Rượu quê

15:34, Thứ Tư, 4-6-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Thôn Tuy Lộc (Lộc Thuỷ, Lệ Thuỷ) từ lâu đã nổi tiếng với nghề nấu rượu truyền thống. Cái tên "rượu Tuy Lộc" đã trở thành "thương hiệu" độc đáo và là niềm tự hào từ bao đời nay của các thế hệ người dân sống trên mảnh đất này. Và có lẽ, với những người dân Lộc Thuỷ xa xứ không có món quà nào quý giá bằng một vò rượu thơm nức của quê hương.

Theo chỉ dẫn của người dân trong vùng, chúng tôi ghé thăm HTX rượu Tuy Lộc (làng nghề Dũng Luật), cơ sở sản xuất rượu truyền thống lớn nhất ở Tuy Lộc để tìm hiểu về nghề nấu rượu truyền thống của làng. Cơ sở không lớn như sự tưởng tượng của chúng tôi nhưng bên trong lại "quy tụ" cả một "xí nghiệp" sản xuất rượu thu nhỏ.

Chị Nhung, một xã viên của HTX dẫn chúng tôi tham quan phòng trưng bày sản phẩm nằm ngay sát cổng ra vào. Bên trong căn phòng nhỏ chỉ chừng 10m2 là rất nhiều bằng khen, giấy chứng nhận chất lượng mà rượu của làng nghề đã đạt được. Chỉ cho chúng tôi chiếc tủ đựng các can, bầu rượu đã được chưng cất, dán nhãn mác cẩn thận, chị Nhung cho biết: "Để có được những sản phẩm như thế này phải trải qua nhiều công đoạn với sự tỷ mẫn, tập trung và cả niềm đam mê của người nấu". Nói rồi, chị dẫn chúng tôi ra khu nấu rượu của HTX. Tất cả các công đoạn từ ủ, nấu, lọc cho đến đóng chai đều được thực hiện ở đây.

Nhiều thế hệ người dân làng Tuy Lộc đang cố gắng giữ gìn hương vị đặc trưng riêng có của rượu truyền thống mà cha ông họ để lại.


Chị Đinh Thị Hồng (50 tuổi), một xã viên của HTX cho hay: "Hầu hết xã viên ở đây đều là những người có kinh nghiệm nấu rượu lâu năm. Tôi tham gia vào HTX này đã hơn 5 năm nay thêm khoảng thời gian nấu ở gia đình, tổng cộng tôi có hơn 10 năm kinh nghiệm. Ngoài làm ruộng, chăn nuôi, hàng tháng tôi cũng kiếm thêm được chút thu nhập từ nấu rượu nên đời sống cũng đỡ vất vả hơn". Chị Hồng cho biết thêm muốn rượu ngon và trong thì người ta dùng loại gạo Việt Nam hoặc X21 được xát kỹ, gạo càng trắng thì rượu càng ngon.

Công đoạn làm rượu rất công phu, phải qua ít nhất 7 công đoạn từ chọn gạo, nấu cơm, ủ với men cho đến trộn nước, nấu rượu, lọc, đóng chai. Gạo sau khi nấu tránh để bị cháy, khê sẽ được trộn với men Ba Đồn để ủ. Mấy năm gần đây, trên thị trường xuất hiện men Trung Quốc, men vi sinh nấu rượu nhanh mà lại được rượu hơn, nhiều nơi đã chuyển qua mua loại men này dùng.

Tuy nhiên, chất lượng rượu kém hẳn nên người làng rượu nơi đây "quyết không ngó ngàng" tới để tránh làm ảnh hưởng đến "danh tiếng" rượu Tuy Lộc mà cha ông họ đã để lại từ bao đời nay. Sau khi trộn với men được giã mịn, cơm được ủ trong vòng ba ngày, sau đó được lấy ra trộn lẫn với nước rồi ủ tiếp thêm khoảng bảy ngày nữa mới đem nấu. Công đoạn nấu rượu cũng được thực hiện khá tỉ mỉ, tập trung bởi lẽ phải canh lửa sau cho không nhỏ quá mà cũng không lớn quá, phải luôn giữ đều lửa thì chất lượng rượu mới cao. Rượu sau khi nấu xong tiếp tục được lọc qua một hệ thống lọc rồi mới đem đóng chai.

Trung bình mỗi ngày làng nghề Tuy Lộc sản xuất được 200-300 lít rượu (về mùa đông) và khoảng 100-150 lít (về mùa hè, do có gió nam nên khó nấu). "Với số lượng chừng ấy, nhiều lúc làng nghề cung ứng không đủ cho nhiều nơi trong tỉnh và các tỉnh, thành khác, nhất là dịp Tết. Rượu Tuy Lộc vốn nức tiếng gần xa nhờ hương vị đặc trưng riêng có, được nhiều người ưa chuộng nên sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cũng nhờ đó, nhiều hộ gia đình trong thôn có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống đỡ vất vả hơn", anh Đặng Ngọc Thắng, Trưởng thôn Tuy Lộc cho biết.

Năm 2005, HTX làng nghề Dũng Luật được ra đời, do gia đình ông Trần Đình Hòe tiếp quản, trong đó có doanh nhân Trần Viết Dũng là con trai thứ đứng ra thành lập và chủ nhiệm, góp phần bảo tồn và duy trì nét đặc trưng, tinh túy của hương vị rượu quê hương. Hiện tại HTX là đầu mối bao tiêu sản phẩm cho hơn 20 hộ nấu rượu tại địa phương. Ngoài việc thu mua rượu từ dân, HTX còn tổ chức dạy nghề, cung cấp men cho các hộ dân. Nhờ đó, nhiều hộ trước đây bỏ nghề nấu rượu, nay có điều kiện, không phải lo đầu ra nên đã trở lại gắn bó với nghề truyền thống của quê hương.

Từ lâu người làng Tuy Lộc đã ngầm xây dựng được hương ước bảo vệ và giữ gìn bí quyết gia truyền. Quy ước quy định rõ ràng về chất lượng rượu cổ truyền làng Tuy Lộc, rượu chỉ dùng men bảo đảm chất lượng, nghiêm cấm việc sản xuất rượu kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của làng. Hiện nay có nhiều công nghệ sản xuất rượu hiện đại nhưng người làng Tuy Lộc vẫn cất rượu theo phương pháp cổ truyền. Cầm chai rượu trong veo, chỉ cần mở nút hoặc lắc nhẹ, những bọt rượu chạy quanh chai bám chặt với nhau toả ra hương thơm ngát.

Theo anh Tư, một người có "thâm niên" nấu rượu hơn 20 năm ở Tuy Lộc, nghề nấu rượu của làng đã phát triển từ rất lâu. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, dù trải qua bao biến thiên nhưng vị của rượu Tuy Lộc vẫn không hề thay đổi. Có lẽ, cũng bởi cái dư vị khó lẫn lộn ấy mà cho đến nay, ở làng vẫn còn truyền tụng câu chuyện hư cấu như là để khẳng định "thương hiệu" rượu Tuy Lộc suốt mấy trăm năm qua của làng: "Có một gia đình ở xã khác muốn học nghề nấu rượu, nên cho con trai của mình sang lấy vợ ở làng Tuy Lộc. Mới về làm dâu, cha mẹ chồng đã sắm cho cô gái một lò rượu, nấu mãi mà rượu chẳng ngon bằng rượu mà cô đã nấu ở bên Tuy Lộc, cô về khóc với mẹ mình, rồi cô được một lời khuyên là hãy lấy nước sông Kiến Giang mà nấu thì rượu sẽ ngon, quả thật là như vậy, cô đã thành công nhờ lấy nước sông Kiến Giang ở làng mình để nấu rượu cho nhà chồng".

Hiện, làng Tuy Lộc có hơn 30 lò rượu suốt ngày đêm đỏ lửa. Đến thăm các lò rượu mới thấy, để có một mẻ rượu ngon, người làng nghề đã dồn bao công khó, cần mẫn làm lụng và nhất là cái tâm của người làm nghề được tiếp truyền từ bao thế hệ nay.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác