Chuyện ở làng mê diễn tuồng và hát dân ca

Post date: 24/05/2010

Font size : A- A A+
Nằm về phía Tây chân đèo Lý Hòa, làng Đông Duyệt 1, xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch hiện có 70 hộ, với khoảng 400 nhân khẩu. Điều làm chúng tôi thấy thú vị là trên mảnh đất thuần nông nghèo này, từ cụ già cho tới trẻ nhỏ gần như ai cũng mê hát tuồng và thông thuộc rất nhiều làn điệu dân ca.

Không những họ mê hát mà hát rất hay, chơi các nhạc cụ dân tộc rất bài bản và khá chuyên nghiệp. Bằng chứng rõ nhất là qua nhiều hội thi, liên hoan từ cấp huyện đến tỉnh, Câu lạc bộ Dân ca thôn Đông Duyệt 1 luôn đạt giải cao…

Đi tìm “gốc tích” hát tuồng và các làn điệu dân ca ở làng Đông Duyệt 1…

Hay tin làng Đông Duyệt 1 có rất nhiều người biết hát tuồng và các làn điệu dân ca, chúng tôi đã đến địa phương này để tìm hiểu. Trong xu thế xã hội có rất nhiều luồng văn hoá được du nhập thì việc thôn Đông Duyệt 1 hiện còn giữ gìn được nét văn hoá hát tuồng và biểu diễn các làn điệu dân ca là rất đáng ghi nhận, biểu dương.

Mãi cho đến thời điểm này, nhiều vị cao niên trong thôn Đông Duyệt 1, xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch vẫn không thể nhớ rõ gốc tích của việc hát tuồng cổ và các làn điệu dân ca du nhập vào địa phương họ từ thời điểm nào. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa vấn đề muốn tìm hiểu “gốc tích” của việc hát tuồng và các làn điệu dân ca của làng, nhiều cụ già trong làng vẫn một mực khẳng định, từ thời ông nội của họ đã biết hát tuồng cổ rồi và họ thường nghe kể lại rằng, cha ông ngày xưa học tuồng từ những gánh hát của người Trung Quốc. Người dân của làng Đông Duyệt 1 ngày ấy say mê những làn điệu tuồng cổ như “điếu đổ”, rồi họ chịu khó tìm tòi và được các bậc tiền bối truyền dạy học hát, học múa và sử dụng nhạc cụ đặc trưng dành cho tuồng. Trước đây, những lời tuồng cổ đều được các thế hệ đi trước hát bằng chữ Hán, sau nay là chữ Quốc ngữ… Qua nhiều năm thăng trầm, ngày nay, chỉ còn một số ít người già còn biết hát tuồng cổ. Riêng giới trẻ sau này hầu như chỉ biết đến các vở tuồng mới. Ngoài ra, họ còn đam mê tìm hiểu, đưa thêm những làn điệu dân ca vào cuộc sống làm cho nền văn hoá, văn nghệ nơi làng quê này ngày một thêm phong phú.

Một vài vị cao niên cho biết, "thuở nhỏ chúng tôi đã theo chân ông nội, cha đẻ và cả gánh hát tuồng từng đi biểu diễn ở nhiều địa phương. Đội hát tuồng của làng hát hay, biểu diễn tốt đến mức khắp nơi đều nể phục, cũng bởi lý do đó mà suốt một thời gian dài, làng của chúng tôi còn có một cái tên khác - làng Hát bội (tức hát tuồng cổ)".

Nhiều người dân ở huyện Bố Trạch hiện vẫn còn nhớ rõ câu ca: “Nằm đêm nghe trống Kẻ Đòi, nghe chuông Kẻ Hạc, nghe còi Kẻ Lau… (Trống Kẻ Đòi: tức tiếng trống chầu tuồng của làng Hát bội (thôn Đông Duyệt ngày nay), khi nghe tiếng trống này, nhiều người dân biết là có một buổi biểu diễn hát tuồng đang diễn ra; Chuông Kẻ Hạc: tức tiếng chuông nhà thờ ở Vạn Trạch; Còi Kẻ Lau: tức tiếng còi gọi người dân đi săn, đuổi thú rừng phá hoại mùa màng ở Tây Trạch).

Ông Trần Minh Hổ, 74 tuổi, một trong số ít người ở thôn Đông Duyệt 1 còn khá thông thuộc, có thể biểu diễn được nhiều vở tuồng cổ, chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc cho biết: “Tôi chỉ làm một phép nhẩm tính, từ thời ông cố của tôi đã biết hát tuồng, như vậy ít nhất hát tuồng cổ đã du nhập vào làng từ hàng trăm năm trước rồi. Trước đây, hàng năm ở làng tui đều có ngày giỗ Tổ tuồng. Có một mốc thời gian mà cả làng chúng tôi còn nhớ rõ nhất, đó là vào năm 1947, khi giặc Pháp vào phá làng, bọn chúng đốt luôn cả ông Tổ tuồng (bằng tượng gỗ) cùng nhiều tài liệu liên quan. Từ đó, các thế hệ nối tiếp ở làng không còn nhớ về gốc tích của việc hát tuồng cổ mà chỉ nhớ qua những lời truyền miệng”.

Ông Hổ tâm sự thêm: “Hiện tại, trong làng tui có khoảng 6 vị cao niên còn nhớ rõ và biễu diễn rất tốt các làn điệu tuồng cổ. Những người “nghệ nhân của làng” này chơi được khá nhiều loại nhạc cụ khác nhau như đàn nhị, trống, đàn bầu, kèn cổ truyền và các bộ gõ như song loan, sanh tiền, cặp bạt… Riêng các vở tuồng mới du nhập sau này cùng các làn điệu dân ca, nhất là dân ca Bình Trị Thiên thì có rất nhiều người trong làng có thể biểu diễn được. Ngoài ra, song song với việc hát tuồng, biểu diễn các làn điệu dân ca, khá nhiều người từ già tới trẻ đều có thể chơi được một vài loại nhạc cụ dân tộc, đó là một nét văn hoá khá độc đáo ở làng tui mà hiếm nơi nào có được”.

Để minh chứng với chúng tôi, ông Hổ đưa ra dẫn chứng ngoài ông ra còn có 5 người khác mà ông nói là có thể thông thuộc rất nhiều ca từ của tuồng cổ, đó là bà Phạm Thị Tơn, 74 tuổi; bà Phạm Thị Phùng, 71 tuổi; ông Phạm Hoạt, 87 tuổi; ông Nguyễn Duy Sung, 75 tuổi; ông Nguyễn Phương Ngôn, 74 tuổi.

Chia tay ông Hổ, chúng tôi tìm đến nhà cụ Phạm Hoạt, 87 tuổi. Cha đẻ cụ Hoạt từng là Đội trưởng phường hát tuồng của làng Đông Duyệt 1. Lúc 10 tuổi, cụ Hoạt đã theo cha đi biểu diễn tuống ở nhiều nơi. Cụ Hoạt kể lại: “Gia đình tôi đã có 5 đời theo “nghiệp” hát tuồng. Hàng chục năm trước, có một thời gian khá dài bản thân tui từng dẫn cả đội tuồng (khoảng 20 người) đi biểu diễn ở nhiều nơi. Các vở tuồng “từ cổ tới kim” như Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Quốc Sỹ, Lê Lợi, Nguyễn Trãi… mà chúng tôi diễn xuất thường được nhiều khán giả khen ngợi. Có thời điểm, do quá nhiều địa phương tìm đến mời đội tuồng đi biểu diễn, chúng tôi phải nghĩ ra cách đó là “phát vé” thứ tự để có kế hoạch cụ thể đi lưu diễn. Hồi đó, đội tuồng chúng tôi biểu diễn không lấy tiền công, chủ yếu để khán giả tự đánh giá và phát thưởng cho mỗi tiết mục. Quy định của đội tuồng là ai muốn thưởng tiền thì tiến lên sân khấu sau mỗi tiết mục đánh một hồi trống chầu…”.

Tại nhà ông Hoạt, bà Phạm Thị Tơn (em gái ông Hoạt) tâm sự: “Trước đây có rất nhiều vở tuồng cổ được viết bằng tiếng Hán, do bị giặc Pháp đốt hết, qua nhiều năm truyền miệng nên hiện còn rất ít người có thể nhớ được. Ngày nay, ở làng chúng tôi, cứ vào vào độ rằm tháng giêng, tháng hai âm lịch là làng lại tổ chức biểu diễn hát tuồng và các làn điệu dân ca. Đây là cơ hội tốt cho những người “mê hát”, không phân biệt lứa tuổi của làng được gần lại với nhau, trao đổi kinh nghiệm, thể hiện tài năng… Ngoài ra, đây cũng là dịp để làng thể hiện sự cầu an, cầu cho người sống được an nhàn, ấm no, hạnh phúc, làm ăn thuận lợi; cầu cho mưa thuận gió hoà…”.

“Chúng tôi rất mong được cấp trên quan tâm để nhanh chóng cùng với địa phương có biện pháp gìn giữ nét văn hoá đặc sắc hát tuồng và các làn điệu dân ca ở làng Đông Duyệt 1. Lớp người biết hát tuồng cổ ở làng hiện còn rất ít , hầu hết đang ở độ tuổi “xế chiều” nên nguy cơ mai một là rất cao…” - bà Tơn bày tỏ lo ngại.

Cả làng mê tuồng và hát dân ca!

Anh Nguyễn Xuân Thịnh, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Phú Trạch, là người của làng Đông Duyệt 1, rất “say” hát tuồng và các làn điệu dân ca, cho biết: “Từ bao đời nay, tuồng và các làn điệu dân ca đã ăn sâu vào “máu thịt” người dân trong làng, do đó từ già, trẻ, gái, trai đều rất đam mê. Cũng nhờ đam mê, có năng khiếu hát tuồng và các làn điệu dân ca, chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc, nhiều con em làng Đông Duyệt 1 đã thi đỗ vào các trường đào tạo âm nhạc dân tộc. Đơn cử như em trai của tôi hiện đang học ở Nhạc viện Huế, nhà ông Dương Đoan có tới 3 người con đi học ở trường đào tạo âm nhạc dân tộc… Nói chung, làm một phép tính sơ bộ thì cả làng tui có gần 20 người đã và đang theo học tại các trường đào tạo âm nhạc. Nhiều người nhờ có năng khiếu về âm nhạc dân tộc, được đào tạo qua trường lớp nên họ đã trở thành nghệ sỹ công tác ở các ngành phù hợp với chuyên môn được đào tạo từ cấp huyện đến cấp tỉnh”.

"Nghệ nhân hát tuồng của làng” Nguyễn Phương Ngôn cho hay: “Chính vì đam mê hát tuồng và các làn điệu dân ca, có khoảng 20% nhà dân trong làng đều mua sắm ít nhất một đến vài ba loại nhạc cụ dân tộc. Đến với thôn Đông Duyệt 1, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh già, trẻ, gái, trai “tụm ba tụm bảy” biểu diễn tuồng và các làn điệu dân ca một cách sôi nổi. Nhiều người có thể ngồi lại với nhau suốt đêm, nhâm nhi dăm ba chén rượu, chén trà, cùng vui văn nghệ mà không thấy mệt… Có lần cấp trên đến mở một lớp đào tạo ngắn hạn cho dân làng về âm nhạc dân tộc cho vài chục người, rứa mà nhiều người không được mời vẫn một mực đòi đến học cho bằng được, rứa là lớp học lên đến hàng trăm người. Nói như vậy để các chú biết dân làng tui “mê hát đến mức mô…!”.

Chúng tôi chia tay làng Đông Duyệt 1 khi trời đã xế chiều, tiếng trống, tiếng đàn nhị và đàn bầu… ở nhà cụ Phạm Hoạt cứ vang lên réo rắt, xen lẫn vào đó là giọng hát tuồng cổ của bà Tơn vang lên rất khoẻ, chúng tôi chợt thấy lòng lo lắng không biết những câu tuồng cổ này có còn lưu giữ các thế hệ sau?!

Đỗ Đức Thuần - Văn Minh

More