Chi tiết tin - Du khách
Làng bánh tráng Tân An nhộn nhịp vụ Tết
Những ngày này, người dân làng Tân An (nay là thôn Tân An), xã Quảng Thanh (Quảng Trạch) đang tất bật với vụ sản xuất bánh tráng lớn nhất trong năm để phục vụ nhu cầu thị trường Tết. Các hộ gia đình ở đây đang huy động tối đa nhân lực, làm việc từ sáng sớm đến tối khuya để kịp giao các đơn hàng cuối năm.
Về làng Tân An trong những ngày này, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là dọc hai bên đường, phên bánh phơi trải dài tít tắp. Tranh thủ thời điểm trời không mưa, gió bấc thổi khô, người dân làm nghề đưa bánh ra phơi, những phên bánh nối dài từ ngõ nhà này qua nhà khác.
Để kịp thời phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến gần, Hợp tác xã (HTX) Làng nghề bánh mè xát Tân An đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tăng thêm nhân công lao động vào các khung giờ khác nhau, để kịp thời cung ứng đầy đủ các mặt hàng trong dịp Tết.
Các lò sản xuất bánh tráng ở Tân An (Quảng Thanh) tăng nhân lực, thời gian để sản xuất cho kịp các đơn hàng trong dịp Tết.
Bà Phan Thị Cẩm Tú, Giám đốc HTX cho biết, bước vào vụ Tết, HTX huy động trên 100 lao động để làm cho kịp các đơn hàng. Ở đây, bất kể người già, trẻ con, thanh niên trai tráng đều tham gia, mỗi người một công đoạn, thuần thục, lành nghề. Những ngày này, lao động của HTX chia ca, làm việc từ sáng sớm và kết thúc muộn hơn so với thường lệ.
Theo bà Tú, hiện 20 lò bánh (20 máy) của HTX đang hoạt động hết công suất. Trung bình mỗi ngày HTX tiêu thụ khoảng 5 tấn gạo, sản xuất hàng trăm nghìn chiếc bánh với đầy đủ chủng loại, như: Bánh mè đen, mè vàng, bánh mè xát, bánh cuốn rau và bánh đa nem các loại.
“Để có những chiếc bánh thơm ngon, bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng, HTX đã chuẩn bị đầy đủ các công đoạn từ lựa chọn kỹ càng nguyên liệu để làm bánh (riêng vụ Tết dự kiến tiêu thụ khoảng 150 tấn gạo) đến công đoạn ngâm ủ gạo, trộn gia vị và tạo ra thành phẩm. Nhờ đầu tư máy móc hiện đại, cùng với kinh nghiệm lâu năm, nên sản phẩm của HTX làm ra luôn được người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước, bởi sự tinh túy của sản phẩm và mang đậm hương vị quê hương”, bà Tú chia sẻ.
Nghề làm bánh tráng ở làng Tân An sản xuất quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là thời điểm vụ Tết. Đi một vòng quanh làng, chúng tôi bắt gặp nhiều gia đình đang hối hả, tất bật làm bánh tráng Tết. Bà Phùng Thị Nam ở làng Tân An-người có trên 20 năm làm bánh tráng-cho biết: Muốn có chiếc bánh tráng thật ngon thì khâu chọn và pha bột rất quan trọng và thứ bột đó mới thật sự là bí quyết làm nên tên tuổi bánh tráng Tân An. Gạo được chọn phải là gạo thơm vừa, không được quá khô. Các nguyên liệu khác, đặc biệt mè cũng phải đạt chuẩn, pha trộn đúng định lượng…
Tranh thủ trời không mưa, gió bấc khô để phơi bánh.
“Ở Tân An, gia đình tôi vẫn giữ được cách làm bánh thủ công nên đã giữ được hương vị truyền thống trọn vẹn. Qua bao thế hệ, gia đình tôi luôn gắn bó với nghề này. Làm bánh không chỉ có thêm thu nhập mà còn là niềm vui nên gia đình tôi quyết tâm giữ gìn nghề”, bà Nam chia sẻ.
Trong giai đoạn cao điểm sản xuất vụ Tết nên trên gương mặt của những người thợ làm bánh tráng còn vết thâm quầngvì nhiều đêm thức khuya dậy sớm, nhưng tiếng nói cười rộn ràng đã giúp họ quên đi mệt mỏi.
Bên lò bánh tráng còn đang nghi ngút khói, chị Nguyễn Thị Phương, chủ của một lò bánh chia sẻ: “Mỗi năm vào dịp Tết là các lò hoạt động không ngơi tay, các lò tăng công suất lên gấp 3-5 lần mới đủ bánh để cung cấp cho thị trường. Công việc làm bánh những ngày giáp Tết tuy vất vả nhưng ai cũng vui vì cho thu nhập khá. Bình thường, với mỗi người làm bánh tráng thủ công, mỗi ngày có thể kiếm được từ 200-500 nghìn đồng nhưng dịp Tết, nhu cầu thị trường tăng cao, chúng tôi có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày”.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh Ngô Thanh Bình cho biết, nghề làm bánh tráng ở làng Tân An đã tồn tại hơn trăm năm nay. Làng Tân An nằm bên bờ sông Gianh, vốn ít đất để sản xuất nông nghiệp nên làm bánh tráng được xem là nghề tạo thu nhập chính cho người dân.
Hiện làng Tân An có 360 hộ sản xuất bánh tráng. Những năm gần đây, nhiều hộ làm bánh tráng đã nắm bắt được thị trường nên từng bước chuyên môn hóa, cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm nên được khách hàng khắp nơi ưa chuộng.
Theo Báo Quảng Bình
- Làng thuyền viên tàu viễn dương (22/11/2022)
- Nhà thờ họ Đặng Đại làng Đức Phổ (22/11/2022)
- Cá lóc khô, nông sản chất lượng cao ở Ngư Thủy (30/05/2022)
- Mưu sinh dưới đáy sông (19/05/2022)
- Chiếu cói làng An Xá (28/12/2021)
- Làng nghề bánh tráng Tân An (28/12/2021)
- Bản Tà Vờng – Điểm du lịch cộng đồng độc đáo của Quảng Bình (28/12/2021)
- Về thăm làng Ho ở Lệ Thủy - Quảng Bình (28/12/2021)
- Chợ truyền thống, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo (08/04/2021)
- Những người phụ nữ "giữ lửa" nghề truyền thống (28/03/2020)