Chi tiết tin - Du khách
Cá lóc khô, nông sản chất lượng cao ở Ngư Thủy
Những năm gần đây, nghề nuôi cá lóc ở các xã ven biển Lệ Thủy phát triển mạnh. Người nuôi đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng cá ngày càng cao. Tuy nhiên, tình trạng nuôi cá lóc tự phát, không có quy hoạch làm cho sản lượng tăng, cung vượt cầu nên giá thành giảm, người nuôi thua lỗ.
Để dễ tiêu thụ, một số hộ nuôi nơi đây đã chế biến cá lóc thành các loại khô cá hay mắm cá nhưng phần lớn ở quy mô hộ gia đình, chế biến theo kinh nghiệm dân gian và phơi khô bằng ánh nắng mặt trời nên phụ thuộc vào thời tiết. Sản phẩm không có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, chưa bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng nên tính cạnh tranh chưa cao.
Sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị của HTX Ngư Nam, xã Ngư Thủy (Lệ Thủy)
Với mong muốn tăng sản lượng tiêu thụ cá lóc ổn định cho người dân, hạn chế tình trạng bị ép giá thu mua cá lóc tươi, năm 2021, HTX Ngư Nam đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến món cá lóc khô tẩm gia vị, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Đặc biệt, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị của HTX đến nay đã có bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận an toàn thực phẩm…
Giám đốc HTX Ngư Nam Nguyễn Hữu Phước cho biết: "Ở Ngư Thủy, nguồn nguyên liệu thủy sản tương đối lớn nhưng giá thành thấp hơn những nơi khác. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã luôn trăn trở vấn đề đầu ra cho nguồn thủy sản ở địa phương, đặc biệt cá lóc nuôi trên cát của bà con. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi đã thi đậu vào chuyên ngành chế biến thủy sản, Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh để thực hiện ước mơ của mình. Cùng với việc học ở trường, tôi đã có nhiều chuyến thực tập, thực tế tại các công ty chế biển thủy sản, cơ sở chế biến cá lóc khô để học hỏi chế biến ra các sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị, đáp ứng được yêu cầu của đa số khách hàng".
Theo anh Phước, trong quá trình chế biến, công thức tẩm ướp, gia vị được xem là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại. Vì vậy, để sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị đạt được như mong đợi, anh Phước đã bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu để đưa ra một công thức nhất định. Những mẻ khô lóc đầu tiên, anh gửi cho bạn bè, người thân dùng thử và góp ý. Từ sự phản hồi đó, anh Phước đã có được công thức tẩm ướp của riêng mình, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng.
Chế biến cá lóc khô tẩm gia vị là hướng đi mới giúp người dân tiêu thụ sản phẩm cá lóc tươi tại địa phương, tránh được tình trạng được mùa, rớt giá.
Không chỉ có công thức tẩm ướp phù hợp, nguyên liệu đầu vào cũng được HTX lựa chọn kỹ lưỡng. Cá phải bảo đảm tươi sống. Khi làm cá, phải lấy được tia máu bám sát sống lưng, rửa lại bằng rượu trắng để khử mùi tanh và khứa dọc đều để thấm gia vị…
Cá sau khi được làm sạch, tẩm ướp, mang ra phơi nắng từ 2-3 ngày. Khi phơi ngoài trời nắng cần che phủ bởi màng kín chống bụi bẩn; trường hợp trời ít nắng, HTX sử dụng máy sấy để sấy khô. Cá đã đủ độ khô cần thiết sẽ được đưa vào kho, đóng gói theo hình thức hút chân không để thời gian bảo quản được dài hơn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị của anh đạt giải 3 cuộc thi "Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo” tỉnh Quảng Bình, đã làm động lực để anh mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất.
Hiện sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị của HTX đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tuy nhiên, HTX vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị chế biến và bảo quản.
Hiện tại, các sản phẩm sấy khô của HTX Ngư Nam đang phụ thuộc vào thời tiết là chính. Về mùa mưa, nhiều nơi đặt hàng sấy khô với số lượng lớn nhưng HTX vẫn chưa đáp ứng được vì công suất máy sấy khô của HTX quá nhỏ, phần lớn cá vẫn phải phơi nắng. Ngoài ra, nguồn vốn quay vòng trong tiêu thụ sản phẩm, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh hàng hóa số lượng lớn, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm… cũng là một trong những khó khăn mà HTX đang gặp phải.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy Nguyễn Quang Kiền cho hay, địa phương hiện có hơn 100 hộ nuôi cá lóc trên cát với sản lượng đạt từ 800-1.000 tấn/năm. Tuy nhiên, tình trạng được mùa mất giá vẫn còn xảy ra thường xuyên đối với người dân nơi đây. Sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị của HTX Ngư Nam là hướng đi mới có nhiều triển vọng giúp bà con tiêu thụ lượng lớn cá lóc tươi, chống tình trạng thương lái ép giá, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng với HTX trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu các nguồn vốn vay ưu đãi để HTX mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.
Theo Báo Quảng Bình
- Mưu sinh dưới đáy sông (19/05/2022)
- Chiếu cói làng An Xá (28/12/2021)
- Làng nghề bánh tráng Tân An (28/12/2021)
- Bản Tà Vờng – Điểm du lịch cộng đồng độc đáo của Quảng Bình (28/12/2021)
- Về thăm làng Ho ở Lệ Thủy - Quảng Bình (28/12/2021)
- Chợ truyền thống, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo (08/04/2021)
- Những người phụ nữ "giữ lửa" nghề truyền thống (28/03/2020)
- Người 'nặn tẩu' cuối cùng trên đỉnh Trường Sơn (14/02/2019)
- Quảng Bình: Người dân Quảng Long tất bật lo hoa tết (23/01/2019)
- Nhà nông phục vụ Tết: Làng bánh tráng bên sông Gianh hối hả vào vụ (23/01/2019)