Chi tiết tin - Du khách
Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Trần Thắng: Nhìn rõ hạn chế để phát triển bền vững
Năm 2022, với sự đoàn kết, đồng lòng giữa các cấp uỷ Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp, Quảng Bình đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, tạo đà cho những năm tiếp theo, tỉnh Quảng Bình đã có những định hướng, kế hoạch, chỉ tiêu rất cụ thể.
Quảng Bình sẽ thực hiện những bước đi nào để đạt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn? Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình có những chia sẻ với PLO và ông cho hay là cần nhìn nhận những ưu điểm cũng như các hạn chế để đưa tỉnh phát triển xứng tầm.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Lễ khởi công dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông. Ảnh: BẢO THIÊN
Năm 2022 có 18/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch
. Phóng viên: Thưa ông, trong năm 2022 Quảng Bình đã rất nỗ lực trong việc thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và kết quả đạt được thế nào, thưa ông?
+ Ông Trần Thắng: Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, tỉnh Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các giải pháp phục hồi và phát triển theo Nghị quyết 11/2022 của Chính phủ.
Với sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh đạt những kết quả quan trọng, toàn diện, trong đó 18/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; du lịch phục hồi nhanh; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 8.000 tỉ đồng (đạt 134% dự toán). Thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực; các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai quyết liệt; an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì hội nghị về công tác thu ngân sách năm 2022. Ảnh: BẢO THIÊN
. Ông có thể nói rõ hơn việc các chỉ tiêu chưa đạt?
+ Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số lĩnh vực phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, có 3/21 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia
Nguyên nhân là do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, giá các loại phân bón, vật tư đầu vào tăng cao và việc thực hiện các nội dung, tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới và trường đạt chuẩn mới ban hành còn gặp khó khăn, cần nguồn lực lớn.
Cùng với đó là suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, số đơn hàng giảm mạnh từ giữa năm 2022, doanh nghiệp sản xuất khó tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, giới hạn cấp tín dụng thắt chặt, việc tuyển dụng lao động còn gặp khó khăn.
Thu ngân sách tăng cao nhưng vẫn chủ yếu từ tiền thuê và cấp quyền sử dụng đất; hạ tầng và năng lực phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế; tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; việc triển khai và cụ thể hóa các chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều vướng mắc.
Công tác giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết triệt để; tỷ lệ học nghề còn thấp; chuyển đổi số còn chậm; cải cách hành chính một số đơn vị, địa phương chưa hiệu quả; nhiều dự án của nhà đầu tư chậm triển khai theo tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (thứ ba từ trái sang) kiểm tra các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BẢO THIÊN
Nhìn rõ các hạn chế để khắc phục
. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đưa ra những giải pháp nào để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nhanh, bền vững?
+ Trên cơ sở nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, năm 2023, các cấp, các ngành sẽ tập trung thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra, trong đó chú trọng một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá giai đoạn 2021-2025 về phát triển du lịch, xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII).
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tối đa việc triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: dự án nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới, dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La, dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh, nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch, các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; các dự án du lịch nghỉ dưỡng; khu đô thị.
Thứ ba, tổ chức công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; tranh thủ tối đa nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để cùng với nguồn lực Nhà nước sớm hoàn thành nhiệm vụ đột phá “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại” như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Thứ tư, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước, sắp xếp kiện toàn bộ máy gắn với chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng cán bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì hội nghị về công tác thu ngân sách năm 2022. Ảnh: BẢO THIÊN
Thứ năm, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, công tác phòng, chống tội phạm; đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường yên bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phát huy sức mạnh tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên UBND tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Kỳ vọng vào các dự án động lực
. Trong năm 2022, Quảng Bình đã khởi công nhiều dự án xây dựng mang tính trọng điểm cấp tỉnh và quốc gia như: Dự án thành phần Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 hay Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông và người dân rất kỳ vọng là các dự án sẽ tạo đột phá cho sự phát triển.
+ Các dự án trên đều là các là dự án động lực, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, tạo điểm nhấn về mặt kiến trúc đô thị thành phố Đồng Hới; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, các khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng yếu. Đồng thời góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia.
Trong bối cảnh Quảng Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố tiềm năng và đang tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; việc đầu tư xây dựng đường ven biển, Cầu Nhật lệ 3 hay tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua tỉnh càng có ý nghĩa quan trọng, tạo sự đột phá, và là một nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Du lịch Quảng Bình sẽ có trên bản đồ thế giới
Quảng Bình được biết là nơi "sơn thủy hữu tình", đặc biệt có Di sản Thiên nhiên thế giới - Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nên tỉnh xác định đây là lợi thế cạnh tranh về tài nguyên du lịch nên tập trung phát triển du lịch là khâu đột phá, động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (chuẩn bị phê duyệt) xác định: Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á, tạo bước đột phá về doanh thu du lịch dịch vụ giá trị cao.
Tỉnh xác định phát triển du lịch là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế và xem triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn để xây dựng, khẳng định thương hiệu du lịch “Quảng Bình” trên bản đồ du lịch quốc tế để phát triển các sản phẩm du lịch khác biệt.
Trong đó, Quảng Bình sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch trải nghiệm thiên nhiên, sinh thái, du lịch tham quan hang động, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao cao cấp... Ông TRẦN THẮNG, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
Theo https://plo.vn/
- Phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số (21/02/2023)
- Băng rừng, vượt núi chinh phục ‘một thế giới khác’ ở Hung Thoòng (09/02/2023)
- Đến Quảng Bình, khám phá thiên nhiên suối Chà Rào – Chà Cùng (09/02/2023)
- Ngỡ ngàng dòng suối xanh trong ở đầu nguồn sông Long Đại, Quảng Bình (09/02/2023)
- Ba điểm đến ở Quảng Bình vào ‘Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022’ (17/01/2023)
- Chinh phục hang động kỳ vĩ tuyệt đẹp vừa được khám phá ở Quảng Bình (17/01/2023)
- Bừng sáng du lịch hang động ở Quảng Bình (11/01/2023)
- Quảng Bình huy động nhiều nguồn lực để phát triển du lịch (11/01/2023)
- Bến phà Long Đại – ‘toạ độ lửa’ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại (29/12/2022)
- Du lịch Quảng Bình: Tăng trưởng mạnh, bứt phá ấn tượng (29/12/2022)