Khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số

Post date: 25/07/2023

Font size : A- A A+

Bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là một trong những nhiệm vụ được Quảng Bình rất chú trọng. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc.

Vùng đồng bào DTTS Quảng Bình có các di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể, như: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian…, nổi bật nhất là lễ hội truyền thống. Đây là những DSVH phi vật thể quý báu từ ngàn xưa để lại và đang được các địa phương bảo tồn, phát triển, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc.
 
Những năm gần đây, thực hiện Chương trình hành động số 28-CTr/TU, ngày 29/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, nhiều lễ hội truyền thống đang được phục dựng, bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa vốn có, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS và miền núi đã được công nhận DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội đập trống của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, Bố Trạch), lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) và lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy).

Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều.

Năm 2022, trong khuôn khổ dự án mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng, Cục DSVH (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) và Sở Văn hóa-Thể thao đã tổ chức buổi trưng bày và thực hành trình diễn lễ hội  mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều và dự án bảo tồn, phát huy lễ hội đập trống của người Ma Coong gắn với xây dựng nông thôn mới. 
 
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa-Thể thao thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể của đồng bào DTTS và miền núi; thực hiện tốt các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; triển khai hiệu quả những chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”. Năm 2022, ngành đã xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại xã Trường Sơn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều.
 
Ngành Du lịch cũng đã quan tâm đến việc phát triển sản phẩm du lịch ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Qua đó, du khách được khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng đồng bào DTTS. Cùng với việc khám phá những địa danh du lịch, như: Thung lũng bản Còi và hệ thống hang Chà Lòi (xã Ngân Thủy), khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn (Minh Hóa)..., người dân, khách du lịch còn được hòa mình vào các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS.
 
Theo ông Lê Đại Thắng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao: Việc bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn xây dựng thành các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương. Từ đó, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Quản lý DSVH phi vật thể, Cục DSVH cho biết: Bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS và miền núi nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH theo hướng bền vững; đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng.
 
Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ này, Quảng Bình cần xây dựng cơ chế, chính sách, đội ngũ chuyên gia; đẩy mạnh hoạt động hoạt động tuyên truyền, quảng bá về DSVH phi vật thể. Mặt khác, cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong triển khai các hoạt động và có chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, nhà nghiên cứu có công nắm giữ, truyền dạy DSVH phi vật thể nhằm phát huy tính hiệu quả của công tác xã hội hóa và huy động tối đa nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động bảo tồn.
 
Thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị những lễ hội truyền thống đã được công nhận DSVH phi vật thể quốc gia của đồng bào DTTS.

Theo Báo Quảng Bình

More