Chi tiết tin - Du khách
Giữ nghề đan lát truyền thống
Nhiều năm qua, ông Lê Viết Sơn, ở thôn Kim Trung, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) luôn gìn giữ, phát triển nghề mây tre đan truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã phong phú, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
"Tuyên Hóa là vùng đất có nguồn nguyên liệu mây tre khá dồi dào nên tôi đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã (HTX) với mong muốn sản phẩm mây tre sẽ có chỗ đứng trên thị trường. Nhờ sự đầu tư về chất lượng, mẫu mã, nên các phẩm được người tiêu dùng rất ưa chuộng", ông Lê Viết Sơn, Giám đốc HTX Mây tre đan Vân Sơn chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Viết Sơn, đến nay, HTX đã sản xuất được 40-50 mẫu với hàng chục nghìn sản phẩm được xuất ra mỗi năm. Từ cơ sở ban đầu với 2 nhà xưởng chuyên sản xuất, chế biến nguyên liệu song mây và đan lát thủ công, hiện HTX đã đầu tư xây dựng lò luộc nguyên liệu song mây công suất 1,5 tấn/mẻ, một lò sấy nguyên liệu công suất 4,5 tấn/mẻ/48 giờ và 11 máy chế biến nguyên liệu song mây các loại trị giá trên 1,5 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, với mức thu nhập bình quân từ 4,5-6,5 triệu đồng/người/tháng… Kể từ ngày thành lập đến nay, HTX đã vượt qua mọi khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh, từng bước tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.
Để phát triển lâu dài, ngoài tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ông Sơn còn tìm đối tác và tạo chuỗi liên kết bền vững, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại, với kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất cơ bản bảo đảm, có hệ thống xử lý rác thải vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn sản xuất, mỗi năm HTX sản xuất từ 16.000-20.000 sản phẩm các loại. Doanh thu hàng năm bình quân đạt gần 2,7 tỷ đồng. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu của HTX đạt khoảng 1,1 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Sơn kiểm tra nguyên liệu mây.
Để sản phẩm bảo đảm về số lượng, chất lượng và đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Sơn đã mời các nghệ nhân và thợ giỏi ở các làng nghề truyền thống có tiếng trong nước về tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến nguyên liệu và nâng cao tay nghề đan xiên cho lao động HTX; đồng thời chú trọng dạy nghề cho người dân và liên kết, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh tập huấn nâng cao kỹ thuật đan lát thủ công và sấy nguyên liệu song mây cho người lao động.
Trong 5 năm gần đây, nhờ sự nhạy bén, linh hoạt để thay đổi hướng tiếp cận với khách hàng, cùng sự nỗ lực, kiên trì kết nối, các sản phẩm mây tre đan của HTX đã có thị trường ổn định ở Khăm Muồn, Sạ-vẳn-na-khệt (Lào); Mukdahan, Nakhon Phanom, Sakon Nakhon (Thái Lan); xuất khẩu ruột mây qua Ấn Độ… và các công ty, cơ sở kinh doanh mây tre đan trong nước.
Tháng 3/2023, ông Lê Viết Sơn vinh dự cùng đoàn cán bộ Quảng Bình đến tỉnh Sakon Nakhon tham dự triển lãm sản phẩm tiềm năng và dự hội nghị kết nối giao thương. Sản phẩm của HTX Mây tre đan Vân Sơn được nước bạn đánh giá cao về chất lượng, tính thẩm mỹ và đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp bạn tại tỉnh Sakon Nakhon và tỉnh Khăm Muồn.
Ngoài ra, HTX Mây tre đan Vân Sơn đã ký hợp đồng khai thác song mây với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh 6 năm (2022-2028). Hiện, ngoài nguồn nguyên liệu ở huyện Quảng Ninh, HTX còn liên kết với một số HTX ở Nghệ An chế biến nguyên liệu song mây, tập kết song mây về xưởng…
Ông Sơn cho hay: Trong suốt những năm làm nghề của mình, điều khiến tôi vui và hạnh phúc chính là có thể truyền nghề được cho con cháu và nhiều thế hệ trẻ trên địa bàn các xã trong tỉnh. Thời gian tới, HTX Mây tre đan Vân Sơn sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1 nhà sấy năng lượng mặt trời, cải tiến chất lượng sản phẩm để chuẩn bị cho trưng bày sản phẩm tại Trung Quốc và các hội nghị giao thương; đồng thời sẽ ký hợp đồng sản xuất cung ứng nguyên liệu cho HTX Mây tre An Khê (Đà Nẵng), Công ty TNHH thương mại Hạnh Hương (Hà Nội) và hoàn thiện các thủ tục ký kết biên bản ghi nhớ với một số doanh nghiệp tại Thái Lan và Lào...
Với những nỗ lực cố gắng không ngừng trong việc giữ gìn và phát huy tinh hoa của nghề mây tre đan lát của địa phương, nhiều năm liền ông Lê Viết Sơn được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và được tặng bằng khen, giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh… Đặc biệt, năm 2020, ông Lê Viết Sơn vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” nghề mây tre đan.
Theo Báo Quảng Bình
- Giữ gìn và phát triển làng nghề rèn, đúc xã Quảng Hòa (19/07/2023)
- Miệt mài giữ nghề đan lát của người Khùa (04/07/2023)
- Gìn giữ nghề nón lá truyền thống (08/05/2023)
- Thị xã Ba Đồn: Nỗ lực giữ gìn các làng nghề truyền thống (27/02/2023)
- Những làng nghề nổi tiếng Quảng Bình (13/02/2023)
- Làng bánh tráng Tân An nhộn nhịp vụ Tết (03/01/2023)
- Làng thuyền viên tàu viễn dương (22/11/2022)
- Nhà thờ họ Đặng Đại làng Đức Phổ (22/11/2022)
- Cá lóc khô, nông sản chất lượng cao ở Ngư Thủy (30/05/2022)
- Mưu sinh dưới đáy sông (19/05/2022)