Để cơm mới thơm bản làng

Post date: 31/10/2022

Font size : A- A A+

Một ngày đẹp trời giữa tháng 10, chúng tôi lên với bản Khe Giữa thuộc xã miền núi rẻo cao Ngân Thủy (Lệ Thủy) để dự lễ hội mừng cơm mới của bà con với nhiều háo hức, xúc cảm.

Phần lễ diễn ra ấm cúng, linh thiêng. Giữa sân vận động trước nhà văn hóa bản, mặt sân nền cỏ mềm mượt bằng phẳng được trải chiếu hoa chạy dọc, tượng trưng cho con đường đi đến lễ của thần lúa và các vị thần. Cây xà nơn (cây nêu) được đan bằng sợi lạt đương mỏng, cao 3m mang dáng hình cây rừng-cây gỗ táu (mà theo dân gian cây gỗ táu sống lâu được nghìn năm), có 5 cành tỏa về 5 hướng tượng trưng: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
 
Trên 5 cành của cây xà nơn được gắn rất nhiều các hình tượng: Cây lúa, bông lúa, lá rừng, con ve, con cá, trống hội, chiêng, con đò… và các vật dụng thân thiết với đồng bào hàng ngày. Cây xà nơn này được 6 vị cao niên của bản cặm cụi chế tác trong 7 ngày liền.
 
Dưới cây xà nơn là bàn thờ bày biện lễ vật, gồm: Đầu dê sống (thế cho đầu trâu), đầu heo, xôi gà, cơm mới, các loại bánh làm từ gạo mới, nhiều đĩa thức ăn mặn… Bên dưới và xung quanh bàn thờ đặt các vật dụng gắn bó hàng ngày với dân bản, như: Trống hội, chiêng, các dụng cụ để đựng đồ mang trên người…
 
Phía sau cây xà nơn và bàn thờ, cách mấy trăm mét là động lèn Khe Giữa cao vút tầng mây mà dân bản thường gọi là Động Lèn 25, nơi có các thần linh trú ngụ luôn phù hộ độ trì cho dân bản. Cảnh sắc ấy nghiêng soi làm cho không gian lễ hội thêm linh thiêng.

Đồng bào Bru-Vân Kiều đi vòng quanh cây xà nơn và bàn lễ 5 vòng thể hiện sự đoàn kết cộng đồng.

Khi lễ vật được bày biện đầy đủ theo tầng lớp, hương được đốt cắm, rượu được châm, già làng Hồ Tình, 86 tuổi chủ lễ và phó già làng Hồ Hòa, 67 tuổi, cùng các cụ cao tuổi ngồi ngay ngắn trên chiếu hoa, nghiêm cẩn cúi đầu hướng về bàn lễ.

Già làng đọc lời khấn, có ý nghĩa rằng: Hôm nay, ngày đẹp trời, bản làng xin phép làm lễ mừng cơm mới. Xin các thần linh, thần lúa đến chứng giám. Lễ chay, lễ mặn dọn bày tươm tất, xin mời thụ hưởng. Xin thần lúa và các thần thấu cho lời dân bản: Cầu bông lúa con vừa bằng vòi hái/ bông lúa cái vừa bằng đuôi trâu… Xin các thần ban cho dân bản an vui, may mắn… và chủ lễ tạ 4 lễ (4 vái). Kế đến già làng thực hiện nghi lễ xin keo với hàm ý: Nghi lễ được tốt hay chưa được tốt, xin các thần, cho già làng biết.

Ngay sau đó, 30 đồng bào nam, nữ (đã chọn trước) đi quanh cây xà nơn và bàn lễ 5 vòng theo nhịp trống, chiêng rộn ràng thể hiện sức mạnh sự đoàn kết cộng đồng. Kết lại phần lễ, các khách quý, đại diện địa phương cùng ban lễ hội được mời đến quây quần bên 2 vò rượu cần màu da lươn, đặt trên 5 chiếc chiếu hoa rộng để thay nhau vít cần rượu, thưởng thức hương thơm từ lá rừng, gạo mới, trấu mới (vỏ hạt thóc) rất tươi vui.
 
Đến phần hội, mọi người đều hướng ánh mắt và cổ vũ các trò chơi kéo co, đẩy gậy và các trò hát múa, diễn xướng qua làn điệu Ta-oái và Xà-nớt; lời ca bay lên trên nền nhạc kèn hội có câu: Con chim nhớ cây rừng nên chim không hót/ Anh xa em nên sáo thổi không kêu (nam)/ Em ngủ nhà sàn em luôn nằm sấp/ Để trộm nhìn anh rón rén dưới hè (nữ)…
 
Trên một dãy bàn dài bằng tre, nứa mới thiết kế, thức ăn sản vật từ rừng, rượu gạo trong veo được bày đặt trên mâm lá chuối xanh non. Chủ khách, mọi người cùng cụng ly, vừa ăn nhón (bắt bằng tay), vừa trò chuyện chan hòa như anh em chung một nhà.

Theo Báo Quảng Bình

More