Dịu dàng nón lá...

Post date: 01/12/2007

Font size : A- A A+
Nằm ở phía Bắc cầu Gianh, xã Quảng Thuận (Quảng Trạch - Quảng Bình) bao đời nay gắn bó với nghề làm nón lá. Cái nghề tuy không vất vả, cực nhọc “một nắng hai sương” nhưng lại đòi hỏi sự khéo tay, cần mẫn, kiên trì, chịu khó...

Nhà nhà làm nón, người người làm nón...

Gia đình anh Nguyễn Văn Ngọ sinh được 8 người con, cả hai vợ chồng đều không có lương bổng gì, nhưng vẫn làm được nhà cửa khang trang và nuôi 8 người con ăn học đến nơi đến chốn, đặc biệt người con đầu đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định; hai người con tiếp theo đang theo học cao đẳng sư phạm. Vừa thoăn thoắt chằm nón, chị Vượng, vợ anh vừa tiếp chuyện: “Nhà tôi cả 8 đứa đều chằm nón rất giỏi, chúng nuôi được mình từ lúc còn học lớp 5, lớp 6. Ngay cả cháu lớn học đại học hay lo việc cũng là tiền từ làm nón. May mà có cái nghề này...”. Hai tiếng “may mà” đó, tôi được nghe nhiều người dân vùng quê này thốt lên. Với họ, nghề làm nón chính là phao cứu sinh.

Quảng Thuận hiện có khoảng 1.451 hộ gia đình với 6.446 khẩu và có đến 4.063 người tham gia làm nón lá, chiếm 2/3 tổng số lao động. Và một điều đặc biệt là ở Quảng Thuận không có người thất nghiệp.

Người dân Quảng Thuận ai cũng biết làm nón, mọi gia đình đều làm nón. Không chỉ riêng phụ nữ, đàn ông Quảng Thuận cũng rất khéo tay, họ biết làm những chiếc khuôn sâu hay cạn, 16 hay 18 vành cho mẹ, cho chị, và cho cả người yêu chằm nón. Lá nón được mua tận Nha Trang (Khánh Hoà) hoặc Quảng Ngãi, thường thì công việc phơi lá nón là của đàn ông. Họ biết ủi lá, từ những đọt lá màu xanh biến thành trắng ngần. Sau đó phụ nữ chọn lá rồi xếp lên khuôn, từng chiếc lá đan cài vào nhau thắm tình chồng vợ. Khâu nón tất nhiên là việc của người phụ nữ, họ chọn những sợi cước – sợi gấc phù hợp, gửi vào từng đường kim mũi chỉ. Thoăn thoắt, nhẹ nhàng, họ ngồi bên nhau túm năm, tụm ba, vừa chằm nón vừa trò chuyện. Con trai, con gái có ý tình tự cũng hẹn nhau về chằm nón. Những vành nón cuối cùng đã chằm xong, mà chủ và khách vẫn còn luyến lưu, bịn rịn. Trẻ em Quảng Thuận sau giờ học ở trường, cũng ngồi bên khuôn nón, tay chằm nón miệng thì ôn bài... Mới 8 giờ tối mà khắp đường làng, ngõ xóm ở Quảng Thuận đã vắng bóng người, vì giờ ấy, ai nấy đều quây quần bên khuôn nón.

... và làm giàu từ nón

Các cụ già ở đây kể lại, nghề làm nón ở Quảng Thuận có từ khoảng 400 năm trước. Lúc đó người Quảng Thuận chỉ chằm một vài chiếc nón, che nắng, che mưa khi đi làm đồng, hay đi thuyền đánh cá. Đến nay nón lá Quảng Thuận đã trở thành một sản phẩm nổi tiếng, theo những chuyến hàng ra Bắc vào Nam. Nón lá đang góp phần làm giàu cho vùng quê bên dòng sông Gianh.

Hằng năm, người Quảng Thuận làm được 1,8 - 2 triệu chiếc nón lá, đưa về thu nhập gần 5 tỷ đồng, chiếm 23% tổng thu nhập của toàn xã. Cũng nhờ làm nón mà năm 2005, xã Quảng Thuận đã xoá xong 100% mái tranh cho hộ nghèo. Quảng Thuận không còn hộ đói, tỷ lệ hộ giàu, khá chiếm trên 40%. Toàn xã có gần 100 nhà cao tầng, 50 hộ có xe du lịch – xe khách, 100% hộ gia đình có các phương tiện nghe nhìn và xe máy. Quảng Thuận cũng là xã đầu tiên ở Quảng Trạch đóng góp xây dựng cổng làng với tổng số tiền gần 200 triệu đồng... Người Quảng Thuận cũng đóng góp tiền của để bê - tông hoá kênh mương, đường làng, ngõ xóm.

Người Quảng Thuận là vậy đó, cho dù nghề làm nón có thu nhập không cao, từ 20 - 25 ngàn đồng /người /ngày nhưng “góp gió thành bão” họ đã dành dụm tiền xây dựng cho con em mình 3 ngôi trường khang trang hàng đầu ở huyện, trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia. Họ còn đóng góp tiền xây dựng quỹ khuyến học gần 400 triệu đồng. Nhờ vậy, năm học 2004 - 2005, Quảng Thuận có 35 em thi đỗ vào đại học, cao đẳng, chiếm gần 50% tỷ lệ học sinh đỗ ĐH, CĐ của toàn huyện. Ngoài ra, họ cũng đóng góp tiền xây dựng đền thờ, tu sửa chùa chiền để tỏ lòng tri ân đối với tổ tiên đã để lại cho con cháu một nghề nổi tiếng. Năm 2005, Quảng Thuận cũng đã khánh thành nhà văn hoá thôn Thổ Ngoạ với tổng số tiền đầu tư là 1, 5 tỷ đồng.

Khi chia tay Quảng Thuận, ta sẽ không quên tìm mua cho mình một chiếc nón lá về làm quà, vì đâu đó trong từng chiếc nón là tâm hồn Việt Nam.

Theo: Kinh tế nông thôn

More