Chi tiết tin - Du khách
Cháo bánh canh Quảng Bình và hành trình thiên di vạn dặm
Trong vô vàn nỗi nhớ cố hương luôn có sự hiện diện của một nỗi nhớ giản đơn về món ăn chất chứa nhiều kỷ niệm. Trong hành trang ly hương của nhiều thế hệ người Quảng Bình có niềm thương, nỗi nhớ về món cháo bánh canh đậm đà vị quê. Vượt thời gian và không gian, món cháo bánh canh Quảng Bình đã có một hành trình thiên di vạn dặm để “vững chân” trên nhiều vùng đất mới.
Món cháo bánh canh Quảng Bình đậm đà hương vị
Vừa cháo, vừa bánh, vừa canh
Không phải đơn giản mà cháo bánh canh trở thành món ăn gợi nhớ của bao thế hệ người Quảng Bình ly hương. Trong hương vị đậm đà của món ăn bình dân ấy thấm đẫm bao triết lý nhân sinh, chất chứa hồn vía của một vùng đất sát sông, giáp biển. Vạn vật đổi dời theo thời gian, có những điều cũng bị lãng quên theo năm tháng nhưng hương vị những món ăn như cháo bánh canh Quảng Bình vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.
Nhắc đến cháo bánh canh Quảng Bình không thể bỏ qua cháo bánh canh Ba Đồn với cách chế biến và nguyên liệu đặc trưng. Như người miền Bắc ăn phở chung với quẩy, thưởng thức bánh canh Ba Đồn phải kèm với ít ram-thứ bánh tráng mỏng, cuốn cùng nhân thịt được băm nhuyễn tẩm ướp gia vị, sau đó mang chiên giòn vàng rộm.
Món ăn của người nghèo khó ngày xưa nay lại trở thành đặc sản níu chân thực khách phương xa. Đến Quảng Bình, khám phá thiên đường ẩm thực địa phương, chắc chắn du khách sẽ tìm đến món cháo bánh canh Quảng Bình. Sợi cháo được làm từ bột gạo, nấu chung với cá đồng.
Lâu dần, người dân cải biến thêm nhiều công thức chế biến khác nhau với phong phú gia vị, thực phẩm nấu kèm. Thực khách phương xa lần đầu thưởng thức cháo bánh canh Quảng Bình đều tò mò bởi cái tên rất lạ của món ăn này. Lạ là bởi một món ăn nhưng vừa là cháo, vừa là bánh, vừa là canh. Nhưng vì lạ nên nhớ lâu, vì yêu nên tìm đến.
Bột cháo canh Kính Hương đã vượt ra khỏi không gian chợ quê chật hẹp, vươn ra những thị trường rộng lớn hơn
Tinh hoa từ đất theo người đi xa
Sau khi xuất ngũ trở về quê, hơn 30 năm trước, ông Phan Văn Kính (xã Bắc Trạch, Bố Trạch) bắt tay vào làm nghề sản xuất bột cháo bánh canh. Từ chỗ chỉ làm vài ki-lô-gam để vợ đưa ra chợ bán, lâu dần, bột cháo bánh canh của ông đã được nhiều người biết tới, quy mô sản xuất cũng ngày càng mở rộng. Ông mạnh dạn đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công. Không dừng lại việc chế biến ra bột tươi, ông đã mua thêm máy sấy, tập trung phát triển sản phẩm bột cháo bánh canh sấy khô.
Bí quyết để có tô cháo bánh canh ngon đậm vị quê không chỉ ở cách chế biến mà còn là độ dẻo ngon của sợi bột nguyên liệu. Bột cháo canh Kính Hương có hương vị đặc trưng nhờ sử dụng 100% gạo của bà con Bố Trạch, Lệ Thủy làm ra, không sử dụng chất bảo quản, chất làm trắng cùng với công thức riêng biệt của gia đình.
Sau khi đạt chuẩn OCOP 3 sao và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022, “tấm vé thông hành” này đã giúp cho sản phẩm có cơ hội vươn ra các thị trường rộng lớn hơn.
Sản phẩm bột cháo bánh canh khô đã theo chân những người con xa xứ đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước và ra nước ngoài. Mỗi tháng, cơ sở chế biến của ông bán khoảng 500kg bột khô cho người dân đưa đi các nước, trong đó chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.
Mùa du lịch, bột cháo canh Kính Hương trở thành món quà đặc sản cho du khách khi đến Quảng Bình. Vậy là, sản phẩm kết tinh từ hạt gạo-tinh hoa của đất đã vượt ra khỏi không gian chợ quê chật hẹp, vươn ra thị trường rộng lớn hơn.
“Vững chân” trên vùng đất mới
Trên hành trình thiên di vạn dặm tìm chốn mưu sinh, người Quảng Bình mang theo nỗi nhớ về món cháo bánh canh quê nhà đến vùng đất mới. Nỗi nhớ thành hình hài khi họ mở các quán cháo bánh canh Quảng Bình nơi đất khách, dần dà trở thành món ngon độc đáo, được cư dân bản địa và du khách thập phương nhiệt tình đón nhận.
Dọc con đường thiên lý Bắc Nam, nơi đâu có người Quảng Bình sinh sống, nơi đó có sự hiện diện của những quán cháo bánh canh Quảng Bình. Nhiều quán đã có mặt ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu… và trở thành địa chỉ quen thuộc của không chỉ người Quảng Bình xa quê.
Anh Nguyễn Hà, quê ở TP. Đồng Hới, hiện đang sinh sống ở Thủ đô Hà Nội đã mở quán "Quảng Bình Ơi" bán các món ăn đặc sản Quảng Bình, trong đó, món chủ đạo là cháo bánh canh. “Thời gian đầu, tôi mở quán cho con em Quảng Bình ở đất Thủ đô đến ăn những món quê nhà để vơi bớt nỗi nhớ quê hương.
Đây cũng là điểm hẹn để anh em đồng hương giao lưu gặp gỡ nhau, thoải mái nói giọng quê mình. Nhưng sâu xa hơn là mong muốn quảng bá món ăn của quê hương thân yêu đến với thực khách mọi miền sống trên đất Hà Thành và cũng có một kỳ vọng sẽ đưa bánh canh Quảng Bình vào thực đơn ăn sáng quen thuộc như với phở, bún ở Hà Nội…”, anh Hà chia sẻ.
Trong hành trình tìm kiếm quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác lập top 100 món ăn đặc sản và top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Quảng Bình vinh dự có 2 món ăn và 2 đặc sản quà tặng được bình chọn, trong đó có món cháo bánh canh cá lóc.
Người dân TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã thân thuộc với sự hiện diện của nhiều quán cháo bánh canh Quảng Bình nơi vùng đất này. Chủ quán có khi không phải là người Quảng Bình nhưng vì trót yêu một món ăn mà mày mò học hỏi rồi mở quán mưu sinh. Nhưng hầu hết, người đứng bếp của các quán cháo bánh canh Quảng Bình ở Vũng Tàu đều là người Quảng Bình tha phương.
Anh Trần Văn Tiến, quê ở xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) xa quê đã nhiều năm và bám trụ ở thành phố biển này bằng ngón nghề gia truyền: Bán cháo bánh canh cá lóc Quảng Bình. Ngày còn ở quê, cả gia đình ngoại của anh đều sống bằng nghề bán cháo bánh canh ở thị trấn Ba Đồn xưa. Như gánh cháo mưu sinh của bà, của mẹ anh đã vượt quãng đường xa ngái từ Quảng Thạch xuống thị trấn trong những ngày cũ, những năm sau đó, món cháo bánh canh gia truyền lại theo chân thế hệ hậu sinh tỏa đi muôn nơi.
Người mở quán ở Đồng Nai, người ở quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), còn anh mở liền 2 quán tại TP. Vũng Tàu. Cậu ruột của anh Tiến còn mở hẳn một xưởng sản xuất bột cháo bánh canh ở Đồng Nai để bán cho người dân địa phương. Hành trang ly hương là công thức bí truyền về món ăn truyền thống nhưng được nêm nếm điều chỉnh theo khẩu vị, thói quen ăn uống của người dân bản địa. Mỗi quán một cách chế biến khác nhau nhưng điểm chung là mọi nguyên liệu đều được lấy từ quê nhà Quảng Bình và phải giữ được hồn cốt của món ăn, cho thực khách cảm giác ấm áp như chính tâm hồn của người Quảng Bình mộc mạc và hồn hậu.
Ẩm thực là văn hóa tinh thần, hàm chứa những câu chuyện đời người, lịch sử của một vùng đất. Cháo bánh canh Quảng Bình là tinh túy ẩm thực được chắt chiu từ đời sống, là sợi dây kết nối nguồn cội, lưu giữ ký ức về vùng đất gần sông, sát biển. Tinh hoa ấy cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị bền vững.
Theo Báo Quảng Bình
- Sò huyết… lên mâm (31/10/2022)
- Quảng Bình có 04 món ăn, đặc sản được chọn vào Top món ăn đặc sản, quà tặng Việt Nam 2021 - 2022 (29/08/2022)
- Cháo bánh canh Lệ Thủy (29/07/2022)
- Nhọc nhằn nghề "canh sóng" hái rong biển (18/02/2022)
- 3 quán cà phê đẹp, nhiều góc check-in ở Quảng Bình (13/05/2021)
- Đến Quảng Bình đừng bỏ lỡ món ăn này (09/09/2020)
- Vấn vương hương vị cháo canh Ba Đồn (21/04/2020)
- Cầm 200 nghìn ăn sạch món ngon Quảng Bình với 8 quán chỉ người bản địa mới biết (04/04/2019)
- Canh nấm tràm, gỏi cá nghéo nổi tiếng ở Quảng Bình (23/01/2019)
- Bánh lọc Quảng Bình - thương hiệu món ngon vạn người mê, triệu người tín (16/11/2018)