Huyện Lệ Thủy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Post date: 21/07/2023

Font size : A- A A+

(Quang Binh Portal) - Là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển du lịch, trong những năm qua, huyện Lệ Thủy đã có nhiều chương trình, cơ chế, chính sách nhằm thu hút, phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Lộc Thủy là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh

Xác định du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã quan tâm quy hoạch và đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, thương mại dịch vụ. Nhiều công trình lớn đã và đang được hình thành có tính chất thúc đẩy, kích cầu hoạt động dịch vụ, du lịch phát triển như: Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa Hoằng Phúc, miếu Thần Hoàng; đường từ Quốc lộ 1 nối Quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc; cầu Lộc Thủy - An Thủy; đường ven biển... Bên cạnh đó, huyện cũng đã phối hợp để kêu gọi đầu tư triển khai một số dự án du lịch trọng điểm nhằm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của huyện, đó là: Khu Du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang, Khu nghỉ dưỡng Khe nước lạnh tại Ngân Thủy, Khu nghỉ dưỡng sinh thái Đàn Điểm tại Cam Thủy… góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch, dịch vụ của huyện nhà.

Song song với phát triển kinh tế, sau một thời gian gián đoạn do dịch bệnh, địa phương cũng tổ chức lại các lễ hội văn hóa thể thao, tâm linh như Lễ hội Bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc nhằm thu hút đông đảo du khách đến với huyện. Công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của quê hương Lệ Thủy còn được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kênh thông tin truyền hình của tỉnh và Trung ương, đưa Du lịch Lệ Thủy đến với du khách trong nước và quốc tế. Nhờ đó, lượng du khách đến với Lệ Thủy giai đoạn 2021 - 2023 đạt 422.000 lượt đạt 44% kế hoạch, trong đó khách du lịch quốc tế 1.658 lượt, vượt chỉ tiêu đề ra.

Du khách đến tham quan và tìm hiểu nét đẹp văn hóa bản địa của bà con dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Còi Đá, xã Ngân Thủy

Ngoài các loại hình, sản phẩm du lịch đã có, UBND huyện đã phối hợp với Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức phục dựng Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy trong Chương trình Hành trình Di sản kết nối du lịch; trùng tu tôn tạo một số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện như: Miếu Thần Hoàng, Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Khu Di tích lịch sử vụ thảm sát Mỹ Trạch; kêu gọi nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa một số công trình có giá trị về văn hóa tâm linh nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân trên địa bàn gồm công trình văn hóa tâm linh Đền Trôốc Vực (thôn An Sinh, xã Trường Thủy….), góp phần làm phong phú thêm các loại hình, sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện.

Mặt khác, huyện đã chủ động phối hợp với Sở Du lịch quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cộng đồng, marketing bán hàng… từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch thực sự nhạy bén, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tâm và có trách nhiệm cao với sự nghiệp phát triển du lịch của huyện nhà. Địa phương cũng chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo huyện lồng ghép, tích hợp nội dung về phát triển du lịch, đưa Hò khoan Lệ Thủy vào hoạt động ngoài giờ của học sinh nhằm giữ gìn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, phục vụ phát triển du lịch văn hóa.

Hang Chà Lòi ở xã Ngân Thủy là điểm đến vô cùng hấp dẫn khi đến tham quan, trải nghiệm du lịch Lệ Thủy - Quảng Bình

Mặc dù có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng trên địa bàn huyện chưa được đầu tư đồng bộ; quy mô, chất lượng các loại hình dịch vụ thiếu đảm bảo để thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; việc thu hút đầu tư phát triển dịch vụ chưa mạnh, tiến độ triển khai dự án còn chậm; một số loại hình dịch vụ phát triển còn mang tính tự phát, phân tán; một vài điểm có tiềm năng du lịch chưa được quan tâm đầu tư, tạo được uy tín, thương hiệu. Cùng với đó, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ - du lịch còn hạn chế; một số sản phẩm du lịch chưa được đưa vào khai thác kịp thời; công tác xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực, tâm huyết đầu tư vào phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng du lịch hiện có của huyện.

Để du lịch Lệ Thủy thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thời gian tới, huyện Lệ Thủy sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của ngành dịch vụ - du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo bền vững của huyện trong giai đoạn mới.

Huyện cũng đẩy mạnh quảng bá giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và giá trị sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc sắc, riêng có của Lệ Thủy đến với du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế, nhất là du lịch về văn hoá, tâm linh và du lịch trải nghiệm; nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong việc xây dựng, bảo vệ, gìn giữ hình ảnh du lịch Lệ Thủy độc đáo, thân thiện, mến khách; thúc đẩy xúc tiến du lịch, kêu gọi doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết đầu tư vào những dự án du lịch, thương mại dịch vụ trên địa bàn, góp phần hình thành điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh gắn với hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội và dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực có sức thu hút đối với du khách.

Đặc biệt, địa phương cũng sẽ quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, trước mắt là đẩy nhanh tiến độ thi công công trình hạ tầng về giao thông, văn hóa, dịch vụ… đang được triển khai; chú trọng phát triển hoạt động dịch vụ - du lịch trong cộng đồng dân cư gắn với phát triển sản xuất, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa, ngành nghề, làng nghề thủ công truyền thống như mộc mỹ nghệ, đan lát, chiếu cói, làm nón, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ... nhằm hình thành điểm tham quan, du lịch trải nghiệm cho du khách và đa dạng hóa các loại hình du lịch; xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu có thương hiệu để trưng bày, giới thiệu cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lệ Thủy tạo điều kiện sớm đưa Lệ Thủy trở thành trung tâm du lịch sinh thái - cộng đồng - lịch sử - tâm linh… của tỉnh.

Với nhiều giải pháp tập trung triển khai, tin rằng, Lệ Thủy sẽ tiếp tục nỗ lực để khơi dậy tiềm năng, lợi thế ngành Du lịch cũng như thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2020 - 2025. 

CTV Hồng Mến (Trung tâm VH-TT&TT Lệ Thủy)

More