Giữ hồn cho làng nghề

7:52, Thứ Hai, 26-5-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Đến bây giờ nhiều người dân ở thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch vẫn chưa rõ nghề làm bánh tráng (bánh đa) có từ khi nào? Ông tổ của nó là ai? Chỉ biết rằng, đây là nghề mưu sinh gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt thường ngày của mỗi người dân, đồng thời nó cũng tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, đậm đà tính dân tộc.

Bà Cao Thị Hường, năm nay gần tuổi 80, hiểu biết nhiều về nghề nhờ có hơn 65 năm thâm niên cho hay: Thưở trước người dân nơi đây nghèo lắm. họ bươn chải làm đủ nghề để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Riêng làm bánh tráng chỉ có vài người ở Phường Hạ còn gọi là Hậu Lộc, nay là thôn Tân An...

Bà Hường (ở thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch) đang tráng bánh tráng theo kiểu thủ công truyền thống


Thời gian trôi qua, thế hệ này qua thế hệ khác lại tiếp tục giữ nghề sinh sống. Con gái trong làng xuất giá tòng phu được cha mẹ cho của hồi môn bằng cái nghề mà họ gắn bó, để làm kế mưu sinh. Còn những ai muốn thành dâu hiền, rể thảo của làng, ngoài chuyện ăn, ở thì cũng phải lăn mình vào học nghề. Bây giờ ở làng Tân An có khoảng 200 hộ làm nghề, chủ yếu làm bánh tráng mỏng, một nghề mới có gần chục năm nay.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tuy dân làng ít có mấy ai sống sung túc nhờ nghề, nhưng nhờ nó mà có thêm thu nhập, có điều kiện phát triển chăn nuôi để cải thiện đời sống. Do vậy mà người dân nơi đây ít ly hương vào Nam hay ra Bắc để mưu sinh như một số địa phương khác. Cứ trung bình mỗi nhà làm nghề tạo việc làm cho khoảng 4 lao động, có phế thải để nuôi chừng 10-15 con lợn thịt.

Mỗi chiếc bánh tráng làm ra trông đơn sơ nhưng lại có mặt khắp chốn, từ các nhà hàng sang trọng đến quán ăn bình dân. Vào những dịp lễ, tết hoặc hiếu hỉ, bánh tráng không thể vắng mặt. Với chiếc bánh tráng dày khi nướng lên thơm lừng mùa lúa gạo, khói đồng, tạo nên một nét hồn quê của dân tộc xuất thân từ cây lúa nước.

Trong các bữa tiệc thì chiếc bánh được coi như chiếc cầu nối giữa các món ăn, là khoảng thời gian để mỗi chúng ta làm quen, thăm hỏi sức khỏe... Trong đời sống tâm linh, chiếc bánh tráng còn trở nên quan trọng, bởi luôn được dâng cúng tổ tiên. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lý giải rằng: sở dĩ nó được tôn vinh như thế là do chất liệu tạo nên chiếc bánh tráng chủ yếu là gạo.

Có lẽ vì thế mà cái nghề này vẫn sống mãi trong các làng quê bên dòng sông Gianh lịch sử.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác