Lăng mộ danh tướng Lê Sỹ

Post date: 18/09/2014

Font size : A- A A+

LĂNG MỘ DANH TƯỚNG LÊ SỸ

Theo đường quốc lộ 1A đến cầu Quán Hàu thuộc huyện Quảng Ninh, đi về phía Nam khoảng 2 km, rẽ về phía Đông Bắc 820m là đến lăng mộ danh tướng Lê Sỹ. Lăng mộ được xây dựng 1890 (Thành thái thứ 2), trên một vùng đất thiêng thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh có quy mô hoành tráng. Trải qua thời gian, chiến tranh liên miên, thiên nhiên khắc nghiệt nên di tích bị xuống cấp. Năm 1973, sau khi đế quốc Mỹ chấm dứt đánh phá miền Bắc, nhân dân làng Võ Xá đã sửa chữa lại lăng mộ nhưng còn sơ sài. Đến năm 2000 một lần nữa dân làng lại góp công góp của trùng tu lại lăng mộ cho Ông. Lăng mộ mang nét đặc trưng của kiến trúc lăng mộ cổ. Mặt bằng hình chữ nhật, chia làm 2 phần: phần mộ táng và phần nhà bia. Nhà bia là nơi cúng tế. Các cột đều đắp nổi rồng và các hoa văn nhẹ nhàng uyển chuyển, giữa nhà bia đặt một bia lớn, hai mặt ốp đá ghi công tích của Lê Sỹ.  

Danh tướng Lê Sỹ tên huý là Nhân vua Tự Đức tặng thêm một sổ thành chữ Sỹ ông sinh năm 1816 tại làng Võ Xá, (một trong Bát danh hương của Quảng Bình), xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, trong một gia đình có truyền thống võ tướng.  

Thuở thiếu thời Lê Sỹ được tiếp thu một nền giáo dục nho phong và tính chất anh hùng mã thượng của gia đình, và chịu ảnh hưởng truyền thống xứ võ của quê hương. Vốn có tư chất thông minh, học giỏi, sinh lực dồi dào nên được cụ thân sinh đưa vào đào tạo tại trường Anh Danh kinh thành Huế, để nối chí cha lập nghiệp lớn.  

Cũng như các nhà trí sỹ khác, với quan niệm làm quan là gánh vác việc đời, thi hành việc nghĩa, thực hiện lý tưởng trị quốc, bình thiên hạ, Lê Sỹ đã hăm hở bước vào con dường hoan lộ. Trong cuộc đời làm quan 40 năm (1843 - 1883), trải qua 3 triều vua (Thiêu Trị, Tự Đức, Hiệp Hòa), Ông từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng vào bậc nhất trong triều (Chưởng quản hữu và Tả dực doanh vũ lâm, Đổng lý sở Dương Xuân, Giám thí khoa thi tiến sỹ võ, Đô thống phủ Đô thống chưởng phủ sự, thay vua Tự Đức kính đền đài xã tắc, làm lễ kính cáo tiết ngũ tuần đại khánh...) hay ngoài các địa phương. (Lãnh binh tỉnh Ninh Bình, Đốc binh quân thứ Quảng Nam, Phó đề đốc quân thứ Biên Hoà, phụ trách vận chuyển lương thực cho các tỉnh ở Gia Định, Định Tường, Đề đốc tỉnh Bình Thuận, Phó đề đốc quân thứ tỉnh Hải Dương, Đề đốc tỉnh Bắc Ninh...) ở đâu, ở cương vị nào ông cũng tỏ ra là một vị quan có học vấn uyên thâm (cả văn lẫn võ), lịch lãm, cương trực thẳng thắn, thương dân, tận tuỵ với công việc, sẵn sàng hy sinh thân mình vì sự tồn vong của dân tộc. Ông luôn mang trong mình hoài bảo Tổ quốc phải độc lập, lãnh thổ phải thống nhất, nhân dân được hạnh phúc.  

Lê Sỹ ra làm quan vào thời kỳ biến động cùng cực của Nhà nước phong kiến đã lún sâu vào vũng lầy suy vong trầm trọng. Phong trào nông dân nổi dậy khắp nơi, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta. Chính vào lúc ấy (đầu năm 1843), Lê Sỹ được vua Thiệu Trị bổ làm tả cơ hiệp quản Quảng Nam. Năm 1848, ông được vua Tự Đức sung làm lãnh binh tỉnh Ninh Bình. Hơn 10 năm làm lãnh binh tỉnh Ninh Bình, ông có nhiều đóng góp vào việc giữ yên chính trị, an ninh quốc phòng bảo đảm, thực hiện chính sách khuyến nông, đắp đê chống lụt.  

Khi làm Đốc binh quân thứ Quảng Nam (1859), ông đã sát cánh cùng Nguyễn Tri Phương, đánh lui nhiều cuộc tấn công của giặc Pháp. Ở mặt trận Đà Nẵng, sau 19 tháng bị chiếm đã thoát khỏi tay giặc.  

Bị thất bại ở mặt trận Đà Nẵng, giặc Pháp đem quân vào đánh chiếm Gia Định. Tình hình Gia Định trở nên cực kỳ căng thẳng, nguy cơ lục tỉnh rơi vào tay giặc đang bị đe doạ. Để tăng cường thêm quân và hậu cần cho kế hoạch chiến đấu lâu dài, tháng 10/1861, Tự Đức sung vệ uý Lê Sỹ làm Phó đề đốc quân thứ Biên Hoà, chuyên lo lương thảo, súng đạn cho quân đội. Ở đây, ngoài việc ổn định tình hình địa phương, sắp xếp lại bộ máy hậu cần, tăng thêm phương tiện vận chuyển, kiểm kê kho tàng, củng cố thành trì... Ông rất quan tâm đến tinh thần chiến đấu của quân lính. Sau một thời gian ngắn ông đã ổn định được tình hình, dự trữ được nhiều lương thực, đạn dược cho cuộc kháng chiến lâu dài. Khi tình hình quân cơ ở Gia Định ổn định, ông về kinh giữ quyền Chưởng công việc Vũ lâm Tả dực doanh, kiêm chưởng các vệ kinh tượng.  

Tháng 5-1862, nhằm ngăn chặn sự xâm lăng của giặc Pháp ra miền Bắc, vua Tự Đức sung vệ uý Lê Sỹ làm Đề đốc Bình Thuận. Đây là vùng đất phên dậu phía Nam giáp với Nam Kỳ thuộc Pháp. Ông khuyên dân Bình Thuận đào mương, làm thủy lợi, phát triển nông nghiệp, củng cố hậu phương, đề nghị vua Tự Đức chọn hiền tài, trừ tham nhũng, khoan thư sức dân, đào hào đắp luỹ chống giặc.

Vào đầu những năm 60 của thế kỷ XIX, giặc cướp nổi lên như ong vỡ tổ ở khắp nơi. Trên miền Bắc xảy ra nhiều cuộc giao chiến giữa quân triều đình với nghĩa quân nông dân và các toán giặc cướp khác, đời sống nhân dân hết sức cực khổ, Lê Sỹ lại được triều đình sung làm Đề đốc Bắc Ninh, sát cánh cùng Đặng Văn Siêu và Hoàng Văn Giản dẹp loạn.  

Sau khi chiếm được lục tỉnh (1867), thực dân Pháp gấp rút chuẩn bị chiếm nốt phần còn lại của nước ta. Sau một thời gian chuẩn bị, chiều 18/8/1883, quân Pháp đồng loạt nã pháo tấn công phòng tuyến Thuận An. Dưới sự chỉ huy của Lê Sỹ, quân ta bắn trả quyết liệt, nhiều chiến sỹ rất gan dạ quăng trái nổ thành hàng rào lửa ngăn chặn sự tiến công của quân Pháp. Sau gần 3 ngày chiến đấu anh dũng nhưng lực lượng của địch quá mạnh lại có vũ khí tối tân nên thành Trấn Hải và toàn bộ phòng tuyến quân sự cửa biển Thuận An đã rơi vào tay giặc. Trong trận chiến đấu này quân ta bị thương vong nhiều, thống chế Lê Chuẩn, chưởng vệ Nguyễn Trung hy sinh; hữu quân Đô thống Lê Sỹ tuy bị thương nặng những vẫn chỉ huy chiến đấu, song do vết thương quá nặng ông đã trút hơi thở cuối cùng tại mặt trận.  

Kẻ thù của ông là một đế chế lớn, có nhiều tiềm lực kinh tế và quân sự, có quyết tâm xâm lược cao và ngoan cố. Do đó sự thất bại của cuộc chiến đấu này là khó tránh khỏi. 

Trận chiến đấu không cân sức này tuy bị thất bại nhưng đã thể hiện được tinh thần căm thù giặc cao độ, ý chí chiến đấu ngoan cường của nhân dân ta, gương sáng hy sinh quên mình vì sự tồn vong của dân tộc, và phẩm chất cao quý của Lê Sỹ.  

Trên lĩnh vực đào tạo nhân tài cho đất nước, có thể nói ông đã tham gia chấm thi hầu hết các cuộc thi tiến sỹ võ. Ông nổi tiếng là một vị giám khảo uyên bác và công minh, đáng tin cậy của sỹ tử bốn phương.  

Sau khi Lê Sỹ hy sinh, vua Hiệp Hòa truy tặng ông tước Kiến Dũng tử Đặc cách thờ vào “Trung nghĩa đền”.  

Lê Sỹ hy sinh ngày 20/8/1883, trong một trận chiến đấu không cân sức với giặc Pháp tại cửa biển Thuận An, triều vua Hiệp Hoà, hưởng thọ 68 tuổi. Ông xuất hiện và hoạt động trên vũ đài chính trị nước nhà trong hoàn cảnh chế độ phong kiến Việt Nam suy vong (thế kỷ XIX). Ông đã có những cống hiến rất to lớn trên các lĩnh vực quân sự, quản ly Nhà nước, làm giàu thêm kho tàng lý thuyết võ thuật nước nhà. Ông đỗ đạt hay không đỗ đạt, nhưng chỉ qua 2 lần làm giám thị thi Tiến Sỹ võ vào các năm 1868, 1871, đã nói lên ông không phải chỉ là 1 võ quan có tài mà còn là 1 nho sỹ chân chính, trái tim luôn đập với cuộc đời, những đóng góp của ông là rất lớn, cần được lịch sử ghi nhận. Ông là một nhân vật nổi tiếng nhưng cũng khá đặc biệt ở triều Nguyễn, đáng được ghi vào hàng các đanh nhân tiêu biểu Việt Nam.

More