Những người phụ nữ "giữ lửa" nghề truyền thống

9:37, Thứ Bảy, 28-3-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Trải qua nhiều biến động, thăng trầm, làng nghề truyền thống sản xuất chiếu cói An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy) vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Góp phần quan trọng trong việc “giữ lửa” cho làng nghề chính là những người phụ nữ cần mẫn, yêu nghề nơi đây. Với họ, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào về nghề truyền thống của quê hương.

 

Nằm cách trung tâm huyện khoảng 8km, nằm nép mình bên dòng sông Kiến Giang hiền hòa, thơ mộng, An Xá không chỉ được biết đến là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn nổi tiếng với làng nghề truyền thống làm chiếu cói. Chúng tôi may mắn được giới thiệu gặp bà Trần Thị Bé ở xóm 4, thôn An Xá, gia đình bà Bé có nhiều đời gắn bó với nghề dệt chiếu cói truyền thống, riêng bà đã có kinh nghiệm dệt chiếu cói thủ công hơn 50 năm.

Bà Trần Thị Bé chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã làm quen với nghề dệt chiếu cói truyền thống, khi đó trong làng từ trẻ nhỏ đến các cụ ai ai theo nghề này. Tuy nhiên, qua thời gian, lần lượt các gia đình đã bỏ nghề hết, nhưng tôi vẫn quyết tâm giữ nghề cha ông mình để lại.”

Hàng trăm năm qua, từ chỗ phát triển cực thịnh, nghề làm chiếu cói An Xá cũng có lúc biến động, sản phẩm dệt thủ công phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng thêu máy hiện đại, thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp. Vì vậy, toàn thôn An Xá hiện chỉ còn khoảng 30 chị em phụ nữ theo nghề chiếu cói truyền thống. Để giữ nghề của ong cha để lại, chị Trần Thị Nga ở xóm 3, thôn An Xá đã mạnh dạn mở cơ sở và đầu tư máy dệt, máy in chiếu, tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng về màu sắc, họa tiết.

Cơ sở của chị không chỉ góp phần giữ gìn làng nghề mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Đối với chị, đó không chỉ là công việc để mưu sinh mà còn là sự kế thừa đầy trách nhiệm, tâm huyết đối với nghề truyền thống của làng. “Tôi làm nghề được vài năm rồi. Không chỉ được truyền dạy nghề, chị Nga còn tạo việc làm ổn định cho công nhân. Ở cơ sở có rất nhiều phụ nữ nên dễ chia sẻ với nhau những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Tôi mong là có thể gắn bó lâu dài với nghề làm chiếu cói.”, chị Dương Thị Tuyết đang là công nhân tại cơ sở của chị Nga chia sẻ.

Bên cạnh sự quyết tâm giữ nghề của các chị em phụ nữ trên địa bàn, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều cơ chế khuyến khích giữ vững làng nghề như thành lập HTX làng nghề chiếu cói, tổ chức tập huấn… để chị em ngày càng giỏi việc, tinh nghề, nhất là thế hệ phụ nữ trẻ đang tiếp nối, giữ gìn nghề truyền thống.

Nói về vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn nghề sản xuất chiếu cói truyền thống, bà Võ Thị Như, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nũ xã Lộc Thủy cho biết:“Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò, vị trí của những người phụ nữ trong việc giữ gìn và phát huy làng nghề chiếu cói An Xá. Các chị, các mẹ không chỉ đầu tư làm các sản phẩm mới mà còn đào tạo, hướng dẫn cho nhiều phụ nữ để giữ gìn và phát huy làng nghề. Có thể nói, những phụ nữ nơi đây là linh hồn, là những người “giữ lửa” nghề để nghề sản xuất chiếu cói tồn tại với thời gian.”

Tin rằng, bằng tình yêu, tâm huyết đối với nghề ông cha để lại, những phụ nữ ở làng nghề truyền thống chiếu cói An Xá sẽ làm tốt vai trò là những người kế nghiệp, giữ mãi lửa nghề cho hôm nay và cả mai sau.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác