratl) - Năm 2009, ca trù đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản phi vật thể cần được bảo vệ. Đây là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, đậm chất dân gian nhưng lại kén người nghe, người truyền dạy nên có một thời gian dài đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Để bảo tồn và gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này, thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã nỗ lực khôi phục, phát triển ca trù.
Được du nhập từ hàng trăm năm trước, do những nghệ nhân, nông dân miền Bắc vào khai khẩn đất đai, ca trù đã bén rễ và trở thành nếp sinh hoạt độc đáo của người dân vùng Bắc Quảng Bình. Sau khi chia tách từ huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn tiếp tục có những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy ca trù, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần gìn giữ bản sắc quê hương. Hiện tại, thị xã có 04 Câu lạc bộ (CLB) ca trù phát triển khá mạnh ở các xã, phường gồm: Quảng Trung, Quảng Minh, Quảng Phong, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (VH-TT&TT) thị xã.
Xã Quảng Trung là nơi người dân còn gìn giữ nhiều làn điệu ca trù cổ, là một trong những địa phương thành lập được CLB Ca trù đầu tiên của tỉnh. CLB này đã nhiều lần tham gia liên hoan các CLB ca trù và đều tạo được ấn tượng trong lòng người xem, được Ban Tổ chức đánh giá cao.
CLB ca trù Quảng Trung hăng say luyện tập
Ông Nguyễn Trung Hải, Chủ nhiệm CLB ca trù Quảng Trung, thị xã Ba Đồn cho biết: Câu lạc bộ Ca trù thôn Trung thôn , xã Quảng Trung được thành lập cách đây 25 năm, hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì và bảo tồn Di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận. Đây là làn điệu tuy rất kén người nhưng Trung Thôn chúng tôi qua nhiều thế hệ từ nghệ nhân Lê Thị Liệu truyền đạt cho các thế hệ sau này, hiện nay, chúng tôi cũng tiếp tục truyền dạy lại cho thế hệ các cháu duy trì các làn điệu ca trù. Mong rằng các cấp quan tâm đặc biệt, lưu ý đến bộ môn ca trù này.
Xã Quảng Minh và phường Quảng Phong cũng được xem là nơi ca trù “bén rễ”, song có một thời gian dài bị lãng quên. Và chính những nghệ nhân làng, những người nặng lòng với di sản ông cha để lại đã sưu tầm, truyền dạy, thành lập CLB Ca trù, trở thành nòng cốt trong phong trào văn hóa - văn nghệ ở địa phương. Để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian ca trù, các thành viên CLB Ca trù thị xã đang tiếp tục truyền đạt những kỹ năng, kinh nghiệm hát ca trù cho thế hệ trẻ trong làng.
Bà Hồ Thị Hởn - thành viên CLB Ca trù xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn tâm sự: Tôi được tham gia biểu diễn ca trù thời gian khá dài, cách đây 55 năm. Ở địa phương cũng quan tâm đến Ca trù nên chị em chúng tôi cũng hăng say luyện tập và đã thành lập được CLB Ca trù. Mỗi lần có lễ hội gì trong xã chúng tôi được tham gia biểu diễn. Được cấp trên quan tâm nên chúng tôi cũng rất phấn khởi và chúng tôi mong muốn tiếp tục được quan tâm nhiều hơn, hàng năm được đi tập huấn, học hỏi thêm các làn điệu, một số tiết mục mới để làn điệu Ca trù thêm phong phú.
CLB Ca trù hoạt động mạnh nhất hiện nay ở thị xã Ba Đồn là CLB Ca trù Linh Giang trực thuộc Trung tâm VH-TT&TT thị xã với 12 thành viên được tuyển chọn từ cơ sở, các trường học và viên chức của Trung tâm VH-TT&TT thị xã. Điểm nổi bật của CLB này là đa số thành viên đều có tuổi đời trẻ, một số người được đào tạo bài bản tại các trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Ngoài biểu diễn phục vụ các sự kiện văn hóa do tỉnh, thị xã tổ chức, CLB Ca trù Linh Giang còn tham gia truyền dạy ca trù và các làn điệu dân ca cho các CLB xã, phường, đội ngũ giáo viên dạy nhạc ở các trường học. CLB Ca trù Linh Giang đã có sự đầu tư thời gian, công sức, tâm huyết với nghệ thuật, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và trao truyền để ca trù tồn tại, phát triển theo thời gian.
Các câu lạc bộ ca trù thường xuyên luyện tập các làn điệu mới
Ca nương Phạm Thị Tuyết - Chủ nhiệm CLB Ca Trù Linh Giang, thị xã Ba Đồn chia sẻ: Trong CLB Ca trù của chúng tôi duy trì những lớp trẻ để đào tạo vì Ca trù là bộ môn truyền miệng nên CLB chúng tôi được tập huấn hàng năm, được tham gia biểu diễn. Khó khăn hiện nay của CLB đó là thiếu con người, thiếu kép đèn, trống chầu, muốn đào tạo thêm những người trẻ học bộ môn ca trù cần sự quan tâm nhiều hơn của các cấp chính quyền để động viên tinh thần cho những người yêu thích Ca trù. Muốn gìn giữ được Ca trù thì phải truyền dạy được cho những người trẻ yêu thích bộ môn này.
Sở dĩ ca trù ở thị xã Ba Đồn được khôi phục và phát triển, ngoài sự nỗ lực của các nghệ nhân còn có sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của thị xã. Trong các liên hoan ca trù do tỉnh tổ chức, thị xã đều hỗ trợ kinh phí để 04 CLB trên địa bàn tham gia. Năm 2017, từ nguồn kinh phí thị xã cấp, các CLB Ca trù trên địa bàn thị xã đã được mua sắm trang phục, đạo cụ như đàn đáy, trống chầu… Đặc biệt, qua các đợt tập huấn ca trù do Sở VH-TT tổ chức tại các huyện, thị xã, thành phố, các đào, kép (người hát và người đàn) được tiếp thu nhiều bài học quý từ những nghệ nhân nổi tiếng ở Hà Nội truyền dạy.
Câu lạc bộ ca trù Quảng Minh luyện tập các làn điệu trước khi biểu diễn
Ông Ngô Quốc Cường - Phó giám đốc Trung tâm VH-TT&TT, thị xã Ba Đồn cho biết: Sau khi thành lập 04 CLB Ca trù, thị xã Ba Đồn đã từng bước bảo tồn, phát triển bằng các hình thức như mời các nghệ nhân ở Hà Nội và nghệ nhân tỉnh Quảng Bình cùng với các nghệ nhân của thị xã Ba Đồn tập huấn, dạy dỗ lại cho các thế hệ sau để tiếp nối, bảo tồn làn điệu ca trù. Để bảo tồn và phát huy làn điệu ca trù cần có sự vào cuộc của toàn dân, của toàn xã hội để ca trù còn mãi với thời gian.
Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động truyền dạy và biểu diễn ca trù của các CLB ca trù trên địa bàn thị xã Ba Đồn bị gián đoạn. Tuy nhiên, nghệ nhân hát ca trù của thị xã vẫn nâng niu, gìn giữ được các giá trị văn hóa của làng quê để ca trù sẽ còn mãi với thời gian.
CTV - Lệ Hằng (Trung tâm VH-TT&TT thị xã Ba Đồn)
- Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể (12/12/2022)
- Bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa (22/11/2022)
- Nét đặc thù văn hóa chợ Quảng Bình (31/10/2022)
- Để cơm mới thơm bản làng (31/10/2022)
- Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng (31/10/2022)
- Phê duyệt Dự án Bảo tồn và phát huy Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma coong (25/10/2022)
- "Đồng Hới-Điểm hẹn mùa hè" (05/05/2022)
- Sôi nổi lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ năm 2022 (06/10/2022)
- Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son thành công tốt đẹp (05/05/2022)
- Lễ hội cù phường Đồng Phú, nét văn hóa đặc sắc (27/04/2022)