Chi tiết tin - Du khách
Âm vang giữa đại ngàn Trường Sơn
Dẫn tôi lội qua hết con suối nhỏ rồi bám theo lối mòn giữa bãi bồi mơn man sắc xanh cây cỏ hướng về phía lèn cao vợi, Trưởng bản Khe Cát Hồ Ba (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) bảo: “Con có thấy hòn núi cao trước mặt không, đó là núi Chồng, sừng sững chọc thẳng lên trời đằng Đông. Đối diện núi Chồng là núi Vợ, ở non Tây, phía bản Khe Cát mới định canh định cư hiện tại. Dưới chân núi Chồng, bao đời nay, người Bru-Vân Kiều hàng năm vào khoảng từ ngày 11-14/7 âm lịch lại hẹn nhau tổ chức lễ hội trỉa lúa “riêng có” của dân tộc mình”.
Một điều trưởng bản Hồ Ba không “bật mí” với tôi là dưới chân núi Chồng vẫn còn khoảng chục nóc nhà sàn của đồng bào Bru-Vân Kiều ở lại với bản Khe Cát cũ, trong đó có gia đình già làng Hồ Ai, một “cội lim già” giữa núi rừng Trường Sơn, bà con kính trọng gọi là “Người níu giữ mạch nguồn văn hóa truyền thống đồng bào Bru-Vân Kiều”. Lâu và thật lâu... già Hồ Ai không còn nhớ, mình được dân bản tín nhiệm cử làm chủ lễ lễ hội trỉa lúa bao nhiêu lần.
Tranh thủ thời gian trước khi lễ hội chưa bắt đầu, tôi ngồi cạnh Hồ Ai để nghe già kể lại ngọn nguồn gốc tích lễ hội trỉa lúa: “Từ xa xưa, người Bru-Vân Kiều sinh sống giữa núi rừng Trường Sơn. Đồng bào trồng lúa, ngô, sắn theo lối chặt-đốt-cốt-trỉa..., sản xuất rất bấp bênh. Hạt giống gieo xuống đất phải trông chờ vào ông trời có cho mưa thuận gió hòa, thần rừng có giữ chim chóc, muông thú đừng ra phá hoại..., nhờ đó, đồng bào mới được một vụ mùa no đủ. Để mong đất trời an yên, mùa màng tươi tốt, hàng năm người Bru-Vân Kiều tổ chức hai lễ hội chính gồm lễ hội trỉa lúa và lễ hội cúng cơm mới. Các thế hệ đồng bào gìn giữ, phát huy, lưu giữ cho đến tận bây giờ”, già Hồ Ai vào chuyện.
Già làng Hồ Ai thực hiện nghi thức phần lễ tế thần linh trong lễ hội trỉa lúa
Cũng theo già Hồ Ai, không phải đồng bào Bru-Vân Kiều tất cả các bản làng giữa núi rừng Trường Sơn phía Tây Quảng Bình ở các huyện: Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy đều duy trì lễ hội trỉa lúa hàng năm mà chỉ có xã Trường Sơn “níu giữ” được. Tại 15 bản, nơi định cư của trên 751 hộ, 3.263 khẩu đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn thì bản Khe Cát trở thành vùng “đất lành” bà con tìm về dịp cận kề rằm tháng bảy, vui chung lễ hội trỉa lúa.
Vùng “đất thiêng” chọn cất cây nêu, đặt bàn thờ cúng Giàng và thần linh nằm dưới chân núi Chồng, phía đầu bản Khe Cát cũ, nơi những gốc cây cổ thụ lớn đến vài người ôm, thân gỗ xù xì nhuốm màu thời gian. Trưởng bản Hồ Ba khoe rằng: "Năm ni cuộc sống bà con khấm khá hơn nên vật dâng lên Giàng và thần linh là một con bò. Sau khi làm lễ tế sống xong, con bò sẽ được mổ thịt, người dân từ 15 bản và khách quý cùng nhau vui chung trong phần hội".
Buổi sáng sớm, núi rừng Trường Sơn phủ mưa nặng hạt. Lạ thay, sắp đến giờ diễn ra lễ hội trỉa lúa, mưa ngớt dần, trên chóp núi Chồng, vài tia nắng vượt qua báo hiệu giờ lành đã đến. Khi mặt trời soi rõ vùng “đất thiêng”, phần lễ tế bắt đầu.
Ngày 3/2/2021, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 608/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có lễ hội Trỉa lúa của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn thuộc loại hình lễ hội truyền thống. Theo ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị lễ hội là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã. Lễ hội trỉa lúa là hồn cốt, bản sắc văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều; đồng thời mở ra cơ hội để phát triển du lịch sinh thái gắn liền với du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng trên địa bàn xã.
Già làng Hồ Ai trong trang phục truyền thống uy nghiêm, mái tóc chảy dài đến tận lưng trắng tựa cước, ánh mắt hút hồn trước khán thờ, tiếng già trầm trầm dội vào lèn núi đá, dội lại, vang xa. Chủ lễ cáo với trời, đất, xứ thần gồm: Thần núi, thần sông, thần rừng, thần muông thú... và ông bà, tổ tiên, những người đã khuất... về chứng giám lòng thành, vui cùng lễ hội với đồng bào, phù hộ độ trì giúp đồng bào sức khỏe, một năm mưa thuận gió hòa, lúa ngô tươi tốt, vụ mùa ấm no.
Xong phần lễ tế thần linh, kế tiếp là nghi thức lễ trỉa lúa. Dưới gốc cây nêu, già Hồ Ai và người phụ lễ đánh chiêng, trống cùng thực hiện. Sau một hồi chiêng, trống, bài tế có tên “Lấp lỗ” được già Hồ Ai xướng lên bằng tiếng bản địa, phiên thành tiếng Việt hàm ý như sau: Hôm nay đồng bào làm lễ trỉa lúa, các xứ thần, tổ tiên, ông bà hội ngộ về đây, cầu mong trời đất giao hòa, ban cho hạt giống tốt tươi, to cây, sây hạt. Ơ...! Đàn ông thì đâm lỗ, đàn bà thì gieo hạt. Hạt gieo xuống đất, nhanh nhanh lấp lại để con chim, con thú không đến phá hoại. Ơ...! Hạt giống tốt mọc lên cây lúa, cây ngô, cây đỗ khỏe mạnh, cho đồng bào có mùa màng bội thu, cuộc sống thêm no ấm...
Phần múa hát những làn điệu dân ca truyền thống Bru-Vân Kiều tại lễ hội trỉa lúa
Kết thúc phần lễ, già Hồ Ai cầm một bầu hạt giống di chuyển vòng quanh cây nêu thực hiện nghi thức gieo hạt. Theo chân chủ lễ, dân bản, trai thanh nữ tú trong trang phục truyền thống, người nữ lưng đeo gùi, người nam tay cầm gậy chọc lỗ tái hiện lại công việc “cốt-trỉa” của cha ông ngày xưa.
Lễ hội kết thúc kịp lúc những mâm cỗ được dọn ra. Khách, chủ không ai mời ai, tự quây quần quanh mâm cỗ. Ché rượu cần dâng cho thần linh giờ con cháu hưởng lộc, chảy tràn đến mềm môi. Đồng bào vừa ăn, vừa trò chuyện vui vẻ, cùng tham gia các trò chơi dân gian và hát múa những làn điệu dân ca truyền thống.
Khi hơi rượu nghiêng nghiêng say trong mắt Hồ Ai, tôi hỏi vui già: “Qua mùa lễ hội trỉa lúa này, có ai bên phía núi Chồng qua tìm đôi, tìm lứa bên núi Vợ hay không? Để sớm thành vợ, thành chồng?”. Già Hồ Ai vuốt chùm râu dài sơn cước cười rổn rảng.
Theo Báo Quảng Bình
- Quảng Bình: Đồng bào Vân Kiều vui Lễ hội Gieo hạt (30/08/2023)
- Về Quảng Ninh xem lễ hội đua thuyền (29/08/2023)
- Đưa hò thuốc cá vào trường học (25/08/2023)
- Khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (25/07/2023)
- Linh thiêng lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (20/04/2023)
- Lễ Hội "Xuân thủ kỳ yên" năm 2023 tại phường Hải Thành (09/03/2023)
- Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (09/03/2023)
- Lễ mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (07/03/2023)
- Top 8+ lễ hội Quảng Bình mang đậm văn hoá truyền thống độc đáo (13/02/2023)
- Lễ Cầu Ngư làng Cảnh Dương (07/02/2023)