Tiệm bánh ướt 3 "không"

Post date: 04/08/2023

Font size : A- A A+

Dù đường đi khó tìm và không có thông tin hướng dẫn, một tiệm bánh ướt tráng tay thủ công được người dân vùng Cộn (phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới) cũng như các vùng lân cận khác truyền tai nhau, trở thành địa điểm ẩm thực bỏ túi mà chỉ những người bản địa hoặc sành ăn mới biết đến để thưởng thức.

Tiệm bánh đặc biệt
 
Chủ bếp bánh ướt là ông Lê Quang Hồng (SN 1966), luôn vui vẻ chuyện trò với khách hàng trong lúc thoăn thoắt tráng bánh. Ông tự gọi vui tiệm bánh của mình là tiệm bánh ướt 3 “không”: Không địa chỉ, không biển hiệu, không hoạt động quảng cáo… Bởi nơi làm bánh cũng là nhà ông, nằm khuất mình khiêm tốn trong con ngõ ở phía sau Trường tiểu học Đồng Sơn. Ở đầu ngõ hay trước cửa nhà ông cũng không treo lấy một biển hiệu nhỏ thông báo về mặt hàng kinh doanh. Chỉ cho đến khi vào tận nhà, ra tận bếp, mới thấy ông cùng vợ đang luôn tay đổ bột, tráng bánh rồi cân hàng cho khách.
 
Thế vậy mà hàng bánh ướt vẫn luân phiên đông người, hết lượt khách quen đến những người khách lạ hỏi mua. Ông cho biết khách hàng quen mua nhiều, ăn ngon, rồi truyền tai nhau đến mua từ lâu nay như vậy.
 
“Khách quen, khách lạ cũng đến mua đều đều. Nếu ai có phong thanh nghe đến hàng của tôi rồi thì lên vùng Cộn đây hỏi là biết ông Hồng, bánh ướt Hồng Duấn, chứ cũng không phải treo biển gì. Nhiều khách ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thỉnh thoảng cũng đặt mua để mang theo trên máy bay, hoặc nhờ tôi gửi ra Bắc theo xe khách”, ông Hồng vui vẻ cho biết.
 
Theo bà cụ thân sinh làm bún, bánh từ ngày nhỏ, ông Hồng đến nay đã gắn bó với nghề này được gần 50 năm. Bắt đầu từ 12 tuổi, ông đã làm quen với các công đoạn làm bún, bánh thủ công. Rồi đến lúc lấy vợ, xây dựng gia đình riêng, ông tiếp tục lấy nghề tráng bánh ướt làm kế sinh nhai, nuôi 3 người con khôn lớn trưởng thành.
 
Nay, tiệm bánh ướt nhỏ vẫn là trụ cột kinh tế, đồng thời là niềm vui lao động mỗi ngày của hai vợ chồng ông. Đồng thời, chiếc bánh ướt mướt mát, mịn dẻo mà dai mềm đã làm nên thương hiệu cho vùng bánh trái của đất Cộn, chứng minh cho câu nói “hữu xạ tự nhiên hương” khi người người lựa chọn tìm đến.

Ông Hồng thoăn thoắt tráng bánh ướt

Truyền miệng… bếp bánh ướt nức tiếng
 
Vùng Cộn nổi tiếng có truyền thống làm bún, bánh… với những nhà làm bánh chưng, bánh bèo, bánh ướt… vang danh. Trong đó, gian bếp của ông Hồng nức tiếng một vùng với bếp bánh ướt nóng hổi, thơm ngon đều đặn đỏ lửa.
 
Chị Nguyễn Lan Anh (SN 1965, xã Lộc Ninh) sau một lần được người quen mua cho đã vừa ý với lớp bánh ướt mà chị đánh giá là mỏng vừa, dai vừa và mềm mịn. “Ngon rứa đó nên khi nào nhà người quen tôi lên Cộn, tôi lại hỏi để gửi mua bánh ướt tận đấy để về ăn trong nhà hoặc khi có tiệc”, chị chia sẻ.
 
Để làm nên những lớp bánh ướt mướt mịn và chiều lòng khách, theo ông Hồng, bí quyết của gia đình là chọn gạo thật ngon, thật đều, thân hạt tròn mẩy; sau đó gạo được ngâm, xay và ủ bột trong 1 ngày 1 đêm tùy vào điều kiện thời tiết; bước cuối cùng là tráng bánh. Với hai bếp bánh được nấu sôi liên tục, người làm nghề phải thoăn thoắt chuyển tay từ việc khuấy rồi đổ bột, tráng bánh. Cuối cùng, sau khi được làm chín bằng hơi nước trong khoảng vài chục giây, ông Hồng cẩn thận dùng một que tre dát mỏng tách bánh khỏi bếp và trải lên rổ.
 
Công việc lặp đi lặp lại đều đặn mỗi ngày như vậy trong gian bếp. Nhưng niềm vui của ông Hồng chính là được tiếp khách và tráng bánh mỗi ngày trong gian bếp nhỏ. Những lúc khách đến xếp hàng đông để chờ lấy bánh nóng vừa tráng, ông luôn vui vẻ trò chuyện, trêu đùa. Cũng nhờ đó mà tiệm bánh ướt của ông tạo nên một dấu ấn khó quên trong lòng thực khách.
 
“Thỉnh thoảng tôi đến mua bánh đúng trước giờ cơm tối nên thấy khách chờ đông lắm. Bánh được tráng từng chiếc nên vừa đợi vừa xem ông chủ tráng bánh nhanh tay cũng thú vị”, anh Vĩnh Tuấn, một khách quen của tiệm bánh ướt chia sẻ.
 
Chia sẻ về kỷ niệm làm nghề của mình, ông Hồng yêu thích nhất một vài dịp đón khách du lịch. Từ "truyền miệng" bởi khách hàng quen, một số nhóm khách du lịch trong đó có cả khách nước ngoài, đến với bếp bánh của ông để tận mắt xem và thử tráng bánh ướt rồi thưởng thức ngay tại bếp.
 
Trên địa bàn phường Đồng Sơn hiện có hơn 16 hộ dân duy trì nghề làm bún, bánh thủ công, được truyền lại hoặc học từ thế hệ trước. Ông Lý Quang Huy, Chủ tịch UBND phường Đồng Sơn cho biết địa phương xác định việc phát triển văn hóa ẩm thực là một trong những bước đi quan trọng để thúc đẩy sự phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội. Do đó, trong những năm qua, chính quyền địa phương cũng như Mặt trận, các đoàn thể luôn quan tâm hỗ trợ cho các hộ vay vốn, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các chương trình "Không gian văn hóa chợ quê, liên hoan hương sắc ẩm thực" của Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới…; tổ chức ký cam kết, tuyên truyền về việc thực hiện nghiêm quy định về an toàn thực phẩm.
 
“Bằng sự trân trọng và tâm huyết, những người dân ở đây, như bếp bánh ướt của ông Hồng, đã kiên trì bám trụ và tìm hướng đi phát triển, để nghề làm bún, bánh được đứng vững và phát triển như hôm nay”, ông Lý Quang Huy cho biết thêm.
 
Nghề làm bún, bánh thủ công truyền thống đã tạo nên những món ngon đặc sắc của vùng miền cho đất Cộn nói riêng và TP. Đồng Hới nói chung, đồng thời giữ gìn nét văn hóa đặc sắc, là nguồn cảm hứng phát triển du lịch đồng thời là một điểm nhấn riêng của nhịp sống hiện đại.

Theo Báo Quảng Bình

More