Chi tiết tin - Du khách
Nghề săn "bò biển"
Ngư dân làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch) vốn nổi tiếng với nghề câu cá hố. Tuy nhiên câu cá hố vốn là nghề câu tay nên nhọc nhằn, tốn khá nhiều lao động. Những năm gần đây, nhiều tàu cá ở Cảnh Dương đã chuyển những nghề đánh bắt các loại hải sản mới, trong đó có nghề đánh bắt cá bò mà ngư dân vẫn hay gọi vui là nghề săn “bò biển”.
Làm "nhà" cho cá bò
Cửa biển sông Roòn những ngày này nhộn nhịp hẳn khi tàu thuyền tấp nập ra vào tập kết hải sản và chuẩn bị ngư lưới cụ cho các chuyến biển đầu vụ Nam. Đi dọc theo bờ kè cảng cá ở phía làng biển Cảnh Dương, cùng với lời giới thiệu của ngư dân, chúng tôi không khó để nhận ra những chiếc tàu cá hành nghề săn “bò biển”. Bởi trên những chiếc tàu chuyên đánh bắt cá bò, ngoài các loại ngư lưới cụ thông thường, còn có hàng trăm cột chà gắn cờ vải ở ngọn và những bịt chà to đùng được làm bằng các bao lác kết lại với nhau.
Ngư dân Nguyễn Minh Tuấn (SN 1990, ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương), chủ một tàu chuyên hành nghề đánh bắt cá bò đang cùng các bạn thuyền cột nhanh những cột chà cuối cùng, hoàn thành toàn bộ gần 200 dải chà cho chuyến biển sắp tới của mình.
Theo ngư dân Nguyễn Minh Tuấn, qua nhiều năm bám biển mưu sinh, anh và nhiều ngư dân Cảnh Dương đã hiểu rõ đặc tính của loài cá bò. Đây là loài cá sống ở tầng nổi, thường đi thành từng đàn men theo mé nước các dòng hải lưu để kiếm ăn. Đặc biệt, cá bò rất thích trú ngụ dưới bóng các vật thể nổi trên mặt biển. Chính vì vậy, ngư dân đã nghĩ cách thả chà “làm nhà” cho cá bò vào trú ngụ để đánh bắt.
Buộc cột chà “làm nhà” cho cá bò trú ngụ để đánh bắt
Chà được làm bằng những dải bao lác nối liền với một sợ dây dài tầm 15m. Ở đầu dải chà, ngư dân dùng 1 cột tre cao khoảng 5m, trên ngọn gắn cờ vải các loại màu (tùy theo sở thích của chủ tàu), nhưng thường là các loại màu tương phản với màu nước biển để dễ nhận biết. Để cột chà nổi thẳng đứng trên mặt nước biển, đế cột chà được đúc bằng bê tông và giữa thân cột gắn với một chiếc phao lớn.
Khi cho tàu đến vùng biển cần đánh bắt, bằng kinh nghiệm của mình, chủ tàu sẽ quan sát và nhận biết các dòng hải lưu trên biển, cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại để dò tìm luồng cá và quyết định thả chà để dụ cá bò vào trú ngụ. Trung bình một ngày đêm đánh bắt, chủ tàu và ngư dân thường thả khoảng 50-70 dải chà. Khi phát hiện có cá bò, ngư dân sẽ dùng lưới mành để bủa vây, đánh bắt.
Nghề mới, hiệu quả cao
Theo ngư dân Cảnh Dương, nghề săn “bò biển” không phải là nghề truyền thống của làng. Từ bao đời nay, ngư dân Cảnh Dương vốn nổi tiếng với nghề câu cá hố. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nguồn lao động nghề biển khan hiếm, không đủ bạn thuyền để đi câu cá hố, nhiều chủ tàu ở xã Cảnh Dương đã chuyển sang nghề thả chà đánh bắt cá bò.
Ngư dân Cảnh Dương có thể đánh bắt cá bò quanh năm, nhưng loại cá này thường xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 5-6 và tháng 9-10. Cũng như cá hố, cá bò là một loại cá đặc sản, thường được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc nên có giá trị kinh tế cao. Hiện giá cá bò đang dao động từ 120-150.000 đồng/kg
Ngư dân Nguyễn Minh Tuấn (SN 1982, thôn Cảnh Thượng, xã Cảnh Dương)-chủ của 3 tàu cá chuyên đánh bắt cá bò-cho biết: Trước đây, anh cũng chuyên nghề câu cá hố, tuy nhiên, 2 năm gần đây do không đủ bạn để đánh bắt cá hố nên anh đã học hỏi nghề đánh bắt cá bò của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ và chuyển sang nghề thả chà, đánh bắt cá bò.
Mới bắt đầu vụ đánh bắt nhưng nhiều ngư dân Cảnh Dương đã trúng cá bò
Nghề đánh bắt cá bò không tốn nhiều lao động, mỗi tàu chỉ cần 4-5 bạn thuyền là có thể ra khơi. Nghề này cũng không quá phức tạp, chỉ cần lao động siêng năng, dồi dào sức khỏe là được. Trữ lượng cá bò trên các vùng biển của Việt Nam hiện còn rất dồi dào, nên nếu may mắn, mỗi tàu có thể thu về vài tấn cá bò sau 5-7 ngày bám biển.
Theo anh Tuấn, tuy là nghề mới nhưng 2 năm qua, nhờ thời tiết thuận lợi, 3 chiếc tàu cá chuyên đánh bắt cá bò của gia đình anh liên tục ra khơi và có nhiều chuyến biển “bội thu” mang về cho gia đình và bạn thuyền hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, vào tháng 6/2023, chỉ trong 4 đêm đánh bắt, tàu cá của anh Tuấn đã trúng mẻ cá bò 7 tấn, thu về hơn 700 triệu đồng.
“Sau khi thả chà xong, tôi đang cùng anh em ăn cơm nghỉ ngơi, thì phát hiện đàn cá bò “đen đặc” đang di chuyển dưới bóng chà. Quá mừng, anh em nhanh chóng thả lưới xuống biển, rút chì khép chặt vòng vây đàn cá lại. Thấy đàn cá quá nhiều, tôi liên lạc các tàu bạn trong tổ hợp tác đang đánh bắt gần đó chạy tàu lại cùng vớt cá mới kịp”, anh Tuấn kể.
“Điều địa phương và ngư dân Cảnh Dương hướng tới là khi vươn khơi, bám biển, tất cả mọi người phải tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật; không đánh bắt theo kiểu tận diệt cá con; môi trường biển phải được bảo vệ, để nguồn lợi thủy sản tiếp tục tái tạo. Có như vậy thì những chuyến tàu của ngư dân Cảnh Dương sẽ vững tin ra khơi, bám biển, mang lại no ấm cho gia đình, làm giàu cho quê hương và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang mong muốn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương Nguyễn Ngọc Tiếp cho biết, ngư dân Cảnh Dương có truyền thống đánh bắt cá hố và những năm gần đây thì phát triển thêm nghề mới-đánh bắt cá bò. Thời gian qua, trong khi sản lượng khai thác cá hố vẫn ổn định thì nhiều tàu cá của ngư dân Cảnh Dương trúng đậm cá bò. Ngoài ngư dân Nguyễn Minh Tuấn, nhiều ngư dân khác cũng “thắng lớn” do trúng đậm cá bò. Năm 2024, tuy mới bắt đầu vào vụ đánh bắt cá bò nhưng nhiều ngư dân xã Cảnh Dương đã trúng đậm cá bò, như: Ngư dân Dương Xuân Thắng (thôn Tân Cảnh) đi 2 chuyến biển đánh bắt được 6 tấn cá bò, thu về 600 triệu đồng; các ngư dân Võ Đức Anh, Ngô Văn Hùng đều trúng mẻ cá bò 2 tấn, thu về 200 triệu đồng mỗi tàu…
Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang chia sẻ, đánh bắt cá bò là một nghề mới, tuy nhiên bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Nhận thấy đây là một nghề không đánh bắt tận diệt lại khá thân thiện với môi trường (vì chỉ đánh bắt cá lớn), sản phẩm có giá trị kinh tế cao nên địa phương khuyến khích ngư dân đẩy mạnh vươn khơi, bám biển bằng nghề đánh bắt cá bò, cùng với các nghề truyền thống khác.
Theo Báo Quảng Bình
- Hàm Hương nức tiếng mắm xưa (23/02/2024)
- Nuôi hàu thương phẩm trên sông (21/11/2023)
- Néo giữ hồn quê trong chiếc nan tre (10/08/2023)
- Giữ nghề đan lát truyền thống (01/08/2023)
- Giữ gìn và phát triển làng nghề rèn, đúc xã Quảng Hòa (19/07/2023)
- Miệt mài giữ nghề đan lát của người Khùa (04/07/2023)
- Gìn giữ nghề nón lá truyền thống (08/05/2023)
- Thị xã Ba Đồn: Nỗ lực giữ gìn các làng nghề truyền thống (27/02/2023)
- Những làng nghề nổi tiếng Quảng Bình (13/02/2023)
- Làng bánh tráng Tân An nhộn nhịp vụ Tết (03/01/2023)