Chi tiết tin - Du khách
Mùa "săn" trứng kiến
Hàng năm, từ tháng 3-6 dương lịch, nhiều người dân huyện Minh Hóa lại rủ nhau vào rừng "săn" trứng kiến về làm thức ăn hoặc bán cho các thương lái. Nghề này không quá vất vả nhưng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con trong những ngày nông nhàn.
Một ngày đầu hè, tôi theo anh Đinh Quốc Tuấn, một thợ "săn" trứng kiến lâu năm ở thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) đến vùng Trế, xã Trung Hóa "săn" trứng kiến. Từ Quy Đạt, chúng tôi lên thôn Bình Minh, xã Trung Hóa rồi dừng xe đi bộ vào Trế.
Trên đường đi, anh Tuấn giới thiệu: Trế là một vùng đất khá màu mỡ, bằng phẳng, rộng lớn. Những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình anh cùng nhiều hộ dân khác đến đây để sản xuất nên mọi đường đi trong vùng đất này anh đều thuộc lòng. Những ngày ở trong Trế, anh Tuấn thường theo cha đi "săn" trứng kiến và học hỏi được nghề này. Sau hơn 10 năm, kinh tế khấm khá, gia đình anh rời khỏi vùng Trế, không sản xuất nữa vì đường đi lại khá xa.
Từ chỗ dựng xe, chúng tôi phải cuốc bộ khoảng một giờ đồng hồ, vượt qua Hung Thiêu, dốc Má Ta, leo lên một ngọn núi đá vôi cao rồi chạm đất Trế. Trế không còn nhộn nhịp cảnh sản xuất như xưa nữa, những cánh đồng trồng lạc, ngô năm nào đã nhường chỗ cho những cánh rừng non. Trế giờ đây chỉ còn lại là những ngọn núi đá vôi, cây cối um tùm và có nhiều tổ kiến hơn trước.
Mỗi chuyến đi "săn", anh Đinh Quốc Tuấn thu về từ 2-3kg trứng kiến
Dẫn tôi đi trong rừng, anh Tuấn không ngừng quan sát trên cây để tìm tổ kiến. Khoảng 15 phút sau, anh đã nhìn thấy một tổ kiến đen trên cành cây căng màn, cao khoảng 3m so với mặt đất. Tổ kiến này hình tròn, có đường kính khoảng 30cm, dài khoảng 40cm. Để lấy tổ kiến, anh Tuấn dùng một cái móc bằng cành cây kéo xuống và nói: “Lấy tổ kiến xuống đòi hỏi phải thao tác thật nhanh để không bị kiến đốt vì vậy trước khi chặt cành cây, tôi phải tỉa phát các cành vướng để thao tác cho nhanh”.
Chặt tổ kiến xong, anh đưa đến một bãi đất trống để lấy trứng. Đây là công việc khó khăn nhất trong quá trình "săn" trứng kiến. Bởi lúc này, kiến mẹ ra rất nhiều, bò lên người và đốt. Dụng cụ lấy trứng kiến chỉ cần một con dao phay, một cái sàng, một cái mâm và túi đựng trứng. Sau khi cho tổ kiến vào sàng, phía dưới có mâm, anh Tuấn dùng dao chặt tổ kiến ra làm nhiều mảnh. Để tách trứng và kiến ra khỏi tổ, anh Tuấn đã dùng một que gỗ sạch, gọt một đầu nhọn rồi đâm vào các mảnh tổ, lấy dao gõ vào que gỗ là trứng và kiến thợ rơi xuống mẹt tre lẫn lộn nhau.
Sau đó, anh Tuấn chặt một nhánh lá cây bỏ lên mẹt cho kiến thợ bò lên. Sau nhiều lần như thế, anh đã dần tách được kiến thợ và trứng riêng. Theo anh Tuấn, cách "săn" trứng kiến kiểu này không làm tổn hại đến kiến thợ nên chúng có thể làm lại tổ cho mình khai thác những đợt sau. Công việc cuối cùng là sàng trứng kiến để loại bỏ bụi, mụn của tổ kiến rồi cho những hạt trứng kiến trắng như gạo vào túi…
Canh trứng kiến, món ăn độc đáo của người Minh Hóa
Người dân ở huyện Minh Hóa lấy trứng kiến về để chế biến các món ăn, cất trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần hoặc đưa ra chợ bán. Trứng kiến được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng món được chế biến nhiều nhất là canh trứng kiến nấu lá bún.
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa Đinh Xuân Đình cho biết: “Cây bún mọc nhiều dọc khe suối và người dân thường hái những lá non về cắt mịn rồi muối chua. Loại lá này nấu với trứng kiến sẽ làm cho nước canh có vị chua chua của lá bún, vị béo ngậy của ấu trùng trứng kiến. Đây cũng là món ăn dân dã được lưu truyền từ xa xưa của người dân nơi đây”.
“Mỗi chuyến đi "săn" trứng kiến, vợ chồng tôi khai thác khoảng 4-5 tổ kiến, thu về khoảng 2kg trứng. Có những lần khai thác được tổ to, trứng nhiều cũng thu về được 3kg. Giá bán trứng kiến dao động từ 450.000-500.000 đồng tùy vào từng thời điểm. Nhờ nghề "săn" trứng kiến nên mỗi năm gia đình tôi kiếm được hơn 15 triệu đồng trong những ngày nông nhàn”, anh Đinh Quốc Tuấn chia sẻ thêm.
Trứng kiến trước khi chế biến được sàng lọc kiến thợ, các mẩu vụn của tổ kiến rồi ngâm nước muối từ 10-15 phút mới đem chế biến.
Chị Đinh Thị Xuân, chủ một quán ăn trên địa bàn huyện Minh Hóa chia sẻ: “Kiến là côn trùng sống ngoài tự nhiên nên trứng phải đem ngâm nước muối để diệt vi khuẩn rồi mới chế biến. Món canh bún nấu với trứng kiến cũng rất đơn giản, chỉ cần nước sôi lên, cho lá bún vào nấu chín rồi thả trứng kiến vào rồi nêm thêm một số gia vị. Những ngày nắng nóng, khách đến quán ăn thường gọi món này rất nhiều”.
Người dân huyện Minh Hóa cho rằng, trứng kiến là món ăn vừa dân dã, nhưng lại là đặc sản. Tiếp khách bằng món trứng kiến không những thể hiện tấm lòng hiếu khách mà còn thể hiện nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân nơi đây. Anh Đinh Ngọc Tú, một người dân ở thị trấn Quy Đạt chia sẻ: “Mỗi lần có khách từ xa đến trong dịp đầu hè, tôi thường đi quanh vườn tìm tổ kiến để lấy trứng nấu canh đãi khách. Có những lúc trong vườn không có kiến thì phải xuống chợ hoặc đến các quán ăn để mua lại”.
Thời điểm giữa tháng 5 này, dù vào dịp cuối mùa nhưng vẫn còn nhiều người vào rừng săn trứng kiến. Bởi với họ, nghề này không những mang lại nguồn thu nhập khá mà còn là nét văn hóa đặc trưng lâu đời của người dân vùng cao nơi đây. Trong dịp này, nếu ai có dịp đến Minh Hóa chắc chắn sẽ gặp những mẻ trứng kiến được bày bán ở chợ Quy Đạt hoặc các món ăn được chế biến từ trứng kiến tại các quán ăn, nhà hàng…
Theo Báo Quảng Bình
- Bánh bèo Quảng Bình có gì khiến thực khánh phải lưu luyến? (28/04/2023)
- Nhớ hông bồi và con ốc đực (28/04/2023)
- Độc đáo món cháo bánh canh nửa quen nửa lạ, chinh phục thực khách đến Quảng Bình (11/04/2023)
- 5 đặc sản Quảng Bình ngon quên lối, du khách lùng mua làm quà (15/03/2023)
- Cháo bánh canh Quảng Bình và hành trình thiên di vạn dặm (13/02/2023)
- Sò huyết… lên mâm (31/10/2022)
- Quảng Bình có 04 món ăn, đặc sản được chọn vào Top món ăn đặc sản, quà tặng Việt Nam 2021 - 2022 (29/08/2022)
- Cháo bánh canh Lệ Thủy (29/07/2022)
- Nhọc nhằn nghề "canh sóng" hái rong biển (18/02/2022)
- 3 quán cà phê đẹp, nhiều góc check-in ở Quảng Bình (13/05/2021)