Làng gốm Mỹ Cương

10:43, Thứ Tư, 30-7-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Làng Mỹ Cương chỉ cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng vài cây số và cũng ở trong địa phận thành phố, một làng quê bình dị và khiêm tốn nhưng ít ai biết đến ngày xưa, Mỹ Cương là một làng gốm nổi tiếng.

Làng Mỹ Cương ở bên tả ngạn con sông nhỏ Phú Vinh, một nhánh của sông Lệ Kỳ, một làng quê từng chứa đựng những nét văn hóa, lịch sử có giá trị. Theo các tài liệu cũ của các dòng họ trong làng thì Mỹ Cương đã có cách đây khoảng 450 năm. Các vị thủy tổ của các dòng họ trong làng là Lê, Trần, Nguyễn, Hà, Phạm và Hoàng đã được nhà Nguyễn sắc phong là Thành Hoàng, trong đó hai họ đến đây sớm nhất là Hà và Lê.

Dân Mỹ Cương xưa làm nghề nông và gốm, trong đó nghề gốm là chính. Nghề gốm Mỹ Cương được truyền lại từ một làng gốm ở phía bắc sông Gianh, đó là làng Lò Đôộc thuộc làng Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Tuyên Hóa, cũng là một làng gốm nổi tiếng từ lâu đời. Tuy nhiên, từ khoảng 50 năm nay, ngọn lửa từ lò gốm Mỹ Cương đã tắt.

Tháng 3-1997, các nhà khảo cổ học Nhật Bản và Việt Nam đã tiến hành khai quật tại Mỹ Cương. Trong 3 lò gốm được khai quật, các nhà khảo cổ học Nhật Bản cho biết: lò gốm sớm nhất ở đây được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, muộn nhất là cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Tại đây còn có các mảnh gốm của các lò gốm Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến, là những lò gốm rất nổi tiếng trong lịch sử nghề gốm của Trung Quốc dưới thời nhà Thanh, đã giúp cho các nhà khảo cổ học xác định tuổi của lò gốm Mỹ Cương khá chính xác.

Qua các nhà khảo cổ học Nhật Bản, chúng ta được biết từ xưa gốm Mỹ Cương đã có mặt ở Nhật Bản và Ai Cập. Ông Tezuca, Viện trưởng Viện Khoa học Kamacura cho biết: người Nhật tìm về với gốm Mỹ Cương là tìm về một loại gốm sành phục vụ cho trà đạo. Người Nhật rất thích loại gốm này bởi chúng nặng, chắc khỏe, giữ được hương vị nguyên chất của trà, lại rất bình dị, gần gũi với người Nhật và văn hóa Nhật.

Qua cuộc khai quật các lò gốm cổ tại Mỹ Cương cho thấy đồ gốm được sản xuất ở đây gồm ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, bình vôi, chum, vại, ang, hũ, vò, ngói liệt,... Các sản phẩm đều được láng ngoài bằng một lớp men nước tro để khi nung chín sẽ tạo cho da của gốm có màu nâu đậm khá đẹp. Các sản phẩm không được tạo hoa văn bên ngoài, cũng có một số hoa văn hình sóng nước, hình chải lược, hình tam giác.

Công cụ để làm gốm chủ yếu là bàn xoay, mặt bàn được làm bằng gỗ tốt, đường kính độ 70-90cm. Các dụng cụ khác gồm thuổng xắn đất, cuốc, dao cắt góc, giá đỡ, nạo sắt, kéo cắt đất. Lò nung gốm là loại lò cóc đứng và lò cóc nằm, xây bằng gạch chịu lửa. Nhiên liệu để nung gốm là củi. Những người thợ gốm Mỹ Cương rất giỏi trong việc nung gốm, có tay nghề cao đã tạo cho sản phẩm đẹp có chất lượng tốt. Sản phẩm đẹp còn do tay nghề của các chị, các bà "chuốt gốm" ở giai đoạn cuối cùng.

Vì sao gốm Mỹ Cương lại có giá trị như vậy? Đó là do đặc tính quý báu của nguyên liệu sét, loại đất vô cùng quan trọng để làm ra gốm. Đất sét ở đây được thành tạo trong một thềm sông cổ không lớn ở cạnh làng, bên bờ trái sông Phú Vinh. Đất sét có màu nâu đỏ mà dân gian gọi là "đất gân trâu", rất mịn, dẻo và dai. Lớp đất sét này nằm dưới lớp đất mặt (đất canh tác) ở độ sâu 30-40cm và dày từ 1,5-2 mét. Trữ lượng đất sét ở đây còn lại khá nhiều, tuy nhiên chưa được đánh giá lại.

Nghề gốm Mỹ Cương xưa cũng đã có một thời đem lại cho dân làng sự thu nhập khá. Đời sống của họ no ấm, sung túc hơn các nghề nông và đánh cá. Trong kháng chiến chống Mỹ, nghề gốm Mỹ Cương đã bị dừng lại, tiếp theo là quy luật thị trường cạnh tranh nghiệt ngã, nghề gốm ở đây cũng đi vào dĩ vãng. Thật tiếc cho một làng nghề một thời nổi tiếng.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác