Nhớ hông bồi và con ốc đực

Post date: 28/04/2023

Font size : A- A A+

Cứ mỗi dịp rằm tháng ba đến, những người dân Minh Hóa xa quê lại hẹn nhau về sum họp. Bởi với họ, quê hương là nơi luôn ấm tình, ấm nghĩa, nơi họ được hòa mình vào không khí lễ hội, tìm về những ký ức tuổi thơ khi được ăn miếng bồi thơm ngon kèm với con ốc đực…

Theo các bậc cao niên ở huyện Minh Hóa, món bồi và con ốc đực đã mang đậm văn hóa của người dân nơi đây. Chuyện xưa kể lại rằng, có đôi vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Một hôm, người vợ đi hái rau bên suối thì trời mưa rất to, nước suối lên nhanh, chảy xiết rồi cuốn trôi người vợ. Chờ lâu không thấy vợ về, người chồng ở nhà sốt ruột lo lắng chạy đi tìm.
 
Hơn một tuần trôi qua, người chồng vẫn không tìm thấy vợ mình rồi anh kiệt sức vì đói và rét. Anh đến một tảng đá to bên suối nằm thì phát hiện xác vợ mình ngay bên cạnh. Thương vợ quá, anh khóc ròng cho đến khi chết biến thành những con ốc bám chặt vào tảng đá, còn người vợ biến thành một cây ngô mọc bên cạnh.
 
Về sau, người dân đến vùng đó thấy ốc rất nhiều. Họ bắt ốc đem về luộc ăn thấy ngon và nhớ đến câu chuyện xưa. Mặc dù loại ốc đó vẫn đẻ con nhưng người dân trong vùng gọi là ốc đực. Thấy cây ngô phát triển xanh tốt, người dân trong vùng nghĩ đó là cây ăn được nên mang về nhà trồng và nhân giống lên.
 
Thời gian sau, một vùng ngô rộng lớn đã hình thành và đơm hoa kết trái. Người ta lấy quả ngô non để luộc ăn, còn quả nào già thì phơi khô, tách hạt, giã, đồ lên làm thức ăn hàng ngày và đặt tên món ăn đó là bồi. Họ lấy bồi ăn với ốc đực thấy ngon, hợp khẩu vị và no lâu. Hai món ăn này được người dân Minh Hóa lưu giữ mãi cho đến tận bây giờ.
 
Hiện nay, hầu hết các khe, suối ở huyện Minh Hóa đều có ốc đực sinh sống, nhưng tập trung nhiều là ở sông Rào Nậy các xã: Tân Hóa, Minh Hóa, khe Dương Cau ở xã Hóa Sơn, khe Sòn, khe Ka Vàng ở thượng nguồn sông Gianh. Người dân Minh Hóa bắt ốc đực từ tháng 2-7 âm lịch.
 
Bởi thời điểm này, khe suối cạn, thời tiết nắng ấm nên rất thuận lợi cho việc bắt ốc. Dụng cụ bắt ốc đực rất đơn giản, chỉ cần một cái kính lặn, 1 cái giỏ đựng ốc và một bao tải để đổ ốc từ giỏ qua. Còn bắt ốc buổi đêm thì dùng đèn pin thay cho kính. Nghề bắt ốc không quá mệt nhọc, nhưng đòi hỏi phải có sự hiểu biết về con nước, đặc tính của ốc và nhất là phải có hơi dài để lặn được lâu dưới nước.

Lên Minh Hóa dịp rằm tháng ba, du khách sẽ được thưởng thức những món đặc sản của vùng đất này, trong đó có bồi, ốc.

Anh Trương Quang Lưu, một thợ bắt ốc lâu năm ở xã Tân Hóa chia sẻ: “Nếu bắt ốc đực vào ban ngày thì phải lặn những vùng nước sâu, luồn lách vào những hang đá. Còn đi bắt ban đêm thì chỉ cần một cái đèn pin soi dọc các khe suối cạn. Vì thời điểm ban đêm ốc thường đi ăn nên dễ bắt hơn. Trước kia, chỉ cần ra sông Rào Nậy là bắt được ốc rồi. Nhưng giờ ốc cũng đã khan hiếm nên phải về vùng Tú Làn hay Cao Mại mới bắt được nhiều". Có những chuyến đi thuận lợi (khoảng 2 ngày một đêm), vợ chồng anh Lưu cũng bắt được khoảng 30-40 lon ốc. Ốc bắt xong đưa về chợ Quy Đạt bán mỗi lon từ 10-15 nghìn đồng.
 
Nhiều thợ bắt ốc ở Minh Hóa cho hay, muốn bắt được ốc đực to và ngon, sạch thì phải chọn thời điểm trăng non, tìm đến những nơi nước chảy, nhất là các thác ghềnh có nhiều đá. Ở huyện Minh Hóa, ốc những vùng xa, như: Lòm xã Trọng Hóa, Cá Bời xã Trung Hóa thường có màu vàng, còn ốc ở vùng Tú Làn, sông Rào Nậy thường có màu đen nhưng đều ăn ngon cả. Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Trương Thanh Duẩn cho biết: “Nghề bắt ốc đực đã gắn với người dân trong xã bao đời nay và họ xem đó như là nghề mưu sinh trong mùa nắng. Nhờ có nghề này mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã có thể trang trải cuộc sống, cho con cái ăn học”.
 
Ốc đực thường được luộc chín lên chấm với muối lá chanh, muối ớt, khều bởi gai bưởi, ăn có vị béo và rất thơm ngon. Nước luộc ốc có thể nấu canh rau khoai hay các món canh chua khácr ất đậm đà, bắt miệng trong mùa nắng nóng. Ngoài ra, ốc đực còn được chế biến thành món ốc chiên, nước ốc chấm với bánh tráng (bánh đa) cũng rất hấp dẫn.
 
Nhưng ốc đực ăn kèm với bồi vẫn là ngon nhất. Bồi được làm từ ngô, sắn xay mịn và trộn đều với nhau trước khi đồ chín. Bồi sau khi đồ có màu vàng rất bắt mắt, ăn với ốc đực có vị thơm đặc trưng khiến thực khách ăn một lần sẽ nhớ mãi. Vậy nên người Minh Hóa mới có câu "Trôông cho mau tếêng mùa pồi/Nhớ con ôốc tực tang ngồi trên vâm" (Trông cho mau đến mùa bồi/Nhớ con ốc đực đang ngồi trên mâm).
 
Ông Đinh Xuân Thắng, một người dân ở thị trấn Quy Đạt tâm sự: “Giờ đây, trong mỗi buổi ăn của người dân Minh Hóa không còn thường xuyên có món bồi, ốc đực như trước nữa. Tuy nhiên, mỗi dịp rằm tháng ba về nhà nào cũng làm từ 2-3 hông bồi, mua chục lon ốc đực đãi khách, để thể hiện nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Nguồn”.
 
Tháng ba âm lịch năm nay, nhiều thợ bắt ốc trong huyện lại đổ về các khe suối bắt ốc đực như những mùa vụ năm trước khiến cho “thị trường” ốc đực lại sôi động kẻ bán người mua. Chị Đinh Thị Hương Lan, một người dân Minh Hóa đang sinh sống và làm việc tại TP. Đồng Hới chia sẻ: “Cứ mỗi dịp đến rằm tháng ba, tôi đều dẫn cả nhà về quê, được ăn nhiều món ăn đặc sản, lạ miệng mang đặc trưng riêng, như: Trứng kiến, cà lào, măng, mật ong rừng pha với nước chè xanh... Nhưng có lẽ, bồi và ốc đực vẫn là những món ăn ngon và thích nhất. Ăn xong, tôi còn mua về biếu anh em, bạn bè nữa và ai cũng tỏ ra thích thú khi được ăn những món này”.
 
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa Đinh Xuân Đình cho biết: "Con ốc đực và bồi có vị trí rất quan trọng trong đời sống, văn hóa của người Minh Hóa nói chung và người Nguồn nói riêng. Người dân ở đây tâm niệm rằng, ăn bồi và ốc đực thì nhớ và biết ơn câu chuyện về 2 vợ chồng thủy chung, son sắt. Tiếp khách bằng món bồi, ốc đực còn thể hiện được lòng hiếu khách của người Minh Hóa”.

Theo Báo Quảng Bình
    

More