Miệt mài giữ nghề đan lát của người Khùa

10:29, Thứ Ba, 4-7-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Với già làng Hồ Xây (SN 1943) ở bản Rôông (xã Trọng Hóa, Minh Hóa), những sản phẩm đan lát của người Khùa (dân tộc Bru-Vân Kiều) không chỉ là những vật dụng để sản xuất, sinh hoạt hàng ngày mà còn là “linh vật” của dân tộc mình. Vậy nên, dù không còn phải mưu sinh bằng nghề đan lát, nhưng hàng chục năm qua, già làng Hồ Xây vẫn miệt mài gìn giữ và trao truyền cho thế hệ mai sau!
 

Sính lễ đặc biệt…
 
Đến xã Trọng Hóa hỏi thăm già làng Hồ Xây ở bản Rôông, thì ai cũng biết. Bởi ông được coi là “bộ sách sống” về phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của người Khùa.
 
Không những thế, già làng Hồ Xây còn là một trong những người đan lát giỏi nhất xã Trọng Hóa. Già làng Hồ Xây kể, năm lên 10 tuổi, ông đã được bố chỉ dạy cho nghề đan lát. Lớn lên, ông làm y tá thôn bản và phục vụ chiến đấu ở cung đường 12A ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ, nhưng hễ có thời gian rảnh là ông lại tranh thủ lên rừng chặt tre, tìm mây về đan lát. Từ năm 20 tuổi, ông đã thành thạo nghề đan lát truyền thống của người Khùa và đã làm được những sản phẩm khó nhất. Cứ thế, hàng chục năm qua, già Xây vẫn miệt mài với nghề, mặc dù những năm sau này, kinh tế gia đình đã khá lên, đan lát không còn là một nghề để mưu sinh nữa.  
 
Theo già làng Hồ Xây, những sản phẩm đan lát thủ công đặc trưng của người Khùa, như: Cu tôốc (mâm cơm), a chói (gùi), cà nhăng (gùi nhỏ), típ (giỏ nhỏ đựng cơm), cù pá (giỏ đựng cá)… không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn chứa đựng nét văn hóa độc đáo, thậm chí là “linh hồn” của cả tộc người. Nhiều sản phẩm trở thành lễ vật không thể thiếu trong các dịp cúng tế, cưới hỏi…, nên được đồng bào coi như những “linh vật” của bản.
 
Già làng Hồ Xây cho biết, tại lễ cưới của người Khùa, trong các sính vật mà nhà trai đưa đến nhà gái có ba sản phẩm của nghề đan lát gồm cu tôốc, cà nhăng, típ. Trong đó, cu tôốc là một lễ vật bắt buộc. Vì thế ngày xưa, bất kể chàng trai người Khùa nào cũng được ông cha họ truyền dạy nghề đan lát. Biết đan hoàn chỉnh một chiếc cu tôốc là cách những chàng trai người Khùa thể hiện sự tài hoa, khéo tay của mình trước các thiếu nữ trong bản.

Hàng ngày, già làng Hồ Xây vẫn miệt mài đan lát để giữ nghề truyền thống của người Khùa

Già làng Hồ Xây chia sẻ, muốn có những chiếc cu tôốc đẹp, quan trọng nhất là kỹ thuật vót tre, mây phải mảnh đều, mềm mại. Với người Khùa, chiếc cu tôốc gồm hai phần thân và đế. Tùy theo tính chất sử dụng mà người Khùa làm ra những chiếc cu tôốc to hay nhỏ, cũng như độ nông, sâu của bề mặt chiếc mâm đan bằng mây, tre cho phù hợp.
 
Trăn trở giữ nghề
 
Vậy nhưng, cũng theo già làng Hồ Xây, với sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại với những vật dụng bằng nhựa, nhôm, inox…, nghề đan lát truyền thống của địa phương đang dần bị mai một. Điều này đã làm ông luôn trăn trở và tìm mọi cách để giữ gìn nghề đan lát truyền thống.
 
Ông bảo, nghề đan lát là truyền thống tốt đẹp của người Khùa, giữ lại nghề là giữ lại mỹ tục, văn hóa, cội nguồn tổ tiên. Vậy nên, hàng chục năm qua, dù nghề đan lát là một nghề tốn nhiều thời gian, thu nhập thấp, nhưng ông vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ, vẫn miệt mài gìn giữ nghề xưa của tổ tiên.
 
Không những thế, ông còn tìm mọi cách, đi đến các gia đình, bản làng khác tìm những người Khùa trẻ tuổi có đam mê để trao truyền nghề đan lát. Ông tỏ ra vui mừng, khi biết được vẫn có nhiều người Khùa như Hồ Kết ở bản Ra Mai, Hồ Bông ở bản K In… dù còn rất trẻ vẫn đam mê và miệt mài với nghề đan lát.
 
Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi, con gái già làng Hồ Xây chia sẻ: “Nhiều lần về thăm nhà, thấy cha tuổi đã cao mà vẫn ngày đêm miệt mài với nghề đan lát thấy thương, muốn khuyên ông nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe mà không dám mở lời. Bởi tôi biết, với ông nghề đan lát không chỉ là niềm đam mê đã ăn sâu vào máu thịt mà còn là “hồn cốt” của tộc người mà ông quyết tâm giữ gìn cho mai sau”.
 
Theo bà Hồ Thị Thoi, với trách nhiệm của một người con, hơn hết là một lãnh đạo của xã Trọng Hóa, bà đã rất trăn trở và tìm cách để cùng chung tay giữ gìn nghề truyền thống của quê hương.
 
Trên cương vị là đại biểu HĐND huyện Minh Hóa, bà Thoi cũng đã nhiều lần đề nghị các cấp, các ngành quan tâm mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, tìm kiếm đơn đặt hàng, mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm, tạo thương hiệu… để nghề đan lát truyền thống của người Khùa không bị mai một và được bảo tồn, phát triển.
 
Điều đáng mừng là mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Minh Hóa phối hợp với dự án Plan Quảng Bình hỗ trợ xã Trọng Hóa ra mắt tổ hợp tác mây tre đan; đồng thời hỗ trợ tổ hợp tác xây dựng quy chế hoạt động, cung cấp máy vót tre, máy chuốt mây, tủ trưng bày sản phẩm, kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm mây tre đan trên các sàn giao dịch điện tử… Đặc biệt, Hội LHPN huyện Minh Hóa cũng phối hợp với dự án Plan Quảng Bình đã tổ chức các lớp tập huấn, mời các nghệ nhân, người đan lát giỏi trong cộng đồng người Khùa truyền nghề cho thế hệ trẻ.
 
Được mời tham gia truyền dạy nghề thủ công truyền thống cho lớp trẻ người Khùa, già làng Hồ Xây mừng lắm. Ông tâm sự: “Cảm ơn Hội LHPN huyện Minh Hóa và dự án Plan Quảng Bình. Như vậy là việc bảo tồn và phát huy nghề thủ công đan lát truyền thống của người Khùa dễ dàng hơn rồi!”.
 
“Với việc ra mắt tổ hợp tác mây tre đan xã Trọng Hóa và mời các nghệ nhân, người đan lát giỏi trong cộng đồng người Khùa như già Hồ Xây truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nghề đan lát thủ công truyền thống. Qua đây, cũng tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân Trọng Hóa từ các sản phẩm đan lát thủ công gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, bà Đinh Thị Ngọc Lê, Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Hóa chia sẻ.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác