Đầu tư Du lịch Quảng Bình: Cần tầm nhìn xa để phát triển mạnh - Bài 3: Du lịch Quảng Bình: Quy hoạch và đầu tư cần tầm nhìn xa

Post date: 22/12/2022

Font size : A- A A+

Công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tỉnh Quảng Bình cần những “con sếu đầu đàn” để dẫn dắt phát triển xa hơn, mạnh hơn…

Cần tầm nhìn xa, giải pháp đột phá

Ở góc nhìn của chuyên gia quy hoạch, KTS. Trần Ngọc Chính - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam đánh giá: Du lịch tỉnh Quảng Bình là điểm đến an toàn, hấp dẫn, khác biệt. Tuy vậy, thời gian qua, việc phát triển hạ tầng du lịch tại tỉnh Quảng Bình còn một số hạn chế, bất cập…

Để phát triển du lịch Quảng Bình, ông Chính nhấn mạnh, cần đảm bảo tính hiệu quả và bền vững, công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cần có tầm nhìn xa hơn và có những giải pháp đột phá.

Trước hết, theo KTS. Trần Ngọc Chính: Cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải gắn với phát triển du lịch, dựa vào các cụm du lịch đã được quy hoạch. Hiện đại hóa mạng lưới giao thông công cộng tại các khu, điểm du lịch; nâng cao chất lượng các loại hình vận tải, mở rộng một số đường bay quốc tế để phát triển du lịch.

Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Đồng Hới; hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng biển tại khu vực Hòn La, cảng Gianh và hệ thống bến thuyền du lịch sông Gianh và sông Nhật Lệ. Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu vực thuộc quy hoạch Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các khu vực có tiềm năng du lịch…

Khám phá Quảng Bình - Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú. Với chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, rất nhiều người có khả năng đi du lịch nên số lượng du khách ngày càng nhiều, nhu cầu lưu trú lại càng tăng, đặc biệt là các cơ sở lưu trú đáp ứng cho nhiều nhu cầu khác nhau của mọi đối tượng. Bên cạnh đó cần có hành lang pháp lý, chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch nhất là hệ thống cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại cao cấp.

Hơn nữa, cần điều chỉnh quy hoạch, phát triển thêm các điểm, vùng du lịch sinh thái, đảm bảo đủ và có chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủy sản phục vụ tốt nhu cầu khách du lịch, đồng thời nghiên cứu xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển các làng nghề theo hướng liên kết phát triển du lịch, phát triển các mô hình “homestay và farmstay” trong một số làng nghề truyền thống điển hình nhằm tạo nên sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến tham quan, lưu trú.

Tiếp theo, cần xác định những cụm tuyến di sản văn hóa tiêu biểu có khả năng đưa vào khai thác du lịch để tập trung nguồn lực đầu tư cho việc cải tạo, bảo tồn và gắn với phát triển du lịch.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương nằm trên tuyến hành lang du lịch, xem xét cải cách thủ tục hành chính xuất nhập cảnh, tạo điều kiện cho du khách quốc tế từ Lào, Thái Lan, Myanmar có điều kiện thuận lợi nhất đến Quảng Bình và ngược lại. Nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết hiện tại, như: mô hình 4 tỉnh “Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa”, mô hình 3 tỉnh “Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”.

Động Thiên Đường - điểm khám phá thú vị

Tiếp đến, cần đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch; xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Quảng Bình gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc.

Điều cần thiết nữa, phải xây dựng các cơ sở đào tạo để nâng cao năng lực điều hành, quản lý hướng đến phong cách, chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, tạo phong cách riêng thu hút thêm nhiều khách lưu trú, thời gian lưu trú làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp.

“Đặc biệt là cần sớm được phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề làm cơ sở xây dựng các quy hoạch cấp dưới, các quy hoạch chuyên ngành. Trên cơ sở đó cần tiến hành rà soát, triển khai lập và xét duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết các khu vực trọng điểm phát triển du lịch để xây dựng các dự án ưu tiên đầu tư phát triển du lịch theo từng giai đoạn”, KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

Hoàn thiện cả hạ tầng “cứng” lẫn hạ tầng “mềm”

Là một chuyên gia kinh tế, từng là Trưởng nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, Tiến sĩ Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Bình phải phát triển, hoàn thiện cả hạ tầng “cứng” lẫn hạ tầng “mềm” để trở thành điểm đến du lịch toàn cầu.

Sức hút bờ biển Quảng Bình

Theo TS Trần Du Lịch, để giải quyết được vấn đề này, tỉnh Quảng Bình phải hoàn thiện cả hạ tầng “cứng” lẫn hạ tầng “mềm”. Theo đó, về hạ tầng cứng, tỉnh Quảng Bình phải thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng. Trong đó, phải thu hút được những nhà đầu tư lớn – những con sếu đầu đàn. Sự hấp dẫn của thị trường du lịch chỉ được tạo dựng từ bước chân của những con sếu đầu đàn, từ đó tạo sức lan toả không chỉ cho thị trường du lịch mà còn cơ hội cả thị trường bất động sản toàn tỉnh.

“Trong thời gian qua lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã chú trọng mời gọi các nhà đầu tư lớn và điều này cần được chú trọng hơn nữa, đặc biệt là trong việc định hình các dự án có quy mô lớn trước hết là để tự tạo ra thị trường, sau là để thúc đẩy thị trường. Tuy nhiên, chỉ nên giao diện tích lớn cho các nhà đầu tư có quy hoạch mang ý tưởng chiến lược, giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất, tránh việc cắt xén, quy mô nhỏ. Với một không gian rộng lớn sẽ đủ để nhà đầu tư phác thảo ra nhu cầu của thị trường, thoả mãn nhu cầu trải nghiệm vẻ đẹp của Phong Nha – Kẻ Bàng, đồng thời nghỉ dưỡng thoải mái tại các khu nghỉ dưỡngvà khách sạn cao cấp. Tỉnh Quảng Bình cũng cần tránh tình trạng ồ ạt cấp phép các dự án, đặc biệt là các dự án có quy mô nhỏ lẻ nhưng không dự báo, tính toán kỹ về quy hoạch, nhu cầu sử dụng dẫn đến thiếu hiệu quả”, TS Trần Du Lịch đề cập.

Tỉnh Quảng Bình có thể “định vị” được thương hiệu cho riêng mình trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng. Tuy vậy, để thu hút dòng vốn và hấp thụ vốn đầu tư hiệu quả thì cần xem giao thông như là mạch máu của cơ thể, xem trọng xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông, để tạo ra sự đột phá. Trong đó, bên cạnh tuyến đường ven biển cần ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho phía Tây tỉnh để phát triển du lịch trên cả 2 cực tăng trưởng, trong đó Phong Nha – Kẻ Bàng là cực tăng trưởng phía Tây đối trọng với thành phố Đồng Hới ở phía Đông, phát triển lan tỏa đến các điểm du lịch khác khác.

Du khách muốn lưu lại những hình ảnh đẹp khi đến Quảng Bình

Chú trọng liên kết vùng - yêu cầu trong phát triển hiện nay và là giải pháp hữu hiệu để luân chuyển áp lực quá tải hạ tầng địa phương. Cần chủ động tiếp xúc, trao đổi cụ thể giữa du lịch Quảng Bình với các địa phương lân cận trong vùng là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và trung tâm phân phối khách ở miền Trung là thành phố Đà Nẵng làm tốt 03 chức năng chính về quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch: quy hoạch; cung cấp dịch vụ hạ tầng và bảo đảm an ninh trật tự để tạo lập cơ chế môi trường thuận lợi cho các chủ thể chính trong hoạt động liên kết là doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển đồng bộ hạ tầng “mềm” và chuyển đổi số ngành du lịch. Hạ tầng “mềm”, trong đó nguồn nhân lực và quản trị du lịch mới là thách thức lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng. Việc đầu tư đào tạo những người làm du lịch chuyên nghiệp khó hơn nhiều so với việc đầu tư xây dựng cơ sở du lịch. Hướng tới du lịch đẳng cấp cao, thì nguồn nhân lực chất lượng cao càng thách thức lớn hơn.

Du lịch toàn cầu ngày nay đang tận dụng lợi thế của công nghệ số. Ngành du lịch tỉnh Quảng Bình cần đi đầu trong phát triển chính quyền số, xã hội số, doanh nghiệp số.

“Du lịch là sự kết nối con tim, Vì vậy phải xây dựng môi trường, người dân để chinh phục được trái tim khách đến. Một du khách cũng là một đại sứ về thương hiệu cho du lịch tỉnh Quảng Bình”, TS Trần Du Lịch chia sẻ.

Theo https://congthuong.vn/

More