Mật ong Tuyên Hóa và lộ trình ra biển lớn...

14:36, Thứ Ba, 26-7-2016

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng miền núi phía Tây Quảng Bình những loại thảo mộc quý hiếm, có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh cao, như: cây sòi đất, cây săng chè, cây hoa chạc chìu, cây trâm... Nhờ đó, mật ong nơi đây không chỉ mang hương vị thơm ngon đặc trưng, màu vàng sánh mịn hấp dẫn, mà còn có nhiều công dụng cho sức khỏe con người.

 Đồng thời, nghề nuôi ong lấy mật đã trở thành sinh kế bền vững mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho bà con. Giờ đây, thay vì phương thức sản xuất thủ công truyền thống, người dân đã có sự liên kết, phối hợp với Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình cùng các dự án phát triển khác, để nâng tầm công nghệ kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi và nhất là xây dựng thành công thương hiệu "Mật ong Tuyên Hóa", mở rộng thị trường tiêu thụ.


Sản phẩm mật ong Tuyên Hóa đa dạng về mẫu mã, chủng loại được kỳ vọng sẽ có bước đột phá chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.

Gần 20 năm nay, ông Nguyễn Quyết Thắng (Thuận Hóa, Tuyên Hóa) đã gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật. Đến với nghề ban đầu chỉ với niềm đam mê, dần dần, ông được đi học các kỹ thuật nuôi ong, nâng cao tay nghề, kỹ năng và bền bỉ duy trì nghề cho đến tận bây giờ.

Trước đây, những người nuôi ong trong xã như ông Thắng đã tự thành lập 3 câu lạc bộ nuôi ong để cùng nhau chia sẻ, học hỏi bí quyết, kinh nghiệm trong nghề và cùng đồng cam, cộng khổ vượt qua mọi khó khăn, vất vả.

Tuy vậy, theo thời gian, 2 câu lạc bộ phải ngừng hoạt động do thiếu kỹ năng quản lý, điều hành, chỉ còn 1 câu lạc bộ là tiếp tục duy trì hoạt động cầm chừng. Năm 2014, câu lạc bộ nuôi ong xã Thuận Hóa "bắt tay" với Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình để đưa nghề nuôi ong lên một tầm cao mới, chuyên nghiệp và hiện đại hơn.

Theo đó, Hội nuôi ong Tuyên Hóa, gồm 5 câu lạc bộ của 5 xã, thị trấn (Thuận Hóa, Kim Hóa, Hương Hóa, Đồng Lê, Lê Hóa) và Hội nuôi ong Minh Hóa (gồm 2 xã là Xuân Hóa và Hồng Hóa), trở thành những mắt xích quan trọng trong chuỗi mô hình liên kết, hợp tác.

Dần dần, các câu lạc bộ nuôi ong tại các xã trên địa bàn hai huyện lại tiếp tục được thành lập mới và tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất. Vừa qua, với sự hỗ trợ của Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) tỉnh, câu lạc bộ nuôi ong xã Thuận Hóa đã thành lập tổ hợp tác nuôi ong gồm 15 thành viên, vừa được hỗ trợ cung cấp giống, kỹ thuật chăn nuôi, vừa kết nối thị trường tiêu thụ...

Sắp tới, hợp tác xã đầu tiên về nuôi ong lấy mật của xã sẽ được thành lập nhằm tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật và thị trường hơn cho người nuôi ong, đồng thời, sự liên kết giữa họ sẽ chặt chẽ hơn, có trách nhiệm và nghĩa vụ hơn.

Ông Thắng hồ hởi cho biết, hiện tại, mọi khâu trong sản xuất mật ong đã chủ động hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, bà con thụ động chờ người đến thu mua, có khi sản phẩm làm ra phải đợi đến cả năm mới đến được tay người tiêu dùng, thì nay, công ty đến thu mua tận nơi, có nhãn mác, chai hũ đóng gói đẹp mắt, yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty cũng thường xuyên có sự tập huấn, giám sát, trả lời thắc mắc về kỹ thuật chăn nuôi cho người nuôi ong.

Ông Thắng đưa ra con số so sánh để thấy rõ sự đổi thay này: Năm 1998, câu lạc bộ nuôi ong xã Thuận Hóa chỉ có 43 đàn ong mật, thu về 175 kg mật/năm, thu nhập mỗi thành viên cao nhất cũng chỉ 15 triệu đồng/hộ/năm, thì nay, tổng đàn đã là hơn 350, mỗi năm thu về 3 tấn mật và thu nhập dao động từ 50-60 triệu đồng/hộ/năm.

Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình, để lộ trình “bay” ra thị trường thành công, bên cạnh khâu đầu vào của chuỗi được quản lý chặt chẽ, công ty có sự hợp tác với các chuyên gia hàng đầu về nghề nuôi ong lấy mật trong công tác tư vấn, phát triển, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong. Hàng tháng, mỗi hộ gia đình đều được các giảng viên đến tận nơi trực tiếp tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật. Bản thân những người nuôi ong có kinh nghiệm, như ông Nguyễn Quyết Thắng, cũng trở thành kỹ thuật viên tư vấn, hỗ trợ cho bà con.

Điều này khiến quá trình học hỏi của bà con dễ dàng và mang tính thực tiễn hơn. Tham gia vào chuỗi, các hộ nuôi ong phải cam kết trong quá trình nuôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không pha chế thêm bất kỳ phụ gia thực phẩm nào, không lẫn tạp chất và côn trùng, mật ong phải có màu sắc và mùi thơm đặc trưng của từng mùa hoa, không pha lẫn mật ong của các vụ khác.

Bên cạnh đó, quy trình sản xuất, xử lý và thành phẩm đều có sự giám sát chặt chẽ, từ khâu lấy mẫu, phân loại, xử lý mật bằng máy hạ thủy phần cho đến kiểm định chất lượng, đóng chai. Nhờ máy hạ thủy phần, công suất 200 lít/lần, mà lượng thủy phần trong mật hạ xuống, làm cho mật béo và thơm ngon hơn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Mật ong Tuyên Hóa là sản phẩm hữu cơ sạch, 100% nguyên chất từ thiên nhiên, không chứa bất kỳ chất bảo quản, chất phụ gia và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài mật ong, công ty còn có các sản phẩm chính là sữa ong chúa và phấn hoa.


Các hộ gia đình tham gia chuỗi liên kết nuôi ong sẽ được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi hiện đại.

Trong tương lai, dự kiến nhiều sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng sẽ được ra mắt, như: mật ong ngâm quất, mật ong chanh đào, mật ong và bột nghệ đen, mật ong và bột quế... Với mẫu mã phong phú, đa dạng, hiện đại, phù hợp với nhu cầu sử dụng, từ chai cho đến hũ, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng đang không ngừng được mở rộng.

Bên cạnh các địa chỉ bán lẻ, siêu thị nhỏ, mật ong Tuyên Hóa đã vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh, như: siêu thị Thái Hậu, siêu thị Co.opmart Quảng Bình... Điều đặc biệt, khách hàng ưu chuộng sản phẩm không chỉ ở người cao tuổi, trung niên, mà còn các bạn trẻ, các bà nội trợ.

Thương hiệu đã có, sản phẩm chất lượng cao đang duy trì, nhưng khó khăn lớn nhất để đưa mật ong Tuyên Hóa tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng chính là việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn không ít hạn chế. Người tiêu dùng trong cả nước vẫn xa lạ với thương hiệu, trong khi nguồn vốn quay vòng trong tiêu thụ sản phẩm khá eo hẹp, doanh nghiệp mới thành lập, còn non trẻ và hạn chế kinh nghiệm trong kinh doanh.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình khẳng định, ba mục tiêu mà công ty đang hướng đến, đó là thương hiệu sản phẩm mật ong Quảng Bình được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng, góp phần thúc đẩy nghề nuôi ong phát triển, tạo thu nhập tăng thêm từ 30-50% cho người dân tham gia chuỗi; có được các vùng tổ chức sản xuất mật ong bảo đảm chất lượng cao heo quy trình sản xuất, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm và nỗ lực để doanh số bán hàng tăng bình quân hàng năm từ 30-40%.

Để hoàn thành các mục tiêu này, công ty sẽ từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm và công đoạn đóng gói bao bì nhằm nâng cao hình ảnh thương hiệu sản phẩm và kích thích nhu cầu sử dụng. Đồng thời, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu sẽ được đầu tư chú trọng mạnh mẽ hơn nữa. Các hoạt động khuyến mãi, đặc biệt là chương trình chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ mật ong, sẽ được sử dụng nhằm tăng doanh số bán hàng.

 

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác